|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ khuyên chính phủ nên cấm cửa bitcoin

11:02 | 07/12/2023
Chia sẻ
Cùng quan điểm với ông Jamie Dimon và các nhà lãnh đạo ngân hàng lớn khác, Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren cho rằng Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ tiền mã hóa để ngăn ngừa các hành vi phi pháp.

CEO kiêm Chủ tịch của JPMorgan, ông Jamie Dimon tại buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng, Gia cư và Các vấn đề Đô thị của Thượng Viện Mỹ ngày 6/12. (Ảnh: Evelyn Hockstein/Reuters).

Theo CNBC, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Jamie Dimon, CEO kiêm Chủ tịch của JPMorgan Chase, đã công kích bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác. Ông cho rằng tiền mã hóa nên bị cấm cửa tại Mỹ.

“Tôi luôn phản đối kịch liệt tiền mã hóa, bitcoin …”, vị CEO kiêm Chủ tịch của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tổng tài sản trả lời Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Elizabeth Warren.

 “Ứng dụng duy nhất của tiền mã hóa là cho tội phạm, những kẻ buôn ma túy … rửa tiền và trốn thuế”. “Nếu là chính phủ, tôi sẽ cấm cửa” tiền mã hóa, ông nói thêm. 

Khi được bà Warren hỏi thêm, ông Dimon và CEO từ các ngân hàng lớn khác đều đồng ý rằng doanh nghiệp tiền mã hóa nên chịu các quy định về chống rửa tiền giống như những tổ chức tài chính lớn khác.

CNBC cho biết đây là một dịp hiếm hoi khi Thượng Nghị sĩ Warren và các chủ ngân hàng có cùng quan điểm.

Tại cuộc điều trần, bà Warren tuyên bố: “Khi nói về chính sách ngân hàng, tôi thường không cùng phe với các CEO từ những nhà băng nghìn tỷ USD, tuy nhiên, đây là vấn đề an ninh quốc gia. Khủng bố, những kẻ buôn ma túy và các quốc gia thù địch nên bị cấm sử dụng tiền mã hóa cho các hành vi nguy hiểm. Đã đến lúc Quốc hội phải hành động”. 

Đây không phải là lần đầu tiên CEO JPMorgan phản đối bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác. Vào năm 2017, ông từng gọi bitcoin là “trò lừa đảo” và chỉ trích con gái ruột vì đã mua đồng tiền này. Ông Dimon cũng đã đặt câu hỏi về việc liệu tổng nguồn cung bitcoin có thực sự được giới hạn ở con số 21 triệu hay không. 

Tuy nhiên, bất chấp việc chỉ trích bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác, ông Dimon lại ca ngợi công nghệ blockchain. Ngân hàng JPMorgan đang ứng dụng công nghệ này vào những dự án như JPM Coin, một đồng tiền số trên blockchain đóng.

Sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX, các nhà chức trách của Mỹ đã ngày càng gây nhiều áp lực lên thị trường tiền mã hóa. 

Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) và nhiều cơ quan liên bang khác đã theo đuổi các vụ kiện, điều tra chống lại các sàn giao dịch tiền mã hóa và những người có ảnh hưởng trong ngành. 

Gần đây, Binance đã phải nộp phạt 4,3 tỷ USD, trong khi ông Changpeng Zhao, nhà sáng lập của sàn giao dịch này phải rời ghế CEO. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ông Wally Adeyemo cũng đã yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép Chính phủ có thêm công cụ để chống lại các hành vi phạm phát trong ngành công nghiệp tiền mã hóa.

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.