|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cập nhật KQKD quý II: Ngành thép vẫn khó, các nhà thầu xây dựng chật vật, doanh nghiệp xuất khẩu lao đao, hàng không tiếp đà hồi phục

10:00 | 01/08/2023
Chia sẻ
Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp ngành dược, mía đường vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ thậm chí báo lãi cao kỷ lục. Trái lại nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, thuỷ sản hay bán lẻ, xây dựng, vật liệu xây dựng ghi nhận một quý kinh doanh buồn.

Theo thống kê từ Wichart, tính tới hết ngày 31/7 đã có 963 doanh nghiệp ở ba sàn công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Chỉ có khoảng 31% doanh nghiệp trong số đó ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng và khoảng 38% đơn vị có doanh thu thuần tăng so với cùng kỳ. 19% doanh nghiệp trong số đó thua lỗ trong quý II.

Vietnam Airlines lỗ lớn, lợi nhuận Vietjet tăng 18%, ACV lãi kỷ lục

Quý II, Vietnam Airlines (Mã: HVN)  đạt doanh thu thuần 20.565 tỷ đồng, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái khi sản lượng vận chuyển tăng 23,6% nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt. 

Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 929 tỷ đồng trong quý II, dương quý thứ hai liên tiếp. Hãng bay này lỗ ròng 1.362 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ hơn trăm tỷ trong quý I khi giá nhiên liệu hay rủi ro tỷ giá, lãi suất gia tăng.

Luỹ kế 6 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận 44.059 tỷ doanh thu thuần, tăng 47% so với cùng kỳ và lỗ ròng 1.465 tỷ, giảm so với con số lỗ 5.168 tỷ nửa đầu năm ngoái.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Hàng không hồi phục, đối thủ của Vietnam Airlines là CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 46% so với cùng kỳ lên 16.872 tỷ nhờ tăng mạnh doanh thu cho thuê chuyến bay, bán tàu bay, hoạt động phụ trợ và vận chuyển khách quốc tế hồi phục. Lãi ròng 213 tỷ, tăng 18% so với quý II/2022.

Luỹ kế 6 tháng, Vietjet đạt 29.770 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 385 tỷ; tăng lần lượt 87% và 167% so với nửa đầu năm ngoái.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Một doanh nghiệp dịch vụ hàng không là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) ghi nhận 4.929 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 2.608 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 44% và 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý lãi kỷ lục của ACV.

Luỹ kế 6 tháng, ACV đạt 9.658 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 4.241 tỷ; tăng lần lượt 74% và 23% so với nửa đầu năm 2022.

 

Thêm loạt ông lớn lãi đột biến nhờ thu nhập khác

Quý II, CTCP Gemadept (Mã: GMD) báo lãi ròng kỷ lục 1.646 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ xuất hiện khoản doanh thu tài chính 1.863 tỷ do thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ. 

Doanh thu thuần đạt 912 tỷ trong kỳ, giảm gần 7% so với cùng kỳ trong bối cảnh tình hình xuất nhập khẩu suy yếu do lạm phát.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

6 tháng, Gemadept đạt 1.814 tỷ doanh thu thuần, giảm hơn 2% và lãi ròng 1.848 tỷ, gấp gần 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) đạt 3.678 tỷ doanh thu thuần quý II, lãi gộp 526 tỷ. Các chi phí ăn mòn gần hết lợi nhuận gộp song trong kỳ xuất hiện khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết 327 tỷ nên doanh nghiệp báo lãi ròng 426 tỷ, cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận ròng cao kỷ lục của tập đoàn.

Luỹ kế 6 tháng, Lộc Trời đạt 6.130 tỷ doanh thu thuần, tăng 4% và lãi ròng 345 tỷ, gấp 2,47 lần cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu nhóm xây lắp tăng mạnh nhờ thúc đầu tư công

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) báo doanh thu thuần gấp 2,1 lần cùng kỳ, đạt 4.567 tỷ đồng nhờ tăng mạnh dòng tiền thu từ hoạt động xây lắp. Tổng công ty lãi sau thuế 130 tỷ đồng, giảm 24% và lãi ròng giảm 21% còn 103 tỷ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 6.532 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ.Lợi nhuận ròng đạt 109 tỷ, chưa bằng 17% con số nửa đầu năm ngoái.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) có doanh thu thuần đạt 612 tỷ, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đóng góp nhiều nhất đến từ mảng thu phí BOT (405 tỷ), mảng xây lắp (191 tỷ), còn lại số ít là duy tu bảo dưỡng, hầm đường, cung cấp dịch vụ trung chuyển.

