|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO TPBank: 8 năm chuyển đổi số, mỗi năm tăng trưởng 30 - 40%

11:44 | 24/12/2020
Chia sẻ
Chuyển đổi số đã mang lại kết quả khả quan cho TPBank sau 8 năm, tăng trưởng tài sản bình quân 30 - 40% mỗi năm trong khi lượng nhân sự chỉ tăng 3 - 4%.

Chuyển đổi số là xu hướng chung của toàn cầu và là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Khái niệm ngân hàng số ngày nay không dừng ở các dịch vụ Mobile Banking hay Internet Banking mà còn mở rộng ra đối với việc số hoá qui trình hoạt động.

Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số của ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, CEO Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), cho biết ứng dụng công nghệ mới đã tạo ra những lợi thế nhất định cho ngân hàng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt. 

TPBank thành lập năm 2008 và ngân hàng đã thực hiện tại cơ cấu vào năm 2012,  định hướng trở thành một ngân hàng về công nghệ. 

Sau 8 năm ứng dụng chuyển đổi số, TPBank từ vị trí đứng thứ 42 trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã vươn lên với tổng tài sản hơn 200.000 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 30 - 40% mỗi năm trong khi lượng nhân sự chỉ tăng 3 - 4%.

CEO TP Bank trải lòng về câu chuyện chuyển đổi số, mỗi năm tăng trưởng 40% - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hưng, CEO Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). (Ảnh: Thư Hiền).

Vị CEO này cho biết TPBank đã sử dụng các ứng dụng công nghệ số bằng robot để thay thế lao động giản đơn, "làm thay" những công việc lặp lại, nhàm chán, đơn giản mà trước kia phải bố trí nhân viên để làm. Đối với các nhân sự được thay thế, ngân hàng chuyển sang đào tạo lại để thế vào các công việc mà công nghệ và AI không thể làm được.

Ông chia sẻ việc triển khai robot đầu tiên trong quy trình nội bộ của ngân hàng cũng mất thời gian rất dài. Nhưng tới nay, các doanh nghiệp khác khối cho thấy việc triển khai robot đã mang lại hiệu quả rất nhiều. 

"Dự kiến sang năm 2021, chúng tôi sẽ triển khai thêm 140 robot, ngoài ra ứng dụng công nghệ Big Data, AI... vào ngân hàng", ông Hưng nói.

Theo ông, ngân hàng sẽ phát triển theo kiểu hiện đại, khách hàng là trung tâm, dữ liệu là thứ rất quan trọng. Sắp tới một số nghiệp vụ của ngân hàng sẽ dần được thay thế, giảm các mô hình truyền thống và chuyển sang mô hình công nghệ mới, có thể tự động hóa, sử dụng AI.

"Trong tương lai, ngân hàng bắt buộc phải kết nối, có một hệ sinh thái không chỉ có bản thân ngân hàng mà có cả các ngân hàng khác, các doanh nghiệp, nhà bán hàng, nền tảng thương mại điện tử,... Ngân hàng đang dần dần trở thành ngân hàng mở", ông Hưng nhận định.

CEO TP Bank trải lòng về câu chuyện chuyển đổi số, mỗi năm tăng trưởng 40% - Ảnh 2.

Live Bank của TPBank. (Ảnh: TPBank).

Live Bank được xem là một trong những thành công của TPBank trong việc ứng dụng số hoá ngân hàng, giúp giải bài toán mở rộng mạng lưới hoạt động trong khi theo qui định của Ngân hàng Nhà nước, mỗi ngân hàng chỉ được phép mở thêm tối đa 5 chi nhánh. 

Theo ông Nguyễn Hưng, ước tính ba máy Live Bank có thể thay thế một chi nhánh ngân hàng. Live Bank có thể đảm đương khoảng 80% giao dịch truyền thống trừ cho vay (do vướng các quy định về pháp lý).

Theo số liệu từ TPBank, nhờ triển khai tự động hóa và số hóa giảm được 30 - 40% nhân sự, tiết kiệm 60% thời gian giải ngân khoản vay, 30 - 60% thời gian giao dịch tại quầy. Lượng người dùng dịch vụ ngân hàng số của TPBank đã tăng gấp đôi trong ba năm qua, trung bình hơn 30% mỗi năm đến nay.

Tường Vy