|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 10/4: Số ca tử vong ở Mỹ vượt 16.000, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới

07:56 | 10/04/2020
Chia sẻ
Toàn thế giới đã có hơn 1,6 triệu người nhiễm COVID-19 và hơn 95.000 người tử vong. Trong đó, Mỹ và Châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch.

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 12/4

Tính đến 7h sáng nay (10/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 1,6 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 95.642 người đã tử vong và 355.671 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 gần như đã lan khắp mọi nơi trên hành tinh (209 quốc gia và vùng lãnh thổ) sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 10/4: Số ca tử vong ở Mỹ vượt 16.000, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Việt Nam: Sáng nay không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, 6h sáng nay (10/4), Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 đến hiện tại vẫn là 255, trong đó 128 người đã khỏi bệnh (hơn 50%). và 127 người đang điều trị.

Trong vòng 24h qua, Việt Nam ghi nhận thêm 4 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên 255. Trong đó, có 158 người từ nước ngoài (chiếm 62.2%), 97 người lây nhiễm thứ phát.

Tính đến sáng nay, có 74.941 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 720 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 24.329 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 49.892 người.

Đến nay đã có 33 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang.

Liên quan đến vấn đề cách li xã hội, Tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều qua (9/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lí nghiêm những người không thực hiện cách li toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường…

Đồng thời, Thủ tướng giao Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế có nhận định, đánh giá tình hình sát đúng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc có hay không tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 sau thời hạn 15/4 vào phiên họp sau.

Trên thế giới: Thủ tướng Anh rời phòng chăm sóc đặc biệt 

Tính đến 7h sáng nay (10/4), Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 469.008 ca nhiễm và 16.648 ca tử vong, tăng mạnh lần lượt 32.978 và 1.857 ca so với một ngày trước đó.  

New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ, chiếm khoảng một nửa số ca tử vong của cả nước.

Theo CNBC, số lượng người thất nghiệp của Mỹ tiếp tục phình to do tác động của đại dịch COVID-19. Số đơn mới (khoảng 6,6 triệu đơn) sẽ cộng dồn với gần 10 triệu người đã gửi yêu cầu trợ cấp thất nghiệp kể từ cuối tháng 3 khiến số lượng đơn lũy kế đã tăng lên đến hơn 16 triệu.

Ngay sau khi số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp được thông báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố kế hoạch bơm thêm 2.300 tỉ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các các bang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trước tình trạng thất nghiệp tăng vọt và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rất muốn dỡ bỏ các biện pháp cách biệt cộng đồng và cho mở cửa các hoạt động kinh doanh trở lại càng sớm càng tốt, theo AFP.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10/4 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ít nhất 19 liệu pháp điều trị bệnh COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ.

Trong khi đó, Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 153.222 ca nhiễm và 15.447 ca tử vong, tăng lần lượt 5.002 và 655 ca trong vòng 24h qua. So với một ngày trước đó, tốc độ tăng số ca tử vong và số ca nhiễm tại quốc gia này đã chậm lại.

Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố đang dần kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết những số liệu mới nhất rất đáng khích lệ và tình hình dịch bệnh tại nước này chuẩn bị bước vào giai đoạn thuyên giảm.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt trở lại. Trong vòng 24h qua, quốc gia này đã ghi nhận thêm 4.203 ca nhiễm và 610 ca tử vong (tăng sau 3 ngày liên tiếp giảm), nâng tổng số lên lần lượt 143.626 và 18.279 ca.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố nước này có thể bắt đầu nới lỏng dần một số biện pháp hạn chế hiện đang được áp đặt nhằm ngăn chặn COVID-19 trước cuối tháng 4 nếu sự lây lan dịch bệnh tiếp tục chậm lại.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 tại Châu Âu và lớn thứ 4 trên thế giới với 118.235 ca nhiễm, 2.607 ca tử vong; tăng lần lượt 4.939 và 258 ca so với một ngày trước đó.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn 4 tại Châu Âu và thứ 5 trên thế giới với 117.749 ca nhiễm và 12.210 ca tử vong, tăng lần lượt 4.799 và 1.341 ca so với một ngày trước đó. Lệnh phong tỏa toàn quốc của Pháp bắt đầu từ 17/3 đến 15/4 nhưng chính quyền Pháp cho biết sẽ gia hạn phong tỏa.

Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 4.344 ca nhiễm COVID-19 và 881 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 65.077 và 7.978 ca. Nước này cũng đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ 23/3.

Reuters dẫn thông cáo từ một người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, ông Boris Johnson đã rời khỏi phòng điều trị tích cực vào tối 9/4 để trở lại phòng điều trị thông thường.

Tại Châu Á, Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và là ổ dịch lớn nhất ghi nhận tổng cộng 81.865 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 335 ca tử vong; tăng lần lượt 63 và 2 ca. Hầu hết các ca nhiễm hàng ngày tại quốc gia này là các ca nhập cảnh, trong khi 2 ca tử vong mới trong ngày hôm qua đều ở tỉnh Hồ Bắc.

Iran vẫn là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á với 66.220 ca nhiễm và 4.110 ca tử vong, tăng lần lượt 1.634 và 117 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, đây là ngày thứ 9 liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 4.228 ca nhiễm và 67 ca tử vong, tăng lần lượt 109 và 2 ca so trong vòng 24h qua. Số ca tử vong Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur. 

Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 4.076 ca nhiễm và 203 ca tử vong, tăng lần lượt 206 và 21ca so với một ngày trước đó.

Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 3.293 ca nhiễm và 280 ca tử vong; tăng lần lượt 337 và 40 ca so với một ngày trước đó. Trong vòng 24h qua, đây là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực. Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 54 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.423 và 32 ca.

Singapore tính đến sáng nay ghi nhận thêm 287 ca nhiễm COVID-19 và 1 ca tử vong; nâng tổng số liên lần lượt 1.910 và 7 ca.

Hà Lê