Trừ các chi phí khác, HHV lãi sau thuế 109 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và cao nhất từ quý I/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HHV ghi nhận doanh thu 1.151 tỷ đồng, lãi sau thuế 192 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 21% so với cùng kỳ. 

Lợi nhuận nhóm phân phối xăng dầu bấp bênh

CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR)  ghi nhận 33.669 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 36% so với cùng kỳ. Lãi ròng của BSR đạt 1.339 tỷ đồng, giảm 87% so với mức đỉnh lịch sử của quý II/2022.

2022 là năm có giá dầu thô biến động nhiều và tăng cao nhất, đạt 123 USD/thùng vào tháng 6. Trong khi đó, quý II năm nay, giá dầu thô từ mức 85 USD/thùng đầu tháng 4 giảm xuống còn 74 USD/thùng vào cuối tháng 6. Đồng thời, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô quý II/2022 tốt hơn so với quý II năm nay.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, BSR ghi nhận 67.735 tỷ đồng doanh thu thuần, 2.970 tỷ đồng lãi ròng; giảm lần lượt 22%, 76% so với cùng kỳ.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex - Mã: PLX) ghi nhận doanh thu thuần giảm 22% so với cùng kỳ còn 65.752 tỷ. Lợi nhuận gộp tăng gần 64% lên 3.839 tỷ, biên lãi gộp tăng từ 2,8% cùng kỳ lên 5,8% kỳ này. 

Kết quả, Petrolimex lãi sau thuế 850 tỷ, cùng kỳ lỗ 141 tỷ. Lãi ròng 774 tỷ trong khi quý II/2022 lỗ ròng 196 tỷ.

Luỹ kế 6 tháng, tập đoàn đạt 133.184 tỷ doanh thu thuần, giảm 12% so với nửa đầu năm ngoái. Lãi ròng gấp hơn 6,5 lần cùng kỳ lên 1.393 tỷ.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Tương tự, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) đạt 22.321 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 179 tỷ; giảm lần lượt gần 27% và 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

PV OIL cho hay dù sản lượng tiêu thụ tăng 26% trong kỳ nhưng giá dầu Brent trung bình 6 tháng đầu năm chỉ đạt 79,8 USD/thùng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước kéo lợi nhuận đi xuống.

Tính chung 6 tháng, PV OIL ghi nhận 42.859 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 434 tỷ; giảm lần lượt 20% và 31% so với nửa đầu năm 2022.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

HAG thoát lỗ, HNG giảm lỗ so với cùng kỳ

Quý II, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG)  báo doanh thu thuần quý II đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chi phí ăn mòn lợi nhuận gộp khiến HAGL lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 163 tỷ đồng. Song, doanh nghiệp lại ghi nhận 247 tỷ thu nhập khác giúp công ty thoát lỗ và báo lãi sau thuế 102 tỷ đồng, giảm gần 62% so với cùng kỳ. Lãi ròng 113 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, HAGL đạt 3.147 tỷ doanh thu thuần, tăng 55% so với nửa đầu năm ngoái và lãi sau thuế giảm 22% còn 405 tỷ đồng.

Còn CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG)  ghi nhận doanh thu 151 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty vẫn kinh doanh dưới giá vốn song khoản lỗ gộp đã thu hẹp còn 36 tỷ, cùng kỳ lợi nhuận gộp âm 136 tỷ.

Khoản chi phí tài chính ghi nhận giảm mạnh từ 377 tỷ cùng kỳ còn 88 tỷ đồng chủ yếu nhờ giảm mạnh khoản chi phí chênh lệch tỷ giá hối đoái. Kết quả, HAGL Agrico chỉ lỗ ròng 128 tỷ, cùng kỳ lỗ 557 tỷ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 278 tỷ doanh thu thuần, giảm 23% so với cùng kỳ và báo lỗ ròng 241 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 670 tỷ. Lỗ luỹ kế tính tới cuối tháng 6 là 7.244 tỷ đồng.

