|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cha đẻ' ChatGPT: AI nên được quản lý bởi một cơ quan của Mỹ hoặc toàn cầu

10:04 | 17/05/2023
Chia sẻ
Sam Altman, CEO OpenAI, đơn vị đứng sau chatbot nổi tiếng ChatGPT mới đây đã tham dự phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ. Tại đây, ông đã có những chia sẻ về AI, bao gồm cả những rủi ro và nguy hiểm và công nghệ này có thể gây ra với xã hội.

Người đứng đầu công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI, đơn vị đứng sau chatbot ChatGPT đã nói với Quốc hội Mỹ rằng sự can thiệp của chính phủ sẽ rất quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro của các hệ thống AI đang ngày càng phát triển mạnh, theo SCMP.

“Khi công nghệ này phát triển, chúng tôi hiểu rằng mọi người lo lắng về việc nó có thể thay đổi cách chúng ta sống như thế nào. Chúng tôi cũng vậy”, CEO OpenAI Sam Altman chia sẻ trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Sam Altman đã đề xuất thành lập một cơ quan của Mỹ hoặc toàn cầu nhằm cấp phép cho các hệ thống AI mạnh nhất và có quyền “rút giấy phép đó cũng như đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn”.

Sam Altman trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 16/5. (Ảnh: CNBC).

Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco của Sam Altman đã thu hút sự chú ý của công chúng sau khi phát hành chatbot ChatGPT vào cuối năm ngoái. Công cụ chatbot miễn phí trả lời các câu hỏi bằng những câu trả lời giống con người một cách thuyết phục.

Điều ban đầu khiến các nhà giáo dục hoang mang về việc sử dụng ChatGPT để gian lận trong các bài tập về nhà đã mở rộng thành những lo ngại rộng hơn về khả năng của loạt công cụ “AI thế hệ mới nhất” có thể đánh lừa mọi người, lan truyền thông tin sai lệch, vi phạm bảo vệ bản quyền và đảo lộn một số công việc.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, chủ tịch tiểu ban của Ủy ban Tư pháp Thượng viện về quyền riêng tư, công nghệ và luật pháp cho biết các công ty AI phải được yêu cầu kiểm tra hệ thống của họ và tiết lộ những rủi ro đã biết trước khi phát hành chúng, đồng thời bày tỏ lo ngại đặc biệt về cách các hệ thống AI trong tương lai có thể gây bất ổn cho thị trường việc làm. Sam Altman phần lớn đồng ý với các ý kiến này, mặc dù có quan điểm lạc quan hơn về tương lai của thị trường việc làm.

Nhấn mạnh vào nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chính mình về AI, Altman hầu như tránh đưa ra các chi tiết cụ thể, ngoại trừ việc nói rằng ngành công nghiệp này có thể gây ra “tác hại đáng kể cho thế giới” và rằng “nếu công nghệ này gặp trục trặc, thì nó có thể xảy ra rất nhiều sai lầm”.

Tuy nhiên, ngay sau đó ông lại đề xuất rằng một cơ quan quản lý mới nên áp dụng các biện pháp bảo vệ để chặn các mô hình AI có thể “tự sao chép và tự đào thải vào tự nhiên” – ám chỉ những lo ngại trong tương lai về các hệ thống AI tiên tiến có thể thao túng con người để từ bỏ quyền kiểm soát.

"Cha đẻ" ChatGPT kêu gọi thành lập một cơ quan để kiểm soát AI. (Ảnh: SCMP).

Suresh Venkatasubramanian, một nhà khoa học máy tính của Đại học Brown, trợ lý giám đốc khoa học và tư pháp tại Đại học Brown, cho biết: “Chính nỗi sợ hãi về những hệ thống siêu mạnh này và sự thiếu hiểu biết của chúng ta về chúng đang khiến mọi người trở nên hoảng sợ. Nỗi sợ hãi rất vô căn cứ này làm sao nhãng tất cả những mối lo ngại mà chúng ta đang giải quyết ngay bây giờ”.

OpenAI đã bày tỏ những mối quan tâm tồn tại đó kể từ khi thành lập. Được đồng sáng lập bởi Altman vào năm 2015 với sự hậu thuẫn của tỷ phú công nghệ Elon Musk, công ty khởi nghiệp này đã phát triển từ một phòng thí nghiệm nghiên cứu phi lợi nhuận với sứ mệnh tập trung vào an toàn thành một doanh nghiệp.

Các sản phẩm AI phổ biến khác của OpenAI bao gồm công cụ tạo hình ảnh DALL-E. Microsoft đã đầu tư hàng tỷ USD vào công ty khởi nghiệp này và đã tích hợp công nghệ của họ vào các sản phẩm của riêng mình, bao gồm cả công cụ tìm kiếm Bing.

Sam Altman cũng đang lên kế hoạch thực hiện một chuyến công du khắp thế giới trong tháng này tới các thủ đô và thành phố lớn của các quốc gia trên 6 lục địa để nói về công nghệ này với các nhà hoạch định chính sách và công chúng. Trước buổi điều trần trước Thượng viện, ông đã ăn tối với hàng chục nhà lập pháp Mỹ, một số người trong số họ nói với CNBC rằng họ rất ấn tượng trước những bình luận của ông.

Cũng tham gia phiên điều trần cùng Sam Altman là Giám đốc ủy thác và quyền riêng tư của IBM, Christina Montgomery, và Gary Marcus, giáo sư danh dự tại Đại học New York, người nằm trong nhóm các chuyên gia AI đã kêu gọi OpenAI và các công ty công nghệ khác tạm dừng phát triển các mô hình AI mạnh mẽ hơn trong vòng 6 tháng để xã hội có thêm thời gian xem xét các rủi ro.

Thượng nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa, Josh Hawley của Missouri, cho biết công nghệ này có ý nghĩa lớn đối với các cuộc bầu cử, việc làm và an ninh quốc gia. Ông cho biết phiên điều trần ngày 16/5 đánh dấu “bước quan trọng đầu tiên để hiểu Quốc hội nên làm gì trước AI”.

Một số nhà lãnh đạo ngành công nghệ cho biết họ hoan nghênh một số hình thức giám sát AI, nhưng cũng đã cảnh báo về những gì họ coi là quy tắc quá nặng tay. Altman và Marcus đều kêu gọi thành lập một cơ quan quản lý tập trung vào AI, tốt nhất là một cơ quan quốc tế.

Trái ngược với ý kiến này, Montgomery của IBM lại yêu cầu Quốc hội Mỹ áp dụng cách tiếp cận “quy định chính xác”. “Về cơ bản, chúng tôi nghĩ rằng AI nên được điều chỉnh tại điểm rủi ro”, Montgomery cho biết.

Anh Nguyễn