|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CEO Andros Asia: Trong cuộc đua tỷ USD, sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam cần cả chất lượng và thương hiệu

17:15 | 16/03/2023
Chia sẻ
Ông Valentin Tran, CEO Andros Asia, một tập đoàn chế biến và xuất khẩu nông sản của Pháp chỉ ra rằng, Việt Nam là xứ sở của trái cây nhiệt đới nhưng chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng. Các doanh nghiệp muốn bước chân vào ngành hàng tỷ USD – chế biến trái cây cần chuẩn bị vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalG.A.P và xây dựng thương hiệu tốt.

Năm 2022, các sản phẩm chế biến từ trái cây đã chính thức gia nhập câu lạc bộ những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Để nối dài câu chuyện về chế biến nông sản, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Valentin Tran, Tổng giám đốc của Andros Asia thuộc Tập đoàn Andros (Pháp) – một doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và chế biến trái cây.

Thưa ông, Andros là một tập đoàn của Pháp, vậy điều gì ở Việt Nam đã thu hút tập đoàn đến đây đầu tư và kinh doanh?

Andros là công ty gia đình hiện có hơn 40 nhà máy trên 25 quốc gia. Chúng tôi luôn có nhu cầu tìm kiếm những vùng nguyên liệu tốt, có khả năng cung cấp cho các nhà máy của Andros.

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng tôi chọn đầu tư vào Việt Nam ở mảng trái cây vì đây là “xứ sở” của những loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao như xoài, dứa, thanh long, dưa hấu,…  Và Andros cần những loại trái cây này để phát triển sản phẩm cho những thị trường như Mỹ, Pháp, châu Âu, châu Á,

Một lợi thế khác thu hút Andros đầu tư là Việt Nam ngày càng mở rộng thương mại quốc tế với các nước, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết đem lại nhiều ưu đãi thuế quan cho doanh nghiệp. Đây cũng là một điểm hấp dẫn các nhà đầu tư đến Việt Nam, thay vì một số quốc gia lân cận. 

Mặt khác, môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam cũng khá lành mạnh, chúng tôi tin rằng khi Andros đặt chân đến Việt Nam, chúng tôi sẽ tạo ra giá trị và sức cạnh tranh cho trái cây Việt Nam so với các đối thủ.

 

Ông Valentin Tran, CEO Andros Asia. (Ảnh: Phạm Mơ).

 

Ngoài mảng xuất khẩu, Andros cũng nhận thấy rằng chúng tôi còn có cơ hội phát triển ở thị trường nội địa với 100 triệu dân của Việt Nam. Thực tế, người Việt chủ yếu tiêu thụ trái cây tươi, chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm như mứt, sữa chua, kẹo trái cây… đây cũng là một “mảnh đất hứa” cho Andros.

Khác với cách suy nghĩ và đầu tư của các thương hiệu như Univerler, Nestle, chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm dinh dưỡng mang đúng hương vị và chuẩn “gu” của người Việt, dành cho người Việt.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu hàng nghìn tấn nông sản đi Mỹ và châu Âu, Andros từng gặp những rào cản gì khi sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam?

Theo tôi, khó khăn lớn nhất khi sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trái cây của Việt Nam nằm ở câu chuyện cạnh tranh và thương hiệu. Đơn cử như với trái xoài, Việt Nam phải cạnh tranh khắc nghiệt với những đối thủ khác như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines…

Cùng trong khu vực khí hậu nhiệt đới, lợi thế về tự nhiên là tương đương nhau, do vậy tiêu chuẩn, chất lượng và thương hiệu trái cây sẽ quyết định ai là “người thắng” trong cuộc chạy đua này.

Thực tế, chúng tôi nhận thấy nông dân Việt Nam vẫn đang lạm dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật trong canh tác. Andros đến Việt Nam và muốn cùng nông dân thay đổi thói quen canh tác, sử dụng ít nhất có thể các loại thuốc trừ sâu, hướng tới canh tác hữu cơ bởi sản phẩm hữu cơ có giá trị cao và cơ hội xuất khẩu cũng rất rộng mở.

Khi có sản phẩm an toàn, chất lượng rồi, chúng ta cần phải nghĩ đến thương hiệu. Trên thị trường quốc tế, các nước rất chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản của mình, khi nhắc đến kiwi người ta sẽ nghĩ ngay đến New Zealand hay táo của Pháp, nho của Peru…

Việt Nam có nhiều loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng như thanh long, xoài, dứa… nhưng lại chưa có thương hiệu. Do vậy, tôi cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản nói chung, trái cây chủ lực nói riêng để tăng giá trị cho sản phẩm và giúp các đối tác, nhà đầu tư có cơ hội nhận diện, tìm hiểu về trái cây của Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản sang các thị trường như châu Âu và Mỹ chắc hẳn phải có những tiêu chuẩn rất khắt khe. Các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn xuất khẩu trên hai thị trường trên thì cần đảm bảo những yếu tố gì?