Quý buồn của doanh nghiệp cá tra

Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu liên tục giảm tốc, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC)  báo doanh thu thuần giảm gần 36% còn 2.724 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 430 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 4.945 tỷ doanh thu thuần và gần 656 tỷ lãi sau thuế, lần lượt giảm 34% và 51% so với 6 tháng đầu năm 2022.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Giá vốn tăng cao, CTCP Nam Việt (Mã: ANV) báo lỗ ròng 51 tỷ quý II, cùng kỳ 241 tỷ. Doanh thu thuần giảm 17% còn 1.074 tỷ.

Luỹ kế 6 tháng, ANV lãi ròng 41 tỷ, bằng 9,2% con số cùng kỳ năm ngoái và doanh thu thuần đạt 2.229 tỷ, giảm 11%.

Chung hoàn cảnh, hụt thu từ bán cá tra khiến CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI) ghi nhận 1.827 tỷ doanh thu thuần, giảm 23%. Quý II, IDI lãi ròng 22 tỷ, chỉ bằng 9,8% cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng, doanh thu thuần IDI sụt 16% còn 3.589 tỷ. Lãi ròng 36,5 tỷ, giảm 91% so với nửa đầu năm 2022.

Vingroup báo lãi gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái

CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC)  vừa công bố tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi 6 tháng đầu năm, bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 102.530 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ bàn giao bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2. Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh doanh bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng.

Doanh thu mảng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 55,2% so với cùng kỳ 2022 nhờ doanh số xe điện cao gấp 5 lần so với cùng kỳ trong khi doanh thu xe xăng còn không đáng kể do đã ngừng sản xuất.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 987 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi ròng giảm một nửa còn 2.932 tỷ.

Tính riêng quý II, tập đoàn lãi sau thuế 398 tỷ, giảm 28% so với quý II năm ngoái. Lãi ròng 1.866 tỷ, bằng 55% cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Còn CTCP Vinhomes (Mã: VHM)  ghi nhận doanh thu thuần 32.833 tỷ, lãi ròng 9.652 tỷ; tăng lần lượt gấp 7,3 lần và 14,5 lần so với quý II/2022.

Luỹ kế 6 tháng, Vinhomes đạt 62.132 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 21.570 tỷ; gấp 4,6 lần và 4,1 lần so với nửa đầu năm ngoái.

Báo cáo tài chính của CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) cho thấy doanh thuần quý II đạt 2.173 tỷ, lãi ròng hơn 1.000 tỷ; tăng lần lượt 17% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý thứ 5 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng liên tiếp.

Tính chung 6 tháng, doanh thu của Vincom Retail là 4.116 tỷ, lãi ròng 2.024 tỷ; tăng lần lượt 28% và 76% so với nửa đầu năm ngoái.

Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính.

Doanh nghiệp xây dựng vẫn chật vật

Trong bối cảnh ngành xây dựng vẫn nguội lạnh, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC)  báo doanh thu thuần giảm 45% còn 2.298 tỷ đồng.

Do tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và một phần chi phí khác phát sinh khiến tập đoàn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 68 tỷ đồng. Song nhờ khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản cố định, vật tư phát sinh 656 tỷ trong kỳ không những giúp công ty thoát lỗ còn lãi ròng kỷ lục 547 tỷ quý II.

Luỹ kế 6 tháng, tập đoàn ghi nhận 3.492 tỷ doanh thu thuần, giảm 51% còn lãi ròng 103 tỷ, gấp 1,8 lần nửa đầu năm ngoái. 

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính và Wichart.

Còn CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) ghi nhận doanh thu thuần gần 3.619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Công ty lãi ròng hơn 30 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ ròng gần 24 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, Coteccons đạt gần 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% và lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính và Wichart.

