Cắt chi phí để giảm lãi suất, ngân hàng nào chi ít nhất để tạo ra một đồng doanh thu?
Cắt giảm chi phí là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong bối cảnh COVID-19 nhằm có thêm dư địa để giảm lãi suất cho khách hàng. Đây cũng là một thử thách giúp các ngân hàng đánh giá và điều chỉnh các khoản chi phí của mình một cách tốt hơn nhằm tăng hiệu quả hoạt động.
Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) là chỉ tiêu được các ngân hàng cũng như các nhà phân tích sử dụng để đánh giá khả năng kiểm soát chi phí của các nhà băng.
Có thể hiểu, CIR càng thấp thì hiệu suất hoạt động ngân hàng càng cao, tức là ngân hàng tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.
9 tháng đầu năm, VPBank là ngân hàng có chỉ số CIR thấp nhất trong nhóm 28 ngân hàng thống kê. CIR của VPBank đã giảm 6,8 điểm% xuống chỉ còn 23,7%.
Kết quả này của VPBank đến từ việc tiếp tục gia tăng mạnh thu nhập hoạt động (tăng 17,3%), đồng thời cắt giảm chi phí hoạt động (giảm 8,3%).
Báo cáo tài chính quý III/2021 của 28 ngân hàng cho thấy trong 9 tháng đầu năm, có đến 24 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CIR giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có đến 9 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CIR giảm trên 10% bao gồm Kienlongbank, SCB, SHB, SeABank, MSB, Nam A Bank, LienVietPostBank, ACB và ABBank.
Cụ thể, Kienlongbank là ngân hàng có tỷ lệ CIR giảm mạnh nhất khi giảm tới 29,1 điểm % sau 9 tháng đầu năm. Song, kết quả này không đến từ nỗ lực cắt giảm chi phí khi chi phí hoạt động của ngân hàng vẫn tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng thu nhập hoạt động luỹ kế 9 tháng tăng mạnh 81% lên 1.789 tỷ đồng giúp ngân hàng tối ưu tỷ lệ CIR từ 77% 9 tháng 2020 xuống còn 47,9% cùng kỳ 2021. So với các ngân hàng trong hệ thống, con số này vẫn ở mức cao.
Một ngân hàng khác có tỷ lệ CIR hưởng lợi từ việc tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh là SCB. Theo đó, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng hơn 53% sau 9 tháng, không đáng kể so với mức tăng gần 150% của tổng thu nhập hoạt động.
Nhờ tăng 6.730 tỷ đồng thu nhập hoạt động so với cùng kỳ 2020, tỷ lệ CIR của SCB giảm xuống còn 33% 9 tháng 2021 từ mức 54% cùng kỳ 2020.
Có thể thấy, thay vì tiết giảm chi phí một cách cực đoan, các ngân hàng có gắng tìm ra các giải pháp để thu nhập tăng nhanh hơn chi phí, từ đó tạo ra nguồn lợi nhuận lớn hơn.
Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), động lực tăng trưởng cho tổng thu nhập hoạt động chủ yếu tới từ thu nhập lãi thuần tăng 29,86% nhờ tín dụng và NIM tăng. Lãi từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng cũng tăng trưởng tích cực 36% so với cùng kỳ với đóng góp chủ yếu tới từ thu bảo hiểm, thanh toán, thẻ.
Ở chiều ngược lại, có 4 ngân hàng ghi nhận CIR tăng nhẹ, bao gồm VietABank (tăng 4,2 điểm %), Bac A Bank (tăng 2 điểm %), PG Bank (tăng 0,8 điểm %) và VietBank (tăng 0,3 điểm %) đều do thu nhập hoạt động giảm trong khi chi phí hoạt động tăng mạnh.
Nỗ lực giảm chi phí của các ngân hàng
Có thể nhận thấy tỷ lệ CIR 9 tháng đầu năm của các ngân hàng có xu hướng chung là giảm. Số liệu tổng hợp từ 28 ngân hàng cho thấy CIR giảm 7,1 điểm % so với cùng kỳ, xuống còn 41,2% trong 9 tháng đầu năm.
Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của các NHTM vẫn duy trì bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của 28 ngân hàng vẫn tăng tới 31% so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 11,3%.
Tính riêng quý III, tổng thu nhập hoạt động giảm 9,35% so với quý trước. Cùng với đó, tổng chi phí của các nhân hàng giảm 6% so với quý II. Chi phí hoạt động quý III giảm nhẹ 1,14% do các ngân hàng tiếp tục các chính sách tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí nhân viên và chi phí tài sản để phần nào bù đắp cho các nguồn thu bị hụt do COVID-19.
Nhóm phân tích của Chứng khoán Maybank Kim Eng đánh giá CIR của các ngân hàng đang được quản lý ở mức tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu, một phần nhờ vào tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh hơn và chi phí nhân công vừa phải.
Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc cho biết thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng, các TCTD phải sử dụng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu.
"Nếu chúng ta để các TCTD bị suy giảm, điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng chi trả cho người dân và an toàn hệ thống. Đây là bài học rất lớn từ thời gian trước đây, khi tăng trưởng tín dụng cao và thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2008", bà Hồng phát biểu.
Do đó, chủ trương của NHNN trong thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất. Song, vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống để tránh tác động dây chuyền.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/