|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 11/7: Thêm một vị tổng thống nhiễm COVID-19

07:35 | 11/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao, thêm một vị tổng thống nhiễm COVID-19. Trong khi đó, Việt Nam đã 87 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam ghi nhận một ca nhiễm mới mang quốc tịch Serbia từ Oman về

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 12/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 87 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 11/7, Việt Nam hiện ghi nhận 370 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 230 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 9.988.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 11/7: Thêm một Tổng thống nhiễm COVID - 19 - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Đêm qua, Việt Nam đã ghi nhận 1 ca nhiễm mới là một bệnh nhân nam (BN370), 29 tuổi, quốc tịch Serbia, chuyên gia của tập đoàn Hoà Phát, nhập cảnh từ Oman về sân bay Đà Nẵng vào ngày 09/7 được cách li ngay, và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày hôm qua.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 350 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Tính đến sáng ngày 11/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, đa số đều có sức khoẻ ổn định, trong đó có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 20 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong ngày 11/7 bệnh nhân nam phi công người Anh sẽ được tổ chức tiễn ra viện và hồi hương trên chiếc máy bay loại hiện đại nhất và có kích thước lớn nhất được khai thác tại Việt Nam hiện nay, chuyến bay sẽ cất cánh rời Việt Nam lúc 23h ngày 11/7.

Thêm một vị tổng thống nhiễm COVID-19, ông Trump dự định sẽ đeo khẩu trang

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 11/7, toàn thế giới có tổng cộng 12.609.212 ca mắc COVID-19, trong đó có 561.909 người tử vong và 7.318.630 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt 3 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 3.286.355 (chiếm 26,08% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 66.356 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 753 ca, nâng tổng số lên 136.575.

Mỹ đang trải qua những ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất tính từ đầu tháng 6, và số ca nhiễm mới cao kỉ lục.

Theo NY Post, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới nCoV tăng mạnh, với 11.433 ca ở Florida, 8.472 ca ở Texas và 5.806 ca ở California.

Theo Reuters, ông Trump dự định sẽ sử dụng khẩu trang khi tới thăm trung tâm y tế quân đội Walter Reed vào ngày 11/7, dù trước đó ông luôn tránh đeo vật dụng này nơi công cộng.

Ngoài ra, chuyến hàng chở hai tấn khẩu trang đạt chứng nhận nhãn dán CE do Hà Nội tặng New York đã được hoàn tất các thủ tục hải quan và trao cho thành phố Mỹ hôm 9/7

Penny Abeywardena, ủy viên Hội đồng Thành phố New York phụ trách công tác đối ngoại, đã chuyển lời cảm ơn của chính quyền và nhân dân thành phố New York tới Hà Nội. Bà cho biết đây là sự giúp đỡ thiết thực trong bối cảnh diễn biến Covid-19 tại New York vẫn nghiêm trọng.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh, và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 45.235 ca nhiễm mới và 1.270 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 1.804.338 và 70.524.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 822.570 ca nhiễm và 22.144 ca tử vong, tăng lần lượt 27.728 và 521. Số ca nhiễm mới hàng ngày của đất nước này đang tăng dần.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 6.635 ca mắc và 174 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 713.936 trường hợp, trong đó 11.017 trường hợp tử vong. 

Đây là ngày thứ 15 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4. Số ca nhiễm mới hàng ngày của Nga đang trên đà giảm nhẹ.

Peru xếp sau Brazil tại khu vực Mỹ Latinh với tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đã vượt 300.000 người, cụ thể là 319.646 ca, cao thứ 5 trên thế giới, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 11.500.

Đây là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên phong tỏa từ giữa tháng 3 nhưng đã cho phép nối lại hoạt động sản xuất vào tháng 5.

Tại Nhật ngày hôm qua, theo Kyodo, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 243 ca mắc Covid-19. Đây là ngày có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Nhật Bản và là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt con số 200.

Thị trưởng Tokyo Koike Yuriko cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng này là do việc tăng số lượng xét nghiệm lên 3.000 xét nghiệm/ngày.

Trước tình hình số ca nhiễm mới tăng kỉ lục, theo Guardian, các quán bar và hộp đêm ở Tokyo được chính quyền trả tiền để ngừng hoạt động, sau khi nhận thấy 80% trong số 224 ca nhiễm mới hôm 9/7 là những người trong độ tuổi 20-30. Nhiều người trong đó được xác định danh tính nhờ hơn 3.000 xét nghiệm được thực hiện tại các quận giải trí của Tokyo như Shinjuku và Ikebukuro.

Mặc dù số ca nhiễm mới tăng kỉ lục, người hâm mộ bóng chày Nhật Bản vẫn kéo tới sân vân động xem các trận đấu đầu tiên sau nhiều tháng.

Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng cao

Bộ Y tế Indonesia báo cáo thêm 1.611 ca nhiễm nCoV, nâng tổng ca nhiễm cả nước lên 72.347. Nước này hiện ghi nhận 3.469 ca tử vong do nCoV, tăng 52 trường hợp so với một ngày trước đó, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.

Nước này hôm trước đó tăng hơn 2.600 ca nhiễm mới trong 24 giờ, đánh dấu mức tăng ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất từ khi Covid-19 bùng phát tại đất nước. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho rằng ca nhiễm mới tăng nhanh do nhiều người không đeo khẩu trang khi đất nước mở cửa trở lại và nới lỏng phong tỏa.

Theo hãng tin Reuters, cuộc chiến chống dịch ở quốc gia 270 triệu dân này đang gặp khó khăn do một số yếu tố xã hội:

Hàng trăm thương nhân buôn bán tại các khu chợ đông đúc ở Bali và Sumatra cuối tháng trước từ chối xét nghiệm. Các chuyên gia và giới chức cho rằng họ có thể sợ bị kì thị và cách li.

Trong khi đó, tại đảo Sulawesi, rất nhiều thân nhân vẫn cố "trộm" thi thể người nghi nhiễm nCoV từ các bệnh viện để chôn cất theo nghi lễ tôn giáo thay vì xử lí theo qui tắc chống dịch.

Giới chức y tế Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, cũng thông báo thêm 46 người chết do nCoV trong 24 giờ, đánh dấu số ca tử vong trong ngày cao nhất trong gần ba tháng tại quốc gia này. Philippines ghi nhận thêm 1.160 ca nhiễm mới, nâng tổng ca nhiễm nCoV toàn quốc lên 52.914, trong đó 1.360 người chết.

Philippines cuối tuần qua chứng kiến ca nhiễm mới nCoV trong một ngày tăng kỉ lục, với hơn 2.400 trường hợp. Theo Bộ Y tế nước này, ca nhiễm mới tăng mạnh có thể là do người dân tiếp xúc với nhau nhiều hơn sau khi chính quyền bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, hạn chế, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới và không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.585 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.609 bệnh nhân được chữa khỏi. Như vậy, theo thống kê, số ca nhiễm mới của nước này đang có xu hướng giảm mạnh.

Giới chức Bắc Kinh, nơi bùng phát ổ dịch mới, thông báo thủ đô đã kiềm chế được ổ dịch mới và dỡ hầu hết hạn chế đi lại từ 4/7.

Theo AFP, Trung Quốc đang triển khai chiến dịch xét nghiệm toàn quốc đối với sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ "các quốc gia có nguy cơ cao".

Nước này đã cấm thực phẩm do ba công ty Ecuador sản xuất sau khi phát hiện nCoV trên bao bì sản phẩm tôm đông lạnh.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 11/7: Thêm một Tổng thống nhiễm COVID - 19 - Ảnh 2.

Hai người phụ nữ mặc đồ bảo hộ đi gần chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, nơi phát hiện nCoV trên thớt chế biến cá hồi nhập khẩu, ngày 13/6. (Ảnh: AFP).

Ngoài ra, theo Reuters, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris hôm qua cho biết hai chuyên gia của WHO, các chuyên gia về khoa học động vật và dịch tễ học, sẽ làm việc cùng với các nhà khoa học Trung Quốc để xác định phạm vi và quá trình điều tra nguồn gốc Covid-19 tại nước này.

Harris cho biết thêm WHO sẽ không còn vai trò trong uỷ ban điều tra độc lập được công bố một ngày trước. Uỷ ban có nhiệm vụ đánh giá cách xử lí đại dịch trên toàn cầu.

Cả WHO và Trung Quốc đều bác bỏ cáo buộc của Mỹ, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và kịp thời thông báo cho các nước về tình hình dịch.

Theo AFP,  Tổng thống lâm thời Bolivia nhiễm nCoV.

Tổng thống lâm thời Bolivia Anez xác nhận nhiễm nCoV, khẳng định sức khỏe vẫn tốt và sẽ làm việc từ xa.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 11/7: Thêm một Tổng thống nhiễm COVID - 19 - Ảnh 3.

Tổng thống lâm thời Anez trong một buổi lễ tại La Paz hồi tháng 3. (Ảnh: Reuters).

Anez là tổng thống thứ hai ở Nam Mỹ bị nhiễm nCoV, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thông báo kết quả xét nghiệm dương tính hôm 7/7. 

Bà thực hiện xét nghiệm sau khi 4 thành viên nội các được xác nhận nhiễm nCoV trong những ngày gần đây. Chủ tịch Thượng viện Bolivia Eva Copa cũng tự cách li từ ngày 8/7 để đề phòng.

Như Ý

Năm 2025: Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, GRDP các địa phương bình quân tăng 8 - 10%
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá để đề xuất, xem xét việc kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%.