Lãi ròng PVD cao nhất 18 quý, lợi nhuận PV GAS suy giảm

Quý II, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS)  ghi nhận 24.042 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 13% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 3.156 tỷ đồng, giảm 38% so với quý II/2022 trong bối cảnh giá dầu bình quân quý II/2023 (78,39 USD/thùng) giảm 35,39 USD/thùng, tương ứng 31% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 45.257 tỷ đồng, lãi ròng 6.506 tỷ đồng; giảm lần lượt 17%, 24% so với cùng kỳ.

    Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (Mã: PVD)  đạt 1.093 tỷ doanh thu, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Lãi ròng 161 tỷ, cùng kỳ năm ngoái lỗ 60 tỷ do tăng đơn giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận một khoản thu nhập từ thoả thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng. Đây cũng là khoản lãi ròng cao nhất kể từ quý I/2019.

   Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần của PVD là 2.737 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ còn lãi ròng 227 tỷ, cùng kỳ lỗ 116 tỷ.

Lợi nhuận Masan giảm 65% quý II

Quý II,  Tập đoàn Masan (Mã: MSN) ghi nhận 18.609 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 4,3% so với cùng kỳ song lãi sau thuế giảm 65% còn 429 tỷ đồng. Lãi ròng giảm 89% còn 105 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu tập đoàn đạt 37.315 tỷ đồng, tăng 3,6% còn lãi sau thuế 869 tỷ, giảm 72% so với nửa đầu năm 2022. Lãi ròng giảm 88% còn 320 tỷ.

Tập đoàn giải trình nguyên nhân lợi nhuận giảm sâu là do chi phí tài chính cao hơn do lãi suất đi vay tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, khoản lãi phát sinh một lần liên quan tới việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Phúc Long Heritage và thu nhập tài chính khác cao hơn trong kỳ 6 tháng năm trước. Ngoài ra, khoản lợi nhuận từ công ty liên kết kỳ này cũng thấp hơn so với quý II/2022.

    Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Quý II, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH) đạt 6.477 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 1.623 tỷ; tăng lần lượt 15% và 57% so với quý II/2022.

Tính chung 6 tháng, MCH ghi nhận 12.514 tỷ doanh thu thuần, 3.000 tỷ lãi ròng; tăng lần lượt 6% và 36% so với nửa đầu 2022.

CTCP Masan MeatLife (Mã: MML) công bố doanh thu thuần đạt 1.703 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, dotừ cuối năm trước, MML đã có thêm doanh thu từ CTCP Masan Jinju (MSJ) - hoạt động chính của MSJ là sản xuất xúc xích tiệt trùng, chế biến và đóng gói thịt hộp.

Các chi phí tài chính và bán hàng tăng đột biến khiến MML lỗ sau thuế 179 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 211 tỷ đồng. Lỗ ròng quý II 125 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, MML ghi nhận doanh thu 3.303 tỷ đồng, tăng 70% và lỗ sau thuế 348 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 33 tỷ. Lỗ ròng 246 tỷ.

Ngành thép vẫn khó

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong và ngoài nước còn yếu, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 1.448 tỷ đồng, giảm 64% so với quý II năm ngoái và gấp 3,78 lần so với quý I/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 30% và 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau 6 tháng, tập đoàn đã đạt 38% chỉ tiêu doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận năm.

   Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính và công bố thông tin quý II.

Còn Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ghi nhận doanh thu thuần quý III niên độ 2022 - 2023 đạt 8.645 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn báo lãi ròng 14 tỷ đồng, giảm gần 95% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Luỹ kế 9 tháng, Hoa Sen đạt 23.544 tỷ doanh thu thuần, giảm 44% còn lỗ ròng 410 tỷ do khoản lỗ lớn trong quý I. 

    Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính và Wichart.

Quý II, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) ghi nhận 5.500 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 125 tỷ; giảm lần lượt gần 24% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa đầu năm, Thép Nam Kim thu về 9.875 tỷ, giảm 31% và lãi ròng còn 76 tỷ do thua lỗ trong quý I, bằng 11% so với nửa đầu năm ngoái.

 Cơ cấu doanh thu nửa đầu năm. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II).

Còn Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) công bố lỗ sau thuế 284 tỷ, tăng mạnh so với số lỗ 40 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần giảm 29% còn 6.754 tỷ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm , doanh thu thuần của VNSteel đạt 15.097 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ sau thuế 216 tỷ, cùng kỳ lãi 155 tỷ.

