|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thiên Long nhắm mục tiêu doanh thu 10.000 tỉ trong 5 năm sau kí kết chuyển đổi số với FPT

21:54 | 02/12/2020
Chia sẻ
FPT sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện trong năm 2021 và tầm nhìn trong vòng 3-5 năm tới phù hợp với thực tiễn và định hướng chiến lược kinh doanh của Thiên Long.

Tập đoàn FPT và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (Mã: TLG) vừa kí kết hợp đồng tư vấn lộ trình chuyển đổi số toàn diện.

Theo đó, dựa trên phương pháp luận FPT Digital Kaizen, hệ sinh thái các giải pháp công nghệ và kinh nghiệm tư vấn, triển khai chuyển đổi... FPT sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện trong năm 2021 và tầm nhìn trong vòng 3-5 năm tới phù hợp với thực tiễn và định hướng chiến lược kinh doanh của Thiên Long.

Hai bên kì vọng, FPT sẽ đưa ra được lộ trình chuyển đổi số toàn diện cho Thiên Long trên ba khía cạnh.

Đầu tiên là chiến lược và lộ trình chuyển đổi số với danh sách các sáng kiến số cần triển khai trong đó tập trung số hoá và tối ưu hoá vận hành, xây dựng nhà máy thông minh với những công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo...

Tiếp theo là chiến lược và lộ trình chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng cho hoạt động vận hành hệ thống ứng dụng và trung tâm dữ liệu. Cuối cùng là chiến lược chuyển đổi nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp sản xuất được xem là một trong những doanh nghiệp sớm nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và là những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt, COVID-19 đã tạo ra cú hích thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp này.

Thiên Long nhắm mục tiêu doanh thu 10.000 tỉ trong 5 năm sau kí kết chuyển đổi số với FPT - Ảnh 1.

Tập đoàn FPT và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long kí kết hợp đồng tư vấn lộ trình chuyển đổi số toàn diện. (Ảnh: FPT).

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước thời điểm COVID-19, có tới 58% các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ số, trong khi con số này của các doanh nghiệp phi sản xuất chỉ là 41%. 

Còn trong giai đoạn COVID-19, có tới 36% các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu hoặc có ý định ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh.

Tối ưu hoá vận hành, tạo ra những mô hình kinh doanh và quản trị hiệu quả mới, cùng sáng tạo (co-create), cùng đầu tư vào công nghệ mới (co-invest) dựa trên những ứng dụng công nghệ mới nhất như Cloud, AI, Robotics, IoT, blockchain không chỉ là những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong COVID-19 mà là xu hướng hợp tác mới tạo ra các liên minh, cùng win-win trên hành trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Tại lễ kí kết, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Thiên Long cho biết: "Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỉ đồng trong vòng 5 năm tới và để đạt được mục tiêu này thì công nghệ thông tin là một trong những yếu tố không thể thiếu".

Còn theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, chuyển đổi số chính là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi, quản trị và vận hành tốt hơn, kinh doanh hiệu quả hơn, thời gian sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn và vượt lên trên đối thủ.

Trước đó, FPT đã trở thành đối tác chiến lược tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực bán lẻ, viễn thông, hàng không, thủy sản, logistic… tại thị trường trong nước và quốc tế như Mobifone, Minh Phú, Vietnam Airlines, DPDgroup…

P. Dương

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.