|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 18/1: Biến thể SARS-CoV-2 đẩy các nước EU vào làn sóng dịch thứ ba phức tạp

08:02 | 18/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 18/1 có những tin đáng chú ý như Trung Quốc tặng vắc xin cho nhiều nước Đông Nam Á, biến thể SARS-CoV-2 đẩy các nước EU vào làn sóng dịch thứ ba phức tạp.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam


Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (17/1) không có thêm ca nhiễm mới nào. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.537 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.954.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.380/1.537 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần hai là 10 ca, số ca âm tính lần ba là 12 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 95,43 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,03 triệu người tử vong và 68,14 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 24,46 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 153.242 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.686 ca, nâng tổng số lên 407.042. Tổng số người phục hồi là hơn 14,42 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ tiếp tục ở mức cao.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,57 triệu ca nhiễm và 152.456 ca tử vong, tăng lần lượt 13.962 và 145 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,21 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 31.394 và 518 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,48 triệu và 209.868 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,41 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Nước này đang trải qua đợt dịch thứ hai tồi tệ khi số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày đều tăng vọt trên khắp đất nước.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 23.586 ca mắc và 481 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,56 triệu trường hợp, trong đó 65.566 trường hợp tử vong, và hơn 2,96 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần.  

Áo hôm qua thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa tới ngày 7/2, đồng thời thắt chặt thêm một số biện pháp phòng dịch do sự lây lan các biến thể virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm cao hơn. Các lĩnh vực kinh doanh ăn uống và du lịch sẽ không thể mở lại trong tháng tới, theo AP.

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại đây đã giảm từ tháng 11/2020, nhưng các con số vẫn còn ở mức cao. Chính phủ nước này đặt mục tiêu kiểm soát số ca mắc COVID-19 xuống dưới 700 ca/ngày.  

Bỉ, một trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tính trên đầu người cao nhất thế giới, đang chứng kiến sự gia tăng của các ca nhiễm mới do người dân đi du lịch vào kỳ nghỉ cuối năm và sự xuất hiện của các chủng SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm cao.

Trước tình hình hiện nay, giới chức nước này quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như đóng cửa toàn bộ các cửa hàng ăn, quán cà phê, quán bar; lệnh giới nghiêm từ 22h - 6h… tới ngày 1/3, thay vì ngày 15/1 như dự tính trước đó. Tính tới thời điểm hiện nay, gần 50.000 người đã được tiêm phòng COVID-19 tại Bỉ.

Emmanuel André, nhà vi sinh vật học của Trường đại học Louvain, Bỉ, nhận định việc các công dân châu Âu đi du lịch quốc tế trở về nước, cộng thêm sự khác biệt và không thống nhất về cách thức trong phòng dịch cũng như giám sát, kiểm soát các biến thể mới nguy hiểm của SARS-CoV-2 như chủng mới từ Anh và Nam Phi, đang đưa EU vào đợt dịch lần thứ ba, theo TTXVN.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới, trong đó có 96 ca nội địa, (72 trường hợp ở tỉnh Hà Bắc, 12 ở tỉnh Hắc Long Giang, 10 ở tỉnh Cát Lâm, hai ở thành phố Bắc Kinh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 88.227 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong và 82.387 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 520 ca mắc mới, với 500 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 72.340 ca, trong đó có 1.249 trường hợp tử vong, và 58.253 người đã hồi phục (70%).

Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc duy trì ở mức 500 ca trong ngày thứ 6 liên tiếp, theo Yonhap.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, hy vọng mua được 148 triệu liều vắc xin COVID-19 từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số, theo AFP.

Philippines đã đạt được thoả thuận mua 25 triệu liều vắc xin CoronaVac của công ty Sinovac (Trung Quốc), dù vắc xin này chưa được cơ quan quản lý ở Trung Quốc phê duyệt. Lô 50.000 liều đầu tiên dự kiến sẽ đến vào tháng 2.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cam kết sẽ tặng 500.000 liều vắc xin COVID-19 cho Philippines, nhưng không nói rõ là loại nào. Tuần qua, Campuchia cũng thông báo được Trung Quốc tặng một triệu liều vắc xin còn Myanmar được tặng 300.000 liều.

Như Ý