|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 29/4: Mỹ vượt mốc 1 triệu ca nhiễm, chiếm 1/3 ca trên thế giới, Việt Nam không có thêm ca mới

07:49 | 29/04/2020
Chia sẻ
Ghi nhận đến sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 3,1 triệu ca nhiễm và hơn 217.000 ca tử vong do COVID-19. Trong đó, Mỹ vẫn đang là ổ dịch lớn nhất với hơn 1 triệu ca nhiễm và gần 60.000 ca tử vong.

Tính đến 7h sáng nay (29/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 3,1 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 217.763 người đã tử vong và 952.990 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 29/4: Mỹ vượt mốc 1 triệu ca nhiễm, Việt Nam 13 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng - Ảnh 1.

Thế giới đã có hơn 3,1 triệu ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Thêm 1 ca dương tính lại sau khi khỏi bệnh

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (29/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 là 270, tuy nhiên có thêm 1 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh.

Đến nay đã có 221 người đã khỏi bệnh, còn 49 người đang điều trị tại 9 cơ sở y tế. Trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 11 ca, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên là 8 ca.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 29/4: Mỹ vượt mốc 1 triệu ca nhiễm, Việt Nam 13 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Y tế

Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 13 không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Tính đến nay, có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.

Tính đến sáng nay, có 42.057 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 323 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 6.643 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 35.091 người.

Trên thế giới: Mỹ vượt mốc hơn 1 triệu ca nhiễm

Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn 1 triệu ca nhiễm và 59.225 ca tử vong, tăng lần lượt 24.884 và 2.429 ca so với một ngày trước đó.

Một số tiểu bang ở Mỹ đã bắt đầu dở bỏ các hạn chế bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế nhưng để làm hài lòng người dân.

Theo một phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca tử vong tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần tới nếu nước này không duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, nếu các biện pháp tránh tiếp xúc xã hội được thực hiện nghiêm túc, số ca tử vong sẽ giảm mạnh trong vòng 4 tuần tới.

Châu Âu – nơi chiếm tới hơn một nửa số ca tử vong trên toàn cầu tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch đã đi qua. Một số nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch đang công bố các kế hoạch chi tiết để hủy bỏ các hạn chế.

Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 232.128 ca nhiễm và 23.822 ca tử vong, tăng lần lượt 2.706 và 361 ca trong vòng 24h qua.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 28/4 đã công bố một lộ trình gồm 4 giai đoạn để gỡ bỏ lệnh phong toả và đưa Tây Ban Nha ra khỏi cuộc chiến chống COVID-19.

Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ kết thúc trong tuần này và từ đầu tuần sau, Tây Ban Nha sẽ bước vào giai đoạn 2. Kể từ ngày 4/5, Tây Ban Nha sẽ cho mở lại các tiệm cắt tóc, các quán ăn bán đồ mang đi.

Từ ngày 11/5, các quán bar ngoài trời được mở trở lại nhưng chỉ được phép đón 1/3 số lượng khách thông thường. Các hoạt động tụ tập và hội ngộ gia đình được phép tổ chức nhưng phải hạn chế số lượng.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 2.091 ca nhiễm và 382 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 201.505 và 27.359 ca.

Chính phủ nước này bắt đầu cho phép một số công nhân xây dựng và công nhân tại các nhà máy quay trở lại làm việc từ hôm 27/4. Bắt đầu từ ngày 4/5, người dân sẽ được tập thể dục ngoài trời và thăm người thân nhưng với điều kiện tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Các nhà hàng có thể cung cấp các cửa hàng bán lẻ và bán buôn có thể tiếp tục kinh doanh từ  ngày 4/5, các cửa hàng khác cùng với bảo tàng và thư viện sẽ được mở cửa trở lại sau ngày 18/5.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 165.911 ca nhiễm và 23.660 ca tử vong, tăng lần lượt 2.638 và 367 ca so với một ngày trước đó.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe chiều 28/4 đã trình bày trước Quốc hội bản kế hoạch cho quá trình dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc, dự kiến kể từ ngày 11/5 và đã được Quốc hội nước này thông qua.

Kể từ ngày 11/5, việc giới hạn đi lại của người dân Pháp sẽ được nới lỏng nhưng việc tụ tập đông người vẫn bị hạn chế ở mức không quá 10 người.

Đến sáng nay, Anh đã vượt Đức và trở thành ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với tổng cộng 161.145 ca nhiễm và 21.678 ca tử vong, tăng lần lượt 3.996 và 586 ca so với một ngày trước đó.

Mặc dù các nước Châu Âu khác đang tiến tới mở cửa lại các trường học và cửa hàng, Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson nói rằng còn quá sớm để Vương quốc Anh tuân theo.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu và lớn thứ 6 trên thế giới với 159.912 ca nhiễm và 6.314 ca tử vong; tăng vọt lần lượt 1.154 và 188 ca so với một ngày trước đó. Tốc độ lây lan của dịch đang gia tăng trở lại sau khi quốc gia này nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Chính phủ Đức đã cho phép các cửa hàng và một số doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa toàn quốc vẫn kéo dài đến hết 3/5.

Trong vòng 24h qua, Nga ghi nhận thêm 6.411 ca mắc và 73ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 93.558 và 867 ca. Tổng thống Putin chiều 28/4 đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp duy trì giãn cách xã hội đến ngày 11/5.

Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 92.584 ca nhiễm và 5.877 ca tử vong, tăng lần lượt 1.112 và 71 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ nước này cũng đang kế hoạch để nối lại một vài hoạt động.

Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.836 ca nhiễm COVID-19 và 4.633 ca tử vong.

Sau nhiều tháng đóng cửa, hàng chục nghìn học sinh trung học trở lại trường học ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã được trở lại trường học.

Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 14.591 ca nhiễm (tăng 528 ca) và 14 ca tử vong. Một dấu hiệu tích cực là số ca nhiễm hàng ngày tại nước này đang có chiều hướng giảm trong những ngày qua. Chính phủ nước này đã gia hạn kéo dài cách li xã hội tới ngày 1/6.

Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 9.511 ca nhiễm và 773 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 415 và 8 ca so với một ngày trước đó.

Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 7.958 ca nhiễm và 530 ca tử vong, tăng lần lượt 181 và 19 ca so với một ngày trước đó.

Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 5.851 ca nhiễm (tăng 31 ca), trong đó có 100 ca tử vong.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 7 ca nhiễm và 2 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.938 và 54 ca.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.