|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 6/5: Số ca tử vong tại Anh nhiều nhất Châu Âu, Việt Nam chỉ còn 39 người đang điều trị

08:18 | 06/05/2020
Chia sẻ
Ghi nhận đến sáng nay, thế giới ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 258.000 người tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Anh hiện có số ca tử vong cao nhất Châu Âu với gần 29.500 ca, trong khi tình hình dịch tại Nga đang ở mức đáng báo động.

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 7/5

Tính đến 7h sáng nay (6/5), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 3,7 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 258.012 người đã tử vong và hơn 1,2 triệu người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 6/5: Số ca tử vong tại Anh nhiều nhất Châu Âu, Việt Nam chỉ còn 39 người đang điều trị - Ảnh 1.

Đã có hơn 3,7 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Còn 39 người đang điều trị

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (6/5), Việt Nam tiếp tục không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 là 271.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 6/5: Số ca tử vong tại Anh nhiều nhất Châu Âu, Việt Nam chỉ còn 39 người đang điều trị - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Y tế

Đến nay đã có 232 người đã khỏi bệnh, còn 39 người đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 12 ca, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên là 9 ca.

Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 20 không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.

Tính đến sáng nay, có 34.097 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 245 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 10.293 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 23.559 người.

Trên thế giới: Số ca tử vong tại Anh nhiều nhất Châu Âu

Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn 1,23 triệu ca nhiễm và 72.256 ca tử vong, tăng lần lượt 24.626 và 2.335 ca so với một ngày trước đó.

Theo hãng tin AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã thực hiện bước đột phá lớn khi bước chân ra khỏi Nhà Trắng kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại.

"Chúng tôi không thể giữ cho đất nước của chúng tôi đóng cửa trong 5 năm tới", Tổng thống Trump nói trong chuyến đi đến một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Arizona.

Ở một số quốc gia Châu Âu như Italy, Tây Ban Nha và Pháp đã ghi nhận sự chững lại của các số liệu thống kê, mang đến hi vọng rằng cuộc sống có thể dần bắt đầu trở lại bình thường.

Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 250.561 ca nhiễm và 25.613 ca tử vong, tăng lần lượt 2.260 và 185 ca trong vòng 24h qua.

Đeo khẩu trang sẽ là yêu cầu bắt buộc trên phương tiện giao thông công cộng bắt đầu từ hôm 4/5 ở Tây Ban Nha khi mọi người được phép ra ngoài để tập thể dục và đi lại tự do vào thứ bảy sau lệnh phong tỏa kéo dài 48 ngày. Một số cửa hàng kinh doanh nhỏ như hiệu làm tóc có thể tiếp khách riêng lẻ theo lịch hẹn.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 1.075 ca nhiễm và 236 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 213.013 và 29.315 ca.

Người Italy đã được phép đi dạo trong công viên và thăm người thân nhưng được di chuyển tới các vùng khác ngoại trừ lí do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc.. Các nhà hàng đã được mở cửa một phần và các cửa hàng bán buôn có thể tiếp tục kinh doanh, nhưng phải tuân thủ một số qui tắc.

Anh hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với tổng cộng 194.990 ca nhiễm và 29.427 ca tử vong, tăng lần lượt 4.406 và 693 ca so với một ngày trước đó. Anh đã vượt Italy về số ca tử vong và trở thành nước có số người tử vong do COVID-19 nhiều nhất Châu Âu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ quay lại làm việc và thông báo giai đoạn chống dịch tiếp theo của nước Anh, bao gồm dỡ bỏ các biện pháp phong toả.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 170.551 ca nhiễm và 25.531 ca tử vong, tăng lần lượt 1.089 và 330 ca so với một ngày trước đó.

Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Pháp sẽ được dỡ bỏ vào ngày 11/5 nhưng Chính phủ Pháp đã quyết định kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp thêm 2 tháng cho đến cuối tháng 7. Giới chức cho biết tình hình dịch bệnh đang ổn định, nhưng cảnh báo vẫn phải thận trọng để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu và lớn thứ 6 trên thế giới với 167.007 ca nhiễm, trong đó có 6.993 ca tử vong.

Nước này cho phép tổ chức tôn giáo, sân chơi, bảo tàng, sở thú và cửa hiệu cắt tóc mở cửa trở lại từ 4/5 nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, kiểm soát việc ra vào và tránh xếp hàng dài.

Trong vòng 24h qua, Nga - ổ dịch lớn thứ 7 thế giới tiếp tục ghi nhận thêm số ca nhiễm mới tăng mạnh thêm 10.102 lên 155.370 ca, trong đó có 1.451ca tử vong (tăng 95 ca). Nga hiện là quốc gia Châu Âu có số ca nhiễm hàng ngày lớn nhất.

Mặc dù có sự gia tăng số ca nhiễm, Chính phủ Nga cho biết họ có thể dần dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ ngày 12/5.

Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 99.970 ca nhiễm và 6.340 ca tử vong, tăng lần lượt 1.323 và 63 ca so với một ngày trước đó.

Các đền thờ Hồi giáo tại 132 tỉnh có nguy cơ thấp tại Iran đã được mở cửa trở lại sau thời gian tạm đóng cửa từ đầu tháng 3 do dịch bệnh. Nước này cũng đang cân nhắc mở cửa các trường học vào khoảng ngày 16/5 tới để các lớp học hoạt động trở lại khoảng một tháng trước kỳ nghỉ Hè.

Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.881 ca nhiễm COVID-19 (tăng 1 ca) và 4.633 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 19.410 ca nhiễm (tăng 632 ca) và 18 ca tử vong.

Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 12.071 ca nhiễm và 872 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 484 và 8 ca so với một ngày trước đó.

Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 9.684 ca nhiễm và 637 ca tử vong, tăng lần lượt 199 và 14 ca so với một ngày trước đó.

Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 6.383 ca nhiễm (tăng 30 ca), trong đó có 106 ca tử vong.

Thái Lan hôm qua chỉ ghi nhận thêm 1 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.988 ca, trong đó có 54 ca tử vong.

Trong khi các chuyên gia cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng thấy trong nhiều thập kỉ, nhiều Chính phủ đã đẩy mạnh tốc độ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong nỗ lực hồi sinh các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Thị trường tài chính đã nhìn thấy một số ánh sáng ở cuối đường hầm khi cổ phiếu và giá dầu đều tăng vào phiên hôm qua (5/5).

Hà Lê