|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cao tốc đường bộ tách riêng đường sắt, lãng phí lớn

10:57 | 21/10/2017
Chia sẻ
Các chuyên gia cho hay, nếu tuyến cao tốc Bắc - Nam và đường sắt cao tốc được quy hoạch chung một hành lang sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí xây dựng, tiết kiệm mặt bằng, tránh chia cắt các vùng kinh tế của địa phương. Hiện nhiều nước đã triển khai nhưng phương án này chưa được thảo luận trong dự án cao tốc Bắc - Nam.

Vì sao không cho đường sắt “kẹp” đường bộ cao tốc

Theo chương trình dự kiến của ký họp Quốc hội thứ 4 khóa XIV vừa được công bố, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được trình và thảo luận từ ngày 3/11 tới. Đây là dự án trọng điểm quốc gia được đông đảo các tầng lớp xã hội chờ đợi, ủng hộ. Tuy nhiên, điều khiến nhiều chuyên gia trong ngành quan tâm là sự tương tác của dự án này với các dự án khác, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao đang được xem xét.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Tuấn, dù thuận lợi nhưng về quy hoạch giao thông cũng đặt ra yêu cầu cần tối ưu hoá mô hình giao thông trục dọc Bắc - Nam để tạo ra hiệu quả tối ưu. Hiện tại, trên phần đất liền trục dọc Bắc - Nam có 5 tuyến xuyên suốt: QL 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt thống nhất và hai tuyến đường bộ khác đã được thực hiện từng phần (bao gồm cao tốc ven biển, đường tuần tra biên giới). Vì thế, phát triển đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tiến đến có 7 trục giao thông trên đất liền suốt từ Bắc đến Nam.Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông Vận tải (Đại học Giao thông Vận tải) cho hay: Lãnh thổ nước ta kéo dài theo chiều Bắc - Nam, hẹp về chiều ngang, các trung tâm kinh tế lớn đều nằm trên trục Bắc - Nam này. Đây là điểm rất thuận lợi để Việt Nam tổ chức hệ thống giao thông. Cụ thể, hệ thống giao thông chỉ cần tập trung làm một số tuyến giao thông theo chiều dọc có thể kết nối đa số các trung tâm, không cần triển khai quá nhiều các tuyến giao thông quy mô theo chiều ngang, chéo… như các quốc gia có bản đồ hình vuông, hình tròn, hình elip.

Vì thế, một câu hỏi đang được dư luận quan tâm là liệu có lồng ghép, cho đi kèm các dự án chạy theo trục dọc đất nước hay không. Theo ông Vũ Tuấn Anh, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội sắp tới, các đại biểu Quốc hội nên yêu cầu Bộ GTVT làm rõ khả năng liên kết giữa đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường sắt Bắc-Nam.

“Đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc, hay đường sắt tốc độ cao chạy từ Bắc đến Nam. Nếu ở bước quy hoạch mà tính toán đặt hai tuyến đường này cạnh nhau sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn. Đơn cử, hai tuyến đi cạnh nhau sẽ giảm được rất lớn diện tích giải phóng mặt bằng, có thể dùng chung nền đường, hệ thống thoát nước, hệ thống điện… Nếu không để ý đến yếu tố này, khi xây dựng xong đường bộ mới tính đến đường sắt tốc độ cao sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề cần xử lý và tốn kém” - ông Tuấn cho hay.

Ngoài ra, điều này cũng phù hợp với ý kiến của các địa phương trong quá trình góp ý đối với cao tốc Bắc – Nam. Cụ thể, các tỉnh miền Trung đề nghị hạn chế tối đa các đường chạy từ Bắc đến Nam, cắt ngang qua địa bàn, vì gây ra các chia cắt, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Tuấn phân tích thêm: Đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc đều chung đặc điểm có rào chắn hai bên, không có giao cắt cùng mức nên hoàn toàn có thể chạy song song, bên cạnh nhau gần như suốt tuyến (trừ những đoạn rẽ vào các đô thị). “Nhiều nước đã tiến hành theo mô hình này rất hiệu quả. Ở nước ta, phương án cho đường sắt cao tốc kẹp với đường bộ cao tốc sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với làm đường riêng hoặc đi kẹp với đường sắt hiện hữu, vì không phải bỏ rất nhiều tiền để xử lý hàng nghìn đường ngang giao cắt khác mức hiện nay” – ông Tuấn cho hay.

Hai dự án đi kèm -Tính toán sao?

Ngoài ông Tuấn, nhiều chuyên gia cũng đề nghị tính toán đến phương án quy hoạch đường sắt tốc độ cao đi kèm với đường bộ. Tuy nhiên, nội dung này hầu như chưa được phản ánh rõ ràng trong các văn bản Bộ GTVT xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT (đơn vị đang được Bộ GTVT giao nhiệm vụ tư vấn thiết kế cao tốc Bắc - Nam) cũng cho rằng, việc kết hợp đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao cần thiết được xem xét và hoàn toàn khả thi, đặc biệt là khu vực tuyến đường chạy qua khu vực miền Trung. Tuy nhiên, phương án kết nối, lồng ghép cụ thể ra sao, hiện chưa nghiên cứu cụ thể.

Theo một số cơ quan chức năng của Bộ GTVT, vì dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao là hai dự án độc lập nên việc lồng ghép hai dự án, thậm chí về quy hoạch cắm mốc cho dự án đường sắt cao tốc bên cạnh đường bộ cao tốc chưa được tính đến.

Trong khi đó, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho hay, việc nghiên cứu tác động, tương tác giữa dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các dự án khác, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao là một trong những yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra.

Về lý do đầu tư đường bộ cao tốc thay vì đường sắt tốc độ cao, Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT cho hay: Về vận tải hành khách, đường sắt đang chịu cạnh tranh rất mạnh từ hàng không trên các chặng dài. Các chặng ngắn, đường sắt cũng sẽ khó cạnh tranh về hiệu quả (cả về chở hàng và chở khách) với đường bộ. Nếu đầu tư đường sắt tốc độ cao, vẫn phải phát triển các loại hình khác để phát triển vận tải hàng hóa. Trong khi đó, đường bộ cao tốc có thể giải quyết được cả hai nhu cầu.

Sỹ Lực

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.