|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh: Bộ KH&ĐT góp ý chọn NĐT trong nước để tránh bẫy nợ

13:31 | 21/01/2019
Chia sẻ
Theo Bộ KH&ĐT, nên chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, ngân hàng và nhà thầu trong nước thực hiện dự án để đảm bảo an ninh, quốc phòng, tránh bị rơi vào bẫy nợ bất lợi.

Góp ý về việc đầu tư và phân kỳ đầu tư cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh mà UBND tỉnh Cao Bằng đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) góp ý nên chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, ngân hàng và nhà thầu trong nước thực hiện dự án để đảm bảo an ninh, quốc phòng, tránh bị rơi vào bẫy nợ bất lợi.

cao toc dong dang tra linh bo khdt gop y chon ndt trong nuoc de tranh bay no
Theo Bộ KH&ĐT, nên chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, ngân hàng và nhà thầu trong nước thực hiện dự án để đảm bảo an ninh, quốc phòng, tránh bị rơi vào bẫy nợ bất lợi. (Ảnh minh họa)

Việc cho phép UBND tỉnh Cao Bằng sử dụng nguồn kinh phí từ bán đấu giá quỹ đất của tỉnh và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý để tham gia thực hiện dự án cần tuân thủ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP.

Ngoài ra, theo Quyết định số 326/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát tiển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (dài 144 km, thiết kế 4 làn xe) được đầu tư trong giai đoạn sau 2030.

Tuy nhiên đến năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải thực hiện ý kiến của Thủ tướng điều chỉnh tiến độ triển khai thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh trong 2016 – 2020. Do đó, đề nghị Bộ rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó bổ sung tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

‘Bác’ phương án vay tín dụng Trung Quốc 300 USD thực hiện dự án

Trước đó, UBND tỉnh Cao Bằng từng trình Thủ tướng công văn về việc đầu tư và phân kỳ đầu tư dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) từ tháng 11/2018. Theo phương án đầu tư theo quy hoạch, dự án có chiều dài tuyến 144 km với quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc; tổng vốn đầu tư 47.520 tỉ đồng; thời gian đầu tư sau năm 2030.

Ban đầu, dự án được dự kiến sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua 300 triệu USD của Trung Quốc kèm các điều kiện về sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc, thiết bị Trung Quốc (tương tự dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông). Nhưng phương án này không nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành và dư luận.

Còn theo phương án nghiên cứu đầu tư, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được rút ngắn còn khoảng 115 km (giảm 29 km so với quy hoạch). Điểm đầu Km0+000 tại nút giao với tuyến đường kết nối giữa cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn); điểm cuối Km115+000 tại vị trí ngã ba đường vào Khu Kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và Quốc lộ 34.

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m. Hình thức đầu tư dự án được xác định định là đối tác công tư (Hợp đồng PPP), gồm các nguồn: vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay tín dụng và nguồn vốn tham gia của nhà nước (trung ương và địa phương).

Tổng vốn đầu tư dự kiến chỉ khoảng 20.939 tỉ đồng (thấp hơn quy hoạch đến 26.581 tỉ đồng). Trong đó, vốn nhà đầu tư và vốn vay tín dụng khoảng 64%, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 36%.

UBND tỉnh Cao Bằng nhận định, mặc dù tỷ lệ vốn ngân sách dự kiến tham gia dự án phù hợp với tỷ lệ của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được Thủ tướng phê duyệt (khoảng 30 – 55% tổng vốn đầu tư), nhưng với ngân sách hạn hẹp như hiện nay thì vốn ngân sách tham gia dự án 36% (tương đương 7.500 tỉ đồng) là rất khó khăn.

Tỉnh Cao Bằng đề xuất phân kỳ đầu tư dự án thành hai giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 thực hiện từ 2019 – 2022. Chiều dài khoảng 80 km, chạy từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.000 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách trung ương 2.000 tỉ đồng; phần vốn ngân sách địa phương 2.000 tỉ đồng (được huy động trong giai đoạn 2019 – 2022 thông qua cơ chế bán đấu giá quỹ đất, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các nguồn vốn hợp pháp khác); phần vốn nhà đầu tư 6.000 tỉ đồng (gồm 2.000 tỉ đồng chủ sở hữu và 4.000 tỉ đồng vay tín dụng).

Còn giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2022, đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe cơ giới đoạn từ Lạng Sơn – thành phố Cao Bằng và đầu tư tiếp đoạn từ thành phố Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Xem thêm

N. Lê