Doanh nghiệp bán lẻ điêu đứng quý II

Trong bối cảnh sức mua yếu và thị trường nhìn chung chưa có tín hiệu hồi phục, quý II, CTCP Thế Giới Số (Digiworld - Mã: DGW) ghi nhận 4.596 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 83 tỷ; giảm lần lượt 6% và 39% so với quý I năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng, Digiworld đạt 8.556 tỷ doanh thu thuần, 162 tỷ lãi ròng; giảm 28% về doanh thu và giảm 53% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực bán lẻ là Thế Giới Di Động (Mã: MWG)  ghi nhận doanh thu thuần quý II giảm 14% còn 29.465 và lãi ròng hơn 17 tỷ, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, MWG đạt 56.570 tỷ đồng doanh thu thuần và 39 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 20% và 98% so với cùng kỳ năm trước. 

   Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) báo doanh thu thuần tăng 15% so với cùng kỳ nhờ động lực tăng trưởng chính từ chuỗi nhà thuốc Long Châu. Trái lại mảng bán lẻ ICT đối mặt với những thách thức lớn nhất trong nhiều năm qua bên cạnh cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt giành thị phần. FRT ghi nhận lỗ ròng kỷ lục 219 tỷ đồng quý II, cùng kỳ lãi gần 47 tỷ. 

Luỹ kế 6 tháng, FPT Retail đạt 14.924 tỷ doanh thu thuần, tăng gần 7% song lỗ ròng 224 tỷ đồng.

   Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính và Wichart.

Áp lực đầu vào kéo lợi nhuận PV Power sụt 70%

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) ghi nhận doanh thu thuần quý II 8.431 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Dù có thêm nguồn thu tài chính và tiết giảm chi phí song giá vốn tăng cao khiến lãi sau thuế của tổng công ty giảm 69% còn 182 tỷ. Lãi ròng giảm 70% còn 126 tỷ.

Doanh nghiệp giải trình giá vốn leo thang chủ yếu do giá nguyên liệu tăng. Quý II, các nhà máy thuỷ điện sụt giảm sản lượng do lượng nước về hồ thấp kéo doanh thu thuỷ điện giảm trong khi giá vốn không giảm tương ứng do chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện gặp khó khi giá nhiên liệu tăng đồng thời với việc huy động, vận hành bằng nhiên liệu dầu dẫn đến phải thực hiện lên, xuống máy nhiều lần cũng làm giá vốn tăng cao.

Ngoài ra, quý II/2022 tổng công ty ghi nhận doanh thu chênh lệch tỷ giá của Hợp đồng mua bán điện Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 6 tháng cuối năm 2018 trong khi kỳ này không phát sinh dẫn tới lợi nhuận gộp PV Power giảm mạnh so với cùng kỳ.

  Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart.

Lũy kế 6 tháng, PV Power đạt 15.855 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 10% trong khi lợi nhuận ròng giảm 42% còn 660 tỷ đồng. 

Lợi nhuận Vicostone giảm quý thứ 5

CTCP Vicostone (Mã: VCS) cho biết doanh nghiệp đã phải trải qua những tháng đầu năm đầy thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Lạm phát vẫn đang ở mức cao, lãi suất tăng làm doanh thu bán hàng của công ty suy giảm do sản phẩm không phải hàng hoá thiết yếu. 

Kết quả, doanh thu thuần quý II giảm 34% còn 1.138 tỷ, lãi sau thuế giảm 39% còn 224 tỷ. 

 Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 2.172 tỷ, lãi sau thuế 415 tỷ; giảm lần lượt 35% và 44% so với nửa đầu 2022.

Dabaco báo lãi cao nhất 9 quý

Quý II, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) có doanh thu thuần đạt 3.473 tỷ, tăng 17% và lãi ròng 327 tỷ, gấp gần 22,9 lần cùng kỳ năm ngoái.

