|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Carlsberg đòi quyền ưu tiên mua cổ phần tại Habeco

08:24 | 26/10/2016
Chia sẻ
Thị trường đồ uống của Việt Nam là một trong những tâm điểm đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đưa vào “tầm ngắm” thâu tóm và Carlsberg không phải là ngoại lệ.

Giám đốc điều hành Carlsberg tại Việt Nam – Tayfun Uner vừa có chia sẻ với báo chí về mối quan tâm của nhà đầu tư khối ngoại nay đối với thị phần đồ uống tại Việt Nam và “món” cổ phần đầy hứa hẹn tại Tổng công ty Bia – Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

carlsberg doi quyen uu tien mua co phan tai habeco

Sau miền Trung, Carlsberg tiếp tục mở rộng đầu tư Bắc, Nam

Tại buổi họp báo 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đan Mạch của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Giám đốc điều hành Carlsberg cho biết, Carlsberg hiện diện trong thị trường đồ uống tại Việt Nam từ rất sớm, với hơn 23 năm. Trong đó, 19 năm đầu, Carlsberg chủ yếu duy trì văn phòng khu vực. Nhưng trong vòng 4 năm gần đây, Carlsberg đã thành lập doanh nghiệp và đầu tư hệ thống nhà máy tại Việt Nam.

Ông Tayfun Uner cho biết, thị phần của Carlsberg tại Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, từ 7,1% vào năm 2012 tăng lên 10,8% năm 2016. Carlsberg đầu tư tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Tính riêng thị trường miền Trung, thị phần tăng từ 46% năm 2012 lên 54% năm 2016. Năm 2014, Carlsberg đã đầu tư gần 60 triệu USD đầu tư xây dựng Nhà máy ở Huế. Năm 2015, Carlsberg đầu tư thêm 10 triệu USD cho dây chuyền đóng bia lon ở Huế, chuyển từ sản phẩm bia đóng chai sang đóng lon – phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hiện nay. Riêng tại Đà Nẵng, thị phần của Carlsberg tăng từ 11% lên xấp xỉ 20%. Tổng vốn đầu tư trong 4 năm qua là 100 triệu USD, chủ yếu đầu tư vào sản phẩm Huda và Tuborg với 2 nhà máy đặt ở Huế, Hà Nội.

Cho đến nay, theo ông Tayfun Uner, xét về sự dẫn dắt thị trường, Carlsberg là nhãn hàng đứng đầu thị trường đồ uống ở khu vực miền Trung (chiếm 20%) và đứng thứ ba toàn quốc.

Sở dĩ Carlsberg lựa chọn Việt Nam - một trong 3 điểm đến đầu tư lâu dài, ông Tayfun Uner giải thích, là vì Việt Nam có một thị trường phát triển đồ uống chiến lược đầy tiềm năng với 33 lít bia/người/năm, con số này chia đều cho 91 triệu dân, trong khi ở Đan Mạch, trung bình mỗi người dân uống khoảng 80 lít bia/năm. Cho đến nay, Carlsberg đang hài lòng, tự tin với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Phương châm sản xuất, kinh doanh của Carlsberg là tiến từng bước một, dần mở rộng thị phần ra các địa bàn khác trên cả nước, đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Nam như Habeco...

Nếu thâu tóm Habeco, Carlsberg ưu tiên duy trì tăng trưởng

Ông Tayfun Uner cho biết, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp để thoái vốn nhà nước của Chính phủ Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ thu hút giới đầu tư ngoại, nhất là trong thị trường đồ uống. Nhiều nhà đầu tư ngoại, trong đó có Carlsberg đang nhắm vào vị trí cổ đông chiến lược của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Đại diện Carlsberg cho biết, năm 2008, Carlsberg bắt đầu quan tâm tới Habeco và đến năm 2009 chính thức trở thành đối tác chiến lược của Habeco. Cho đến nay, cổ phần của Carlsberg tại Habeco đã tăng từ 16% lên đến 17%. Theo thỏa thuận được ký kết năm 2009, sau khi Habeco cổ phần hóa và cổ phiếu được lên sàn, Carlsberg sẽ được ưu tiên mua cổ phần và đổi lại Carlsberg sẽ hỗ trợ Habeco đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, thiết bị.... Do đó, Carlsberg kỳ vọng thỏa thuận này phải được tôn trọng tuyệt đối. Mặc dù vậy, ông Tayfung Uner chưa tiết lộ về số lượng cổ phần ưu tiên và giá cổ phiếu. Trong khi đó, phía Habeco từng được đề nghị bán cổ phiếu với giá hơn 50.000/cổ phiếu.

Đối với thông tin Habeco không muốn bán cổ phần cho Carlsberg vì e ngại, lo sợ thương hiệu Việt Nam bị xóa bỏ, làm mất đi chiến lược phát triển của Habeco khi nhà đầu tư ngoại thâu tóm như bài học đắt giá tại Sabeco, đại diện Carlsberg khẳng định: “Hiện mối quan hệ giữa Carlsberg và Habeco vẫn có mối quan hệ tích cực, hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Carlsberg hiện rất quan tâm tới thị phần của Habeco, nhằm tăng thị phần trong thị trường đồ uống của Việt Nam. Carlsberg cũng đang tiếp tục thảo luận với Chính phủ Việt Nam về việc cho phép thực hiện quyền ưu tiên khi cổ phiếu của Habeco được niêm yết và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước này”.

Đại diện Carlsberg cam kết: “Ngoài ra nỗ lực cải thiện chất lượng bia, Carlsberg cam kết đảm bảo mức hấp dẫn của các nhãn hàng và ưu tiên duy trì tăng trưởng để nhãn hàng Habeco ngày càng mạnh hơn”.

Theo Lê Xuân