|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chấm dứt quan hệ ngoại giao, kinh tế Qatar và vùng Vịnh lỗ hàng tỷ USD

18:35 | 06/06/2017
Chia sẻ
Việc chấm dứt quan hệ ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giếng thuộc vùng Vịnh có thể khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD vì thương mại và đầu tư sẽ chậm lại, và làm tăng chi phí vay mượn trong khu vực khi phải chống lại việc giá dầu giảm.
cham dut quan he ngoai giao kinh te qatar va vung vinh lo hang ty usd

Với khoảng 335 tỷ USD trong quỹ đầu tư quốc gia, Qatar có khả năng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vì quyết định chặn các tuyến hàng không, biển và đất liền nối giữa các nước của Arab Saudi, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain.

Theo Reuters, việc mở rộng nhiều cơ sở cảng biển giúp Qatar có thể tiếp tục xuất khẩu khí gas hóa lỏng, hoạt động thương mại mang lại thặng dư thương mại trị giá 2,7 tỷ USD cho quốc gia này trong tháng 4. Ngoài ra, giúp hàng hóa nhập khẩu trở nên gần hơn vì được vận chuyển qua đường biển, trong khi trước đó phải chuyển qua vùng biên giới với Arab Saudi.

Tuy vậy, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Qatar có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu việc tranh chấp xung quanh cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố của chính quyền Riyadh, kéo dài hàng tháng. Sự kiện này đã kéo thị trường chứng khoán của Qatar giảm hơn 7% trong thứ Hai.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của hãng hàng không Qatar Airways, công ty giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực trở thành trung tâm du lịch của Qatar, có thể sẽ phải đối mặt với thiệt hại vì bị các trung tâm lớn nhất của Trung Đông cấm hoạt động.

Chính phủ Qatar đã vay trong và ngoài nước để hỗ trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 200 tỷ USD để chuẩn bị cho đăng cai World Cup 2022. Việc giá trái phiếu chính phủ Qatar giảm trong ngày hôm qua gợi ý rằng việc đi vay sẽ trở nên tốn kém hơn, có thể làm chậm tiến trình của một vài dự án.

Trái phiếu của 6 quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) không có nhiều biến động, nhưng một số cán bộ ngân hàng ngoại thương cho biết toàn bộ khu vực có thể phải trả phí đi vay nhiều hơn nếu căng thẳng ngoại giao kéo dài.

Vì phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu và khí gas, các quốc gia thuộc GCC không có sự hợp tác chặt chẽ trong thương mại và đầu tư, hạn chế khủng hoảng kinh tế vì tranh chấp giữa các quốc gia. UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Qatar trong GCC, nhưng chỉ lớn thứ 5 so với các đối tác toàn cầu.

Theo số liệu từ sàn giao dịch chứng khoán, Arab Saudi và các quốc gia thuộc GCC chỉ chiếm khoảng 5 – 10% lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Qatar, gợi ý rằng nếu các quốc gia này rút toàn bộ khoản đầu tư thì thị trường cũng sẽ không sụp đổ.

Tuy nhiên, Qatar sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn ở một số lĩnh vực. Arab Saudi và UAE cung cấp 309 triệu USD trên tổng giá trị 1,05 tỷ USD thực phẩm nhập khẩu trong năm 2015 của Qatar. Hầu hết sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa, đến từ biên giới của Arab Saudi. Điều này nghĩa là chính quyền Doha sẽ phải đàm phán các thỏa thuận khác với các quốc gia này.

Chi phí xây dựng của Qatar cũng sẽ tăng, kéo theo lạm phát của nền kinh tế, vì nhôm và các nguyên liệu xây dựng khác không thể nhập khẩu bằng đường bộ nữa.

Arab Saudi, UAE và Bahrain đưa nhân viên đại sứ quán của họ ở Qatar về nước trong 8 tháng vào năm 2014 vì cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ các nhóm tổ chức Hồi giáo, nhưng sự kiện này không ảnh hưởng lớn tới thị trường và nền kinh tế của Qatar. Nguyên nhân là vì quyết định đó không gồm lệnh cấm các tuyến đường lưu thông giữa các nước. Thương mại và đầu tư vẫn được triển khai như trước.

Lần này, Arab Saudi hứa rằng sẽ “triển khai các thủ tục pháp lý để các nước anh em, bạn bè và các công ty quốc tế hiểu rõ vấn đề ngay lập tức, và áp dụng các lệnh cấm tương tự đối với Qatar sớm nhất có thể”.

Vẫn chưa rõ rằng liệu chính quyền Riyadh có thể thuyết phục nhiều quốc gia cắt quan hệ với Qatar hay không, nhưng họ có thể yêu cầu các công ty quốc tế đưa ra lựa chọn giữa kinh doanh với Qatar và quyền tiếp cận với thị trường lớn hơn rất nhiều của Arab Saudi.

Theo Reuters, một số ngân hàng Ai Cập đã tạm dừng giao dịch với các ngân hàng của Qatar. Vẫn chưa rõ liệu ngân hàng của GCC có thực hiện tương tự hay không, nhưng các ngân hàng thương mại của UAE cho biết họ sẽ đợi hướng dẫn từ phía ngân hàng trung ương.

Thị trường chứng khoán ở Dubai và một vài nước thuộc GCC giảm trong thứ hai, dù không giảm nhiều như của Qatar, một dấu hiệu khiến các nhà đầu tư trong khu vực lo ngại.

“Nhìn chung, tình hình đang diễn ra không tốt. Tôi không nghĩ rằng khu vực sẽ rơi vào khủng hoảng như thế này. Mọi người đang hy vọng sẽ có sự can thiệp khéo léo từ quốc gia nào đó và mọi chuyện sẽ dịu đi. Nhưng điều mà chúng ta thấy đó là căng thẳng đang dần leo thang”, ông Mohammed Ali Yasin, giám đốc điều hành của công ty chứng khoán NBAD ở Abu Dhabi, cho biết.

Lyly Cao