Dabaco cho biết, quý II năm nay, giá một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu giảm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từng bước được kiểm soát, giá lợn hơi tăng dần, theo đó kết quả sản xuất kinh doanh của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và kết quả của các công ty chăn nuôi tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của dự án chung cư cao cấp Packview tại thành phố Bắc Ninh trong kỳ.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần công ty đạt 5.787 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 15 tỷ so với cùng kỳ. Do thua lỗ lớn quý I nên lãi ròng còn hơn 6 tỷ.

     Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Lợi nhuận Sabeco giảm tốc quý thứ ba liên tiếp

Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) công bố kết quả kinh doanh quý II với ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu quý II đạt 8.312 tỷ đồng, giảm 7,7% còn lợi nhuận sau thuế giảm 32,5% về 1.210 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu Sabeco đạt 14.526 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.214 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 27% so với cùng kỳ.

Lãi ròng Gelex đạt 321 tỷ, lợi nhuận Viglacera giảm 9%

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, mảng thiết bị điện và vật liệu xây dựng gặp khó trong công tác tiêu thụ đã kéo doanh thu thuần quý II của Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) giảm gần 12% còn 7.996 tỷ. Song nhờ giảm mạnh chi phí tài chính nên tập đoàn vẫn báo lãi sau thuế tăng 67% lên 652 tỷ. Lãi ròng 321 tỷ, gấp gần 24,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

    Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Luỹ kế 6 tháng, Gelex đạt 14.406 tỷ doanh thu thuần, lãi sau thuế 686 tỷ; giảm lần lượt 19% và 37% so với cùng kỳ. Lãi ròng giảm 18% còn 229 tỷ.

Mảng vật liệu xây dựng gặp khó khiến Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) - công ty con của Gelex báo doanh thu thuần giảm 8% so với cùng kỳ còn 3.928 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 626 tỷ, giảm hơn 9%. 

Luỹ kế 6 tháng, tổng công ty ghi nhận 6.703 tỷ doanh thu thuần, 777 tỷ lãi sau thuế; giảm lần lượt 17% và 46% so với nửa đầu năm ngoái.

Doanh nghiệp phân bón hết thời lãi đậm

Quý II, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM)  ghi nhận 3.291 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái do giá phân bón giảm mạnh. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm ure quý II giảm hơn 40% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, các chi phí giá vốn và chi phí bán hàng gia tăng khiến lãi sau thuế giảm 72% còn 290 tỷ.

Luỹ kế 6 tháng, Đạm Cà Mau đạt 6.026 tỷ đồng doanh thu thuần, 520 tỷ lãi sau thuế; giảm lần lượt 26% và 80% so với nửa đầu năm ngoái.

    Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Sau thời kỳ lãi lớn, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB)  ghi nhận kỳ thua lỗ thứ hai liên tiếp và lỗ đậm nhất 10 quý gần đây. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Đạm Hà Bắc lỗ sau thuế 350 tỷ, cùng kỳ lãi 47 tỷ. Trong quý, doanh thu thuần giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái về 901 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Đạm Hà Bắc đạt 2.986 tỷ và lỗ sau thuế gần 450 tỷ, cùng kỳ lãi 1.346 tỷ.

Mía đường thăng hoa 

Doanh nghiệp đường ghi nhận quý thăng hoa nhờ giá đường có thời điểm lên mốc cao nhất 10 năm. 

Quý II, Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS)  có doanh thu thuần đạt 3.078 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty báo lãi sau thuế kỷ lục hơn 712 tỷ đồng, tăng trưởng 95% so với quý II năm ngoái nhờ động lực chính từ mảng đường khi lượng tiêu thụ các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo,… giảm nhẹ. Đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng, doanh thu thuần của Đường Quảng Ngãi đạt gần 5.148 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.196 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 33% và 76% so với nửa đầu 2022.

Tương tự, CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS)  đã công bố BCTC quý IV niên độ 2022 – 2023 (từ 1/4/2023 đến 30/6/2023) với 550 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 152% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả niên độ, Mía đường Sơn La ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu, 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 93%, 178% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của công ty.

