|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giới nhà giàu châu Á 'thắt lưng buộc bụng' trong dịch COVID-19

07:20 | 29/04/2020
Chia sẻ
Mắc kẹt trong nền kinh tế bị tổn hại nặng nề từ sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra, nhiều công ty gia đình châu Á trở nên dè chừng hơn trước các lời mời đầu tư.
Giới nhà giàu châu Á 'thắt lưng buộc bụng' trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Thái độ chần chừ của các doanh nghiệp gia đình châu Á là dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, Tony Yeung – thế hệ thứ 3 trong một doanh nghiệp gia đình tại Hong Kong (Trung Quốc) lo lắng nền kinh tế hiện nay khó có thể phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Trong khi một số gia đình siêu giàu ở châu Âu và Mỹ nhanh chóng nhân cơ hội này tìm mua thêm tài sản với giá hời, thì người giàu tại phương Đông lại thận trọng hơn – kiểm soát chặt tài sản đang có và dự trữ tiền mặt chuẩn bị cho tình huống xấu hơn.

“Chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận cẩn trọng nhất và luôn trong tinh thần phòng vệ. Đối với một gia đình, lỡ cơ hội còn hơn là mất tiền”, ông Yeung – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Bất động sản Peterson Group – cho hay.

Việc một số gia đình siêu giàu tại châu Á dè chừng trước các thỏa thuận được cho là một trong những dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Campden, tính đến giữa năm 2019, trên thế giới có tổng cộng trên 7.300 công ty quản lý tài sản gia đình (Family Office) nắm giữ khối tài sản 5,9 nghìn tỷ USD. Family Office là công ty tư nhân chịu trách nhiệm quản lý các danh mục đầu tư cho một hoặc nhiều gia đình triệu phú, tỷ phú và giúp họ vạch ra tầm nhìn dài hạn trong từng thời kỳ biến cố của thị trường.

Ông Joseph Poon – người đứng đầu Ngân hàng Tư nhân DBS tại Singapore – cho biết nhiều khách hàng châu Á của ông ban đầu định áp dụng kế hoạch từng triển khai vào đợt bùng nổ dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) 2003. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 lây lan mạnh và các “thiên đường đảm bảo tài chính” bốc hơi, họ nhanh chóng thay đổi chiến lược.

“Nhìn chung họ trở nên thận trọng. Họ tin rằng còn xảy ra thêm nhiều điều tồi tệ hơn nữa và quyết định tích trữ tiền mặt”, ông Joseph cho hay.

AJ Capital Asset Management, công ty quản lý tài sản cho gia đình tài phiệt Ấn Độ Jhunjhunwala, ban đầu dự định cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vay vốn. Nhưng Anubhav Gupta, người phụ trách các khoản đầu tư tư nhân, cho biết nhiều kế hoạch hiện phải hoãn vì tác động của các biện pháp phong tỏa lên nền kinh tế. Thay vào đó, công ty cũng cảnh giác hơn với các thỏa thuận đầu tư.

Robin Pho - người sáng lập Right People Renewable Energy kiêm ban quản trị Mạng lưới Kinh doanh Gia đình châu Á – tiết lộ một vài gia đình trong giới siêu giàu còn bán thêm tài sản để tích trữ tiền mặt. "Nhiều gia đình đăng thắt chặt hầu bao và tập trung tích trữ. Dòng chảy giao dịch sẽ giảm vì giờ mọi người đều thận trọng và chờ xem tình hình diễn ra như thế nào”, ông Robin lý giải.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp gia đình nào cũng nghĩ như vậy. Đối với một nhóm nhỏ mà công việc kinh doanh của họ chưa bị ảnh hưởng do đại dịch, họ vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng đầu tư. Cụ thể, với gia đình nhà Tolaram – chuyên buôn bán các loại lương thực, thực phẩm như mì và ngũ cốc, việc kinh doanh vẫn tương đối ổn định. Manish Tibrewal – Giám đốc điều hành của Maitri Asset Management, nhận được tài trợ từ Tolarams - cho biết cả hai công ty đều sẵn sàng cho những thương vụ đầu tư mới.

Hồng Hạnh