Hiện nay, Andros đang định hướng các vùng nguyên liệu canh tác theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P và VietG.A.P bởi ở thị trường Mỹ, EU rất quan trọng các chứng nhận này. Andros khuyến khích nông dân xây dựng vùng trồng đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, phân công người giám sát các vùng trồng, hướng dẫn nông dân làm đúng, làm tốt.

Chúng tôi cho rằng việc định hướng nông dân canh tác theo các tiêu chuẩn quốc tế vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh của mình vì Andros là thương hiệu đã có mặt trên thị trường quốc tế, khi khách hàng mua sản phẩm của Andros, khách hàng muốn biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, quy trình canh tác, chế biến ra sản phẩm như thế nào.

Andros đang bán khoảng 3.000 tấn thanh long ruột đỏ cho thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ - Starbucks. Phía Starbucks đã đến Việt Nam, họ khảo sát vùng nguyên liệu và hai nhà máy hiện đại của Andros trước khi quyết định ký hợp đồng.

Mặt khác, khi chúng tôi sản xuất trái cây Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế cũng là cách nâng tầm, quảng bá cho nông sản, cũng như con người và đất nước Việt Nam.

 CEO Andros Asia kiểm tra vùng trồng. (Ảnh: Thiên Thanh).

Nhiều năm qua, nhiều loại trái cây Việt Nam rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” trong khi chưa có nhiều mặt hàng trái cây chế biến, ông đánh giá sao về tình trạng này? 

Nông dân làm theo quy trình chuẩn quốc tế sẽ không phải lo lắng về giá. Dù giá thị trường có lên hay xuống, công ty sẽ vẫn hỗ trợ nông dân, thu mua với giá ổn định, đảm bảo có lãi.

Nhìn lại giai đoạn hai năm khủng hoảng vì dịch COVID-19, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, nông dân yên tâm hợp tác với Andros.

Andros khẳng định rằng chúng tôi đến Việt Nam để đầu tư lâu dài, không phải thu mua một, hai lần rồi bỏ rơi nông dân. Chúng tôi đang gây dựng niềm tin với người nông dân, cho họ hiểu rằng đầu tư chung là hợp tác lâu dài, win-win.

Ngoài xuất khẩu, Andros muốn phát triển các sản phẩm chế biến phục vụ thị trường 100 triệu dân  nội địa, ông có thể chia sẻ về các hoạt động này?

Ở thị trường Việt Nam, Andros đang cung cấp sản phẩm mứt trái cây dành cho pha chế đồ uống cho các thương hiệu như Phúc Long, Highland Coffee, The Coffee House, Starbucks,…  Một số sản phẩm “cháy hàng” của chúng tôi có thể kể đến mứt xoài, phúc bồn tử, vải - hoa hồng, ổi hồng, dâu tây,

Ngoài ra, chúng tôi cũng sản xuất những sản phẩm trái cây xay nhuyễn, thạch nước ép trái cây… mang tính tự nhiên cao, không sử dụng đường và chất bảo quản. Chúng tôi kỳ vọng rằng những sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao giá trị cho trái cây Việt Nam mà còn thúc đẩy người Việt tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm chế biến từ trái cây.

Ở mảng xuất khẩu, hiện trái cây chế biến chỉ chiếm khoảng 20-30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, các sản phẩm chế biến ở Việt Nam chủ yếu là trái cây sấy khô.

Trong khi, nhiều nông sản cứ đến mùa là rớt giá, đó là lý do vì sao Andros muốn tiên phong trong mảng chế biến các loại mứt, nước ép, sau đó các doanh nghiệp có cùng lĩnh vực có thể làm theo.

Andros đặt ra cho mình lộ trình phát triển đến năm 2025 như thế nào, thưa ông?

Năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng rau quả chế biến đạt gần một tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới.

Năm 2022, Công ty Andros Asia đã đưa vào hoạt động kho lạnh có sức chứa 1.500 palette với diện tích 6.000 m2, đây là một phần của nhà máy chế biến trái cây Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích 10.000 m2. Năm nay, chúng tôi dự kiến mở thêm một kho lạnh có dung tích gấp đôi, khoảng 3.000 palette.

Chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam, mở rộng nhà máy ở Tiền Giang và nâng công suất chế biến trái cây từ 15.000 tấn/năm lên 25.000 tấn/năm. Trong năm 2023, Andros sẽ tập trung mở rộng vùng trồng và nhà máy, xây dựng văn phòng, hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu năm 2025 sẽ đạt 50 triệu USD, gấp đôi kết quả đạt được năm 2022. Lộ trình xuất khẩu các sản phẩm trái cây chế biến của Việt Nam sẽ như “vết dầu loang”, đi từ Thái Lan, Indonesia, Singapore đến các quốc gia khác như Mỹ, EU…

Phạm Mơ - Hạ An