Sức mua suy yếu, PNJ lãi 335 tỷ quý II

Trong điều kiện thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, sức mua suy giảm, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ)  ghi nhận doanh thu thuần 6.663 tỷ đồng, lãi sau thuế 335 tỷ đồng, giảm lần lượt 17,4% và gần 9% so với mức nền cao kỷ lục cùng kỳ 2022. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.459 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.083 tỷ đồng, giảm lần lượt 9,6% và 0,5% so với nửa đầu năm ngoái. PNJ đã hoàn thành 56% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Ngành dược tiếp tục lãi lớn

Quý II, doanh thu thuần của  Dược Hậu Giang (Mã: DHG) đạt 1.153 tỷ đồng, tăng 3% so với quý II/2022. Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp 263 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ và là quý thứ 6 công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng liên tiếp.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 2.381 tỷ đồng doanh thu thuần và 624 tỷ đồng lợi nhuận ròng tăng lần lượt 9%, 27% so với cùng kỳ. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế là 1.130 tỷ đồng. Với 680 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Dược Hậu Giang đã hoàn thành 60% chỉ tiêu lợi nhuận, 48% kế hoạch doanh thu.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP)  ghi nhận doanh thu thuần tăng 24% so với cùng kỳ lên 439 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 80 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ và là mức cao kỷ lục kể từ khi lên sàn.

Lãi ròng Hoá chất Đức Giang giảm hơn nửa so với cùng kỳ

Quý II, CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC)  ghi nhận 2.414 tỷ đồng doanh thu thuần, 843 tỷ đồng lãi ròng; giảm lần lượt 40% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng, tập đoàn đạt 4.897 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 1.631 tỷ đồng; giảm lần lượt 36% và 48% so với nửa đầu năm ngoái.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

 Doanh thu Phát Đạt đạt hơn 5 tỷ, Nam Long báo lãi tăng 20%

Trong bối cảnh ngành bất động sản gần như "đóng băng", báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR)  cho thấy doanh thu thuần chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, cùng kỳ ghi nhận 853 tỷ đồng 

Tuy nhiên nhờ khoản doanh thu tài chính (lãi chuyển nhượng công ty con) 531 tỷ giúp doanh nghiệp không những thoát lỗ còn có lãi ròng 276 tỷ đồng, song vẫn giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng, doanh nghiệp đạt 197 tỷ doanh thu thuần, 300 tỷ lãi ròng; giảm lần lượt 87% và 57% so với nửa đầu năm ngoái.

Còn doanh thu của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) chỉ giảm 23% so với quý II/2022 xuống còn 953 tỷ. Nhờ tiết giảm chi phí, Nam Long báo lãi 231 tỷ, tăng 20% và lãi ròng 121 tỷ, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa đầu năm, Nam Long ghi nhận 1.188 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 128 tỷ; giảm 35% về doanh thu nhưng tăng 15% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ Wichart.

Nhựa Bình Minh báo lãi cao kỷ lục, lợi nhuận Nhựa Tiền Phong giảm 28%

Quý II, CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong  (Mã: NTP) ghi nhận 1.224 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tiền Phong đạt 128 tỷ đồng giảm 28% so với quý II/2022.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 2.524 tỷ đồng doanh thu, 247 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 10%, 24% so với cùng kỳ.

CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP)  cho thấy doanh thu thuần đạt 1.336 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. 

Giá vốn giảm sâu cùng việc tăng nguồn thu tài chính giúp lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh đạt 295 tỷ đồng, gấp đôi quý II/2022 và cũng là mức cao nhất lịch sử.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 2.776 tỷ, lãi sau thuế 575 tỷ, lần lượt giảm 4% và tăng 111% so với cùng kỳ. So với kế hoạch, Nhựa Bình Minh đã thực hiện được 44% mục tiêu doanh thu và 88% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ Wichart.

 Đói đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lao đao

CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu  Bình Thạnh (Gilimex - Mã: GIL)  ghi nhận quý thứ hai thua lỗ. Lãi ròng của Gilimex âm 6 tỷ đồng trong khi quý II/2022 lãi 116 tỷ đồng do tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất khẩu đi xuống.

Ngoài ra, trong quý II, công ty còn đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp đã ký hợp đồng thuê đất vào quý III. Do đó, chi phí vận hành chung của mảng bất động sản công nghiệp tăng mạnh, còn doanh thu sẽ được ghi nhận vào các quý sau khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm.

