|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguyễn Thành Trung lần đầu xuất hiện sau khi Axie Infinity bị trộm 600 triệu USD, giận hacker quá tham lam

06:41 | 19/04/2022
Chia sẻ
"Tôi buồn bực, tức giận vì sao kẻ trộm lại tham lam thế. Đây không chỉ là câu chuyện của công ty mà còn là của biết bao nhiêu người", nhà sáng lập Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

Mới đây, trong chuỗi sự kiện Scale-up Forum do Endeavor Vietnam tổ chức, Co-Founder, CEO Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung đã có lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau sự cố Axie Infintity bị hacker chiếm đoạt số tiền ảo trị giá hơn 620 triệu USD.

Theo chia sẻ của Trung, khi chuẩn bị lên một chuyến bay sắp cất cánh, CEO Sky Mavis đã bất ngờ nhận hung tin. “Lúc đó rất nhiều cảm xúc hỗn loạn chạy trong đầu, tôi vừa muốn theo dõi diễn biến, cập nhật tin tức để xử lý vụ việc nhưng lại không thể làm gì", Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

 CEO Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung. (Ảnh: Facebook Hoàng Nam Tiến).

Hồi tưởng lại thời điểm đó, CEO Sky Mavis cho biết anh vừa buồn và vô cùng tức giận vì sự tham lam của những kẻ tấn công. "Tôi buồn bực, tức giận vì sao kẻ trộm lại tham lam thế. Đây không chỉ là câu chuyện của công ty mà còn là của biết bao nhiêu người. Hơn 600 triệu USD bị đánh cắp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, cuộc đời của rất nhiều người chơi, người đầu tư vào game. Nhiều người có thể từ đây mà có những suy nghĩ hoặc hành động tiêu cực", CEO Sky Mavis chia sẻ tại sự kiện.

Khi máy bay hạ cánh, Trung về nhà và nhìn thấy những người thân trong gia đình đang vui vẻ, hạnh phúc, anh không điều chỉnh được cảm xúc của mình và đã bật khóc. Theo CEO Sky Mavis, sau vụ tấn công là những ngày anh cùng các đồng đội cắm đầu vào việc xử lý sự cố. Điều khó nhất không phải là số tiền đã mất mà là tâm lý của các thành viên trong công ty. Chỉ cần một người bị sốc hoặc suy sụp, năng lượng tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến những người khác và làm mọi việc càng rối hơn.

Khi đó, CEO Sky Mavis cho rằng việc cần làm nhất là kiểm soát cảm xúc để mọi người an tâm và giữ cho tổ chức hoạt động ổn định. Hai phương án được Sky Mavis đưa ra, một là làm tiếp và hai là dừng lại. Cuối cùng, tất cả thành viên đều mong muốn đưa Axie Infinity đi đến cùng. "Bây giờ muốn đi tiếp cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải giữ được uy tín, khắc phục hậu quả và trả lại tiền đã mất cho người dùng", CEO Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

"Điều tôi cảm thấy mừng là chỉ với một thời gian ngắn, trong hoàn cảnh khó khăn, đội ngũ đã làm được nhiều điều đáng khâm phục. Mọi người vừa phải khắc phục sự cố, xem xét lại hệ thống bảo mật, vừa phải cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, cập nhật tình hình cho các nhà đầu tư để trấn an người dùng", CEO Sky Mavis nói.

Những nỗ lực của Nguyễn Thành Trung cùng đội ngũ đã đem lại thành quả. Axie Infinity công bố thương vụ gọi vốn thành công 150 triệu USD từ sàn giao dịch Binance và nhiều quỹ đầu tư nổi tiếng như Animoca Brands, Dialectic, Paradigm, A16Z. Khoản tiền này sau đó được kết hợp với nguồn quỹ cân đối của công ty để hoàn trả lại cho người dùng. Đây cũng là lần đầu tiên một dự án có thể đền 100% tiền cho người dùng sau khi bị tấn công.

Đáng chú ý, Giám đốc Vận hành của Sky Mavis, ông Aleksander Leonard Larsen cho biết công ty đã khởi động chương trình Bug Bounty đầu tiên nhằm khuyến khích các hacker mũ trắng tham gia phát hiện các lỗ hổng bảo mật tiềm tàng.

Chương trình Bug Bounty này sẽ bao phủ gần như tất cả những lỗi liên quan trong bên trong hệ thống của Sky Mavis, từ lỗi smart contract, blockchain, đến các lỗi về web thông thường đều sẽ được chấp nhận và trao thưởng.

Phần thưởng cho việc phát hiện lỗi có thể lên đến 1 triệu USD và khoản thưởng này sẽ được trả dưới dạng token AXS, mở khóa sau 6 tháng. Đây được xem là động thái tăng cường công tác bảo mật của Sky Mavis sau vụ tấn công được cho đến từ nhóm hacker Triều Tiên.

Trước đó, hôm 29/3, Ronin, nền tảng blockchain vận hành game tiền ảo Axie Infinity bất ngờ phát hiện bị hacker tấn công và lấy đi số tiền ảo trị giá hơn 600 triệu USD. Vụ việc đã xảy ra hôm 23/3 và gần một tuần sau mới được phát hiện. Hacker đã tấn công vào Ronin Bridge với giá trị khoảng 173.600 Ether và 25,5 triệu giá trị token USDC bằng hai giao dịch.

Sky Mavis là nhà phát hành trò chơi Axie Infinity, một trong những ứng dụng tiền mã hoá phổ biến nhất thế giới với hơn 2 triệu người dùng hoạt động hàng ngày trước khi vụ hack xảy ra. Trong năm 2021, đội ngũ Sky Mavis liên tục đạt được các đỉnh cao mới, với 7,5 triệu USD kêu gọi được ở vòng Series A và 152 triệu USD ở vòng Series B.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Doanh Chính

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.