|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Grab nói về việc giữ chân nhân tài, cạnh tranh với đối thủ lớn khi nguồn lực còn hạn chế

13:11 | 21/10/2020
Chia sẻ
Người điều hành Grab nói rằng, khi đầu tư vào một khu vực, doanh nghiệp có thể thất bại nếu như không có một chính sách bản địa hóa đủ tốt.

Ông Anthony Tan, CEO Grab đã xuất hiện trong buổi workshop với 13 startup lọt vào chung kết Grab Ventures Ignite 2020. Trong buổi workshop, ông đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như hành trình xây dựng công ty trở thành một trong những kì lân hàng đầu của khu vực.

Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp với Grab cách đây hơn 8 năm, ông Tan đã chia sẻ ý tưởng này với cha mình với mong muốn được hỗ trợ về mặt tài chính. Tuy nhiên cha ông lúc đó cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ. 

"Con nói gì thế? Tại sao lại đưa thông tin về chuyến đi lên trên dữ liệu đám mây mà lại an toàn được?", cha ông ngạc nhiên.

Gây dựng startup lớn mạnh chưa bao giờ làm một chuyện dễ dàng. Đây cũng là lí do ông muốn xây dựng Grab Ventures Ignite, một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các startup giai đoạn sớm. 

Đại diện startup Emiso đưa ra câu hỏi về cách để giữ chân những nhân tài. Và trên thực tế, Grab đã thu hút rất nhiều những nhân sự tốt. Và ngay cả những cựu nhân viên Grab cũng đạt được những thành tựu nhất định sau khi rời công ty. Mohandass Kalaichelvan (nhà sáng lập startup fintech Spenmo) cũng như Gaurav Bubna, Ajay Bulusu và Shaolin Zheng (nhóm sáng lập NextBillion.ai) là những ví dụ tiêu biểu nhất.

CEO Grab nói về việc giữ chân nhân tài, cạnh tranh với đối thủ lớn khi nguồn lực còn hạn chế - Ảnh 1.

CEO Grab chia sẻ kinh nghiệp cho các startup lọt vào chung kết Grab Ventures Ignite 2020. Ảnh: Straittimes.

Ở chiều ngược lại, Grab cũng đã tuyển dụng được những nhân sự của những công ty hàng đầu thế giới như Amazon hay Facebook. CEO Anthony Tan cho rằng công ty không thể cạnh tranh lôi kéo nhân tài bằng các các chính sách phúc lợi. Thay vào đó, hầu hết các nhân sự quyết định gắn bó vì mọi người tin tưởng vào con đường công ty đang xây dựng, cũng như cách công ty đang thay đổi cuộc sống hàng ngày.

Việc cạnh tranh với những đối thủ khác trên thị trường với nguồn lực kém hơn là điều hầu hết các startup phải đối mặt. 

Thời điểm Grab bắt đầu nhân rộng mô hình kinh doanh tại Đông Nam Á, Uber lúc đó còn rất mạnh và có nhiều nguồn lực hơn cả về tiền lẫn nhân sự. Ông Tan kể rằng những ngày đầu tiên, Grab quyết định bắt tay với các hãng taxi truyền thống để triển khai GrabTaxi.

"Có một lần, tôi đang ở Philippines và uống bia với chủ một hãng taxi đến 4 giờ sáng và cố gắng thuyết phục ông ta hợp tác với Grab. Đây là điều mà các đối thủ của chúng tôi không thể làm được. Nếu họ làm việc 8 tiếng, chúng tôi sẽ làm 12 tiếng; nếu họ làm 12 tiếng, chúng tôi sẽ làm tới 15 tiếng", CEO Grab nhấn mạnh.

Khi công ty một lớn mạnh, thì người lãnh đạo sẽ càng phải cố gắng hơn. Ông Tan đã làm việc 16-17 tiếng mỗi ngày trong vòng 8 năm rưỡi. Ông cũng cho rằng không có một công thức cụ thể nào để đối đầu với các đối thủ mạnh hơn. "Hãy cứ nhảy vào thực địa, nỗ lực làm việc và đánh bại những đối thủ", ông nói.

Nếu đối thủ là một tập đoàn tầm cỡ, nhưng không có nhiều hiểu biết về thị trường bản địa, sẽ là cơ hội cho các startup với nguồn lực ban đầu tuy ít nhưng có sự am hiểu nhất định. Một ví dụ rõ nhất là trường hợp của Uber, khi không quyết định hợp tác với các hãng taxi truyền thống tại Đông Nam Á. Tới năm 2018, Grab đã thâu tóm được thị phần của Uber trong khu vực và trở thành hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á.

Tiểu Phượng