CEO Starbucks nói về sự cạnh tranh giữa các chuỗi cà phê ở Việt Nam
Trong buổi trao đổi với báo giới ngày 7/1, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, bà Patricia Marques, chia sẻ với Zing.vn quan điểm về thị trường cà phê Việt với sự phát triển nhanh của các chuỗi nội và tốc độ tăng trưởng của thương hiệu này.
"Chúng tôi đang làm rất tốt. Với hơn 6 năm kinh nghiệm ở đây, chúng tôi hiểu tình hình của mình và không thể hạnh phúc, tự hào hơn với kết quả kinh doanh hiện tại và sự phát triển riêng của Starbucks Việt Nam. Starbucks có thể có chiến lược phát triển riêng khác với các đơn vị khác", bà Marques mở đầu.
"Các đơn vị khác có thể đi từ năm đầu tiên với 20 cửa hàng đến 200 cửa hàng vào năm thứ 3. Tôi cũng rất hạnh phúc với điều đó. Họ có chiến lược kinh doanh mạnh mẽ. Starbucks cũng có thể khác với các chuỗi khác về triết lý, chiến lược mở rộng vì mỗi công ty đều khác biệt với nhau. Trong hơn 6 năm ở đây, tôi hạnh phúc và không thể than vãn về điều gì cả", CEO Starbucks Việt Nam trả lời Zing.vn.
Theo bà Marques, sự phát triển mạnh mẽ của ngành F&B (thực phẩm và đồ uống), đặc biệt là thị trường chuỗi cà phê mang lại những mặt tốt đẹp, nhất là cho khách hàng. Khách hàng Việt Nam đang có nhiều sự lựa chọn hơn trước đây và có thể chọn được sản phẩm tinh tế hơn, tốt hơn, phù hợp hơn với mình.
Với kết quả hiện tại ở Việt Nam của Starbucks, nữ CEO cho rằng không có gì phải so sánh khi các chuỗi cà phê đều có kế hoạch riêng. Bà khẳng định công ty đang rất vui với kết quả hiện tại cũng như hơn 6 năm qua và mong chờ thêm nhiều kết quả tốt đẹp tương tự trong tương lai.
Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2013, ở TP.HCM. Tới nay, chuỗi cà phê lớn nhất thế giới có hơn 62 cửa hàng trên cả nước ở 4 thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Trong năm nay, ban lãnh đạo Starbucks Việt Nam tiết lộ kế hoạch mở thêm những cửa hàng mới không chỉ ở các thị trường hiện tại mà còn tại một số thành phố mới. Chuỗi này cũng sẽ ra mắt cà phê phin truyền thống tại các cửa hàng trên cả nước.
Chia sẻ về việc liệu có ý định mang cà phê phin của Việt Nam đến hệ thống Starbucks ở các quốc gia khác, bà Marques cho biết nếu những thị trường khác cảm thấy hứng thú với cà phê phin, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo dữ liệu của VIRAC, doanh thu năm 2018 của Starbucks Việt Nam là 593 tỷ đồng, bằng 36% so với con số 1.628 tỷ của chuỗi dẫn đầu thị trường là Highlands Coffee. The Coffee House lần đầu vượt lên Starbucks với số thu 669 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, Starbucks đứng ở vị trí á quân khi báo lãi 27 tỷ đồng và cao hơn The Coffee House 2 tỷ đồng. Xếp ở vị trí số một là Highlands Coffee đạt lợi nhuận 99 tỷ đồng.
Báo cáo của Euromonitor được công bố vào tháng 4/2019 cho biết 5 chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam chiếm 15,3% thị phần. Trong đó, Starbucks chiếm gần 3% thị phần còn Highlands Coffee nắm hơn 7%.
Thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD theo đánh giá của Euromonitor. Với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và đô thị hóa, CNBC dự đoán cuộc chiến giành thị phần giữa các thương hiệu quốc tế và nội địa ở Việt Nam sẽ ngày càng gay gắt.