Đế chế tỷ đô Starbuck tìm cách kéo khách hàng trở lại
Đảng Dân chủ dọa tẩy chay Starbucks nếu cựu CEO của tập đoàn tranh cử tổng thống Mỹ |
Khởi đầu từ một tiệm cà phê nhỏ tại thành phố biển Seattle cách đây 47 năm, Starbucks giờ đây đã trở thành một đế chế cà phê mang tính toàn cầu với gần 30.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Với thị phần 57% trên tổng thị trường cà phê uống liền, giá trị vốn hóa của Starbucks trên sàn Nasdaq hiện đã đạt hơn 85 tỷ USD.
Dưới sự điều hành của CEO Howard Schultz (1986-2000), Starbucks theo đuổi chiến lược "tăng trưởng nóng" những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán năm 1992, Starbuck lúc đó mới sở hữu tổng cộng 165 cửa hàng. Tuy nhiên chỉ bốn năm sau, đế chế cà phê này đã mở cửa hàng thứ 1.000, chính thức lấn sân sang thị trường quốc tế khi hiện diện tại Nhật Bản và Singapore. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục gia tăng khi Starbucks đánh dấu cột mốc cửa hàng thứ 2.000 chỉ hai năm sau đó.
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh về quy mô số cửa hàng cũng đem lại nhiều hệ lụy. Và một trong số đó là Starbucks, thực tế, đang vất vả để lôi kéo khách tại Mỹ tới các cửa hàng một cách thường xuyên hơn. Những chỉ số kinh doanh vẫn duy trì khả quan, song lượng khách tại các cửa hàng Starbucks lại luôn trong tình trạng không tích cực.
Bên ngoài một cửa hàng Starbucks tại Los Angeles, California. Ảnh: Reuters |
Tăng trưởng doanh số cho mỗi cửa hàng mở mới trong năm, một trong những chỉ số quan trọng trong ngành công nghiệp này, đã chậm lại trong suốt 12 tháng của năm 2018 trong bối cảnh thị trường được hâm nóng bởi nhiều đối thủ cạnh tranh và khách hàng không còn hài lòng với một số chính sách giới hạn thời gian của Starbucks.
Chỉ số này đạt đỉnh 9% vào quý I/2016 và xuống mức thấp nhất 1% vào quý III/2018. Chỉ tới quý cuối năm, tỷ lệ này mới tăng trở lại lên 4% nhưng phần lớn đến từ việc công ty tăng giá các sản phẩm cà phê latte.
Việc mở rộng quy mô số cửa hàng cà phê là động lực chính thúc đẩy doanh thu của Starbucks trong suốt hai thập kỷ gần đây, nhưng tốc độ này hiện nay đã chững lại đáng kể. Với hơn 14.000 cửa hàng chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ, Starbucks đang tự cạnh tranh với chính mình và khiến doanh thu không tăng trưởng.
Công ty này cho biết đang tổng hợp và cân nhắc lại chiến lược mở rộng khi lên kế hoạch đóng cửa 150 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả trong năm 2019, gấp 3 lần so với số lượng cửa hàng đóng cửa những năm gần đây.
Một nguyên nhân khác dẫn đến thực trạng này là sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng, cũng là vấn đề mà CEO hiện tại của Starbucks - Kevin Johnson nhắc đến với các nhà đầu tư. Khách hàng đang có xu hướng tránh xa những thực phẩm chứa nhiều đường, ví dụ như Frappucino, nhưng đây lại là những mặt hàng chủ lực của đế chế cà phê này.
Năm 2015, doanh số sản phẩm Frappuccino chiếm 14% tổng doanh thu của Starbucks. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2018, doanh số Frappuccino đã giảm 3%, và chỉ chiếm 11% tổng doanh thu. Nhưng vấn đề chưa dừng ở đó, các chuyên gia phân tích thậm chí còn cho rằng, doanh số của dòng sản phẩm này còn bị ảnh hưởng bởi thiếu sự đổi mới và tính sáng tạo trong sản phẩm.
Để xoay chuyển tình hình, Starbucks đã có những thay đổi trong chiến lược sản phẩm hiện tại bằng cách bổ sung nhiều hơn những thức uống lạnh như các loại trà, nước uống tăng lực Starbucks Refreshers và cà phê ủ lạnh. Trong cuộc gặp mặt các chuyên gia phân tích hồi tháng 12, công ty cho biết có khoảng 50% các đơn hàng của hãng có bao gồm ít nhất một món đồ uống lạnh.
Các lãnh đạo Starbucks cũng cho biết đang lên kế hoạch thúc đẩy số lượng khách hàng sử dụng ứng dụng điện thoại để đặt hàng và gia tăng nền tảng khách hàng thân thiết. Mới đây, một thỏa thuận hợp tác giữa Starbucks và Uber Eats đã được thực hiện với mục đích đẩy mạnh phương thức bán hàng.
Một khía cạnh khác trong chiến lược kinh doanh của Starbucks là Reserve Roasteries, một mô hình cửa hàng với diện tích gần 2.000 m2, được thiết kế như một địa điểm thu hút khách du lịch. Tại đây, công ty thử nghiệm hàng loạt các công thức pha chế và sáng tạo ra các dòng đồ uống mới.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn là chưa đủ để đưa đế chế cà phê gần 30.000 cửa hàng này có thể thoát khỏi đà lao dốc.
Triển vọng yếu hơn trong tương lai khiến ban lãnh đạo Starbucks mới đây phải điều chỉnh lại tốc độ tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong dài hạn. Trong buổi gặp mặt với các chuyên gia phân tích, công ty tiết lộ kỳ vọng mức thu nhập trên cổ phiếu dựa trên cơ sở đã điều chỉnh sẽ tăng khoảng 10% mỗi năm, trong khi mức dự báo trước đó được công ty đưa ra là 12%.
Giám đốc tài chính mới Pat Grismer cho biết liên minh cà phê giữa Starbucks với Nestle có thể sẽ giúp gia tăng mức thu nhập trên cổ phiếu trong hai năm 2020 và 2021, đẩy tốc độ tăng EPS trong hai năm này lên đến 13%. Dù vậy với những biến động đã xảy ra, triển vọng tương lai của Starbucks vẫn được ban lãnh đạo nhìn nhận trên những phương diện khá thận trọng.