Công ty đạt269 tỷ đồng doanh thu thuần quý II, giảm 79% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Gilimex đạt 426 tỷ đồng giảm 84% so với cùng kỳ. Lãi ròng âm 44 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 223 tỷ đồng.

Quý II, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) ghi nhận doanh thu 714 tỷ, gần 2,3 tỷ lãi sau thuế; giảm lần lượt 32% và 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU, khiến tình hình xuất khẩu sang các khu vực này giảm sút so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu của TCM là 1.591 tỷ, lãi sau thuế 57 tỷ; giảm lần lượt 27% và 56% so với nửa đầu năm ngoái.

Còn CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) giải trình trong kỳ doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ do các khách hàng lớn gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng nên dù các chi phí tiết giảm vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận.

Quý II, Sợi Thế Kỷ đạt 407 tỷ doanh thu thuần, 37,5 tỷ lãi sau thuế; giảm lần lượt 23% và 47% so với quý II/2022. 

6 tháng đầu năm, STK ghi nhận doanh thu và lãi sau thuế giảm lần lượt 41% và 73% so với cùng kỳ còn 695 tỷ và 39 tỷ đồng.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính quý II.

Loạt doanh nghiệp báo lãi đột biến

Quý II, CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC)  ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng 652 tỷ đồng tăng 198% so với quý II/2022 và cao nhất kể từ quý IV/2016.Trong đó, nguồn lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính, do tập đoàn tái cơ cấu trong hoạt động đầu tư như thoái vốn các khoản đầu tư Calofic, KIDO Foods và đầu tư mới vào mảng bánh Thọ Phát.

Doanh thu thuần quý II đạt 2.317 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. 

6 tháng đầu năm, KIDO đạt 4.377 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 31%, lợi nhuận sau thuế đạt 501 tỷ đồng tăng 48% so với cùng kỳ.

Quý II, Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC)  có doanh thu tài chính đạt 104 tỷ đồng, gấp gần 15 lần so với cùng kỳ do công ty nhận gần 100 tỷ đồng cổ tức từ các đơn vị góp vốn. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Phả Lại tăng 146% lên 167 tỷ đồng.

Doanh thu thuần trong kỳ của PPC đạt 1.404 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Nhiệt điện Phả Lại đạt 2.715 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 207 tỷ đồng tăng lần lượt 15%, 39% so với cùng kỳ.

Một công ty con của Tập đoàn Vingroup là CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã: VEF)  cũng ghi nhận đột biến, thậm chí lãi kỷ lục trong quý II dù doanh thu chỉ vài trăm triệu.

Quý II, VEFAC ghi nhận247 triệu đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù lợi nhuận gộp âm 4 tỷ, song nhờ khoản doanh thu 164 tỷ đồng từ đầu tư trái phiếu, lãi tiền gửi, tiền cho vay giúp công ty vẫn báo lãi sau thuế gần 125 tỷ đồng, tăng 95% so với quý II/2022 và cao nhất kể từ khi giao dịch UPCoM.

Nhiều ông lớn thua lỗ

Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ xi măng suy yếu do dư cung, quý II, CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) cho thấy doanh thu thuần giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước về 1.999 tỷ đồng. HT1 báo lãi sau thuế 59 tỷ đồng, giảm 56% so với quý II/2022, nhưng đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm 2023.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 3.690 tỷ, giảm 15%. Công ty báo lỗ 27 tỷ, cùng kỳ lãi 167 tỷ. 

Còn Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex - Mã: VOC) lỗ sau thuế 75 tỷ đồng quý II, cùng kỳ lãi 75 tỷ. Doanh thu thuần tăng gần 90% lên 475 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng. 

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Vocarimex gần 670 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm trước. Lãi sau thuế 1.186 tỷ đồng, gấp 15,5 lần cùng kỳ nhờ kết quả đột biến quý I khi công ty thoái vốn Calofic.

Ngành thép vẫn chưa hết khó khi CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS)  lỗ sau thuế 99 tỷ đồng quý II, cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ và là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong 10 năm qua.

Doanh thu thuần 6 tháng đạt 4.392 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái, công ty lỗ sau thuế 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 33 tỷ đồng.

Hoàng Kiều

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.