CEO BKAV 'hiến kế' giúp Apple bảo vệ môi trường
Thay cổng Lightning bằng USB-C
Mới đây, iPhone 12 series đã được Apple trình làng. Tuy nhiên điểm thu hút dư luận trong thời gian gần đây không phải là tính năng hay thiết kế mới của chiếc iPhone mới mà lại là quyết định bỏ tặng kèm bộ sạc theo máy của ông lớn công nghệ.
Theo Apple giải thích, việc bỏ tặng kèm bộ sạch sẽ tránh trùng lặp với phụ kiện mà nhiều người dùng đã có, từ đó giảm tiêu thụ vật liệu, giảm rác thải điện tử.
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Tập đoàn BKAV vừa qua đã có chia sẻ ý kiến về quyết định gây tranh cãi này của Apple trên trang Facebook cá nhân.
Ông Quảng cho rằng, dưới góc độ là một nhà sản xuất smartphone, ý tưởng không tặng kèm bộ sạc theo máy của Apple để bảo vệ môi trường "không phải là không có lí".
Tuy nhiên, theo vị CEO BKAV để bảo vệ môi trường ở mức cao hơn, Apple nên chọn thêm giải pháp đơn giản hơn là thay thế cổng kết nối Lightning bằng USB-C.
Hiện có hàng tỉ bộ sạc điện thoại đang được sử dụng hàng ngày trên thị trường. Và một phần rất lớn trong số này thuộc về các hãng điện thoại Android và chúng sử dụng cổng kết nối USB-C.
"Apple chỉ cần đơn giảm thay thế cổng Lightning bằng USB-C, như họ đã làm với iPad và máy tính Macbook, là đã khiến cho việc dùng chung sạc trở nên khả thi hơn nhiều, giúp bảo vệ môi trường", ông Nguyễn Tử Quảng nói.
USB-C là chuẩn kết nối đa dụng, có thể thay thế cho hầu hết các cổng phổ biến hiện nay như: HDMI, USB- type A, DisplayPort và cổng sạc.
Theo trang công nghệ The Verge, hiện USB-C đã trở thành một trong những chuẩn kết nối có dây phổ biến nhất thế giới, sử dụng cho nhiều sản phẩm tai nghe over-ear, True Wireless, headset VR, tablet, laptop và nhiều phụ kiện khác.
USB-C khả năng cao cũng được tích hợp trên các máy chơi game Nintendo Switch và sắp tới là tay cầm điều khiển của PS5 cũng như Xbox Series X. Nhiều viên pin dự phòng hiện nay với đầu ra USB-C đã hỗ trợ công suất sạc nhanh lên đến 100 Watt, cho phép sạc laptop, tablet và điện thoại cùng một lúc.
Chưa kể tốc độ truyền tải dữ liệu của USB-C lên tới 2.44 GB/s.
Do đó, phần lớn các hãng điện thoại Android ngày nay đều trang bị cổng này cho những chiếc smartphone của mình.
CEO BKAV nói thêm rằng, cũng chính vị những ưu điểm của USB-C mà từ 3 năm trước, BKAV đã quyết định trang bị định dạng cổng này cho Bphone 2017 và là một trong những smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng USB-C vào lúc đó.
Kế hoạch nửa vời
Trong sự kiện ra mắt iPhone 12, CEO Tim Cook của Apple cho biết, ước tính đang có khoảng 2 tỉ củ sạc của hãng đang tồn tại trên thế giới và còn rất nhiều bộ sạc khác do bên thứ 3 sản xuất.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ IDC công bố, Apple chỉ chiếm 13,9% thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2019. Điều đó có nghĩa là hơn 86% thị trường smartphone đang được thống lĩnh bởi các dòng điện thoại Android sử dụng chuẩn USB-C.
Với chênh lệch này, rõ ràng, thay đổi của Apple để giảm rác thải điện tử trong ngành công nghiệp smartphone là không tới.
Không những thế, mặc dù Apple cho biết người dùng hiện tại có thể tái sử dụng bộ sạc của iPhone cũ, nhưng trên thực tế, hầu hết các củ sạc hiện nay đều sử dụng cổng USB-A hoàn toàn không tương thích với sợ cáp USB-C to Lightning mà Apple tặng kèm trong hộp của iPhone 12.
Do đó, nếu muốn sử dụng sợi cáp USB-C to Lightning mới buộc lòng người dùng sẽ vẫn phải bỏ thêm tiền ra để mua củ sạc sử dụng USB-C mới.
Điều này vô tình Apple đã khiến người dùng rơi vào vòng luẩn quẩn và cuối cùng vẫn phải mua thêm củ sạc mới nếu không muốn thiết bị trị giá hàng nghìn đô la của mình bị hỏng bởi một bộ sạc rởm đang bày bán nhan nhản trên thị trường.
Kết luận bài viết, trang công nghệ The Verge nhận xét, nếu thực sự Apple muốn chứng minh sự nghiêm túc trong cam kết bảo vệ môi trường, hãng nên cân nhắc thay đổi thiết kế và sử dụng chuẩn kết nối USB-C "càng sớm càng tốt"