|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cao tốc Đồng Đăng: Chọn nhà đầu tư trong nước để tránh bẫy nợ

15:51 | 28/12/2018
Chia sẻ
Bộ Kế hoạch - đầu tư cảnh báo trong văn bản góp ý dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh gửi tới Văn phòng Chính phủ. Theo phương án đầu tư tối ưu, tuyến cao tốc này cần số vốn là 20.939 tỉ đồng.
cao toc dong dang chon nha dau tu trong nuoc de tranh bay no
Nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh Ảnh: TT

Vốn nhà nước tham gia 7.500 tỉ đồng

Tuyến cao tốc này nối 2 tỉnh biên giới phía Bắc Lạng Sơn và Cao Bằng, theo đề xuất đầu tư của Công ty CP tập đoàn Đèo Cả, có chiều dài 115km, quy mô 4 làn xe, 18 cầu, 6 hầm đường bộ trên toàn tuyến.

Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn, 2019 - 2022 và sau năm 2022.

Nhà đầu tư Công ty CP tập đoàn Đèo Cả đề xuất thực hiện tuyến cao tốc này theo hình thức hợp tác công tư PPP, với phần vốn góp của nhà nước khoảng 7.500 tỉ đồng, chiếm 36% tổng vốn đầu tư dự án.

Theo tính toán của nhà đầu tư, trong tổng vốn 20.939 tỉ đồng, chi phí xây lắp khoảng 12.740 tỉ đồng, phí quản lý, tư vấn dự án 1.900 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng, tái định cư 1.500 tỉ đồng, lãi vay thời gian thi công tạm tính khoảng 2.360 tỉ đồng, phí dự phòng 2.400 tỉ đồng.

Phần vốn tham gia của nhà nước được sử dụng để chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng và xây dựng cao tốc. Nhà đầu tư sẽ huy động vốn tự có và vay tín dụng ngân hàng khoảng 13.900 tỉ đồng (64% tổng vốn) để xây dựng tuyến cao tốc.

Đáng lưu ý, trước khi nhà đầu tư Công ty CP tập đoàn Đèo Cả nhảy vào dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đã có 2 nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư tuyến cao tốc này.

Đó là Công ty hữu hạn tập đoàn công nghiệp cơ khí Trung Quốc và Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 16 đường sắt Trung Quốc. Một trong hai nhà đầu tư này còn đề xuất tỉnh Cao Bằng ký biên bản ghi nhớ thực hiện dự án.

Theo đề xuất của các nhà đầu tư Trung Quốc, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài tới 144km, tổng mức đầu tư lên tới 47.500 tỉ đồng, gấp đôi đề xuất của nhà đầu tư trong nước.

Riêng Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 16 đường sắt Trung Quốc đã có văn bản đề xuất nghiên cứu đánh giá dự án, và xúc tiến việc tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp để xây dựng tuyến cao tốc này.

Và phía Trung Quốc cũng dự định cho vay 300 triệu USD để xây dựng tuyến cao tốc.

cao toc dong dang chon nha dau tu trong nuoc de tranh bay no
Bộ Kế hoạch - đầu tư khuyến cáo nên chọn nhà đầu tư trong nước để tránh bẫy nợ - Ảnh: TT

Chọn nhà đầu tư trong nước để tránh bẫy nợ

Trong văn bản mới đây gửi tới Thủ tướng, UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh nhu cầu xây dựng tuyến đường cao tốc nối hai tỉnh là rất cấp thiết, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cho tỉnh Cao Bằng và các địa phương khác.

Tuyến cao tốc sẽ góp phần phát huy lợi thế sẵn có của Cao Bằng, tăng thu ngân sách từ dịch vụ, du lịch, thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm áp lực hỗ trợ ngân sách từ trung ương.

Văn bản góp ý đầu tư dự án của Bộ Kế hoạch - đầu tư nêu rõ việc chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, ngân hàng và nhà thầu trong nước thực hiện dự án để bảo đảm an ninh quốc phòng, tránh rơi vào bẫy nợ bất lợi.

Cho ý kiến về dự án, Bộ Tài chính cũng khẳng định pháp luật hiện hành về đầu tư PPP không giới hạn nhà đầu tư huy động vốn từ ngân hàng trong hay ngoài nước để đầu tư. Nhà đầu tư dự án được quyền lựa chọn tổ chức tín dụng vay vốn, và nhà thầu thi công.

Hơn nữa, trường hợp tỉnh Cao Bằng được áp dụng đầu tư PPP để xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Chính phủ sẽ không phải đứng ra vay 300 triệu USD từ Trung Quốc để thực hiện dự án.

Tỉnh Cao Bằng dự kiến sử dụng nguồn kinh phí đấu giá đất, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý để tham gia dự án.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dự kiến hoàn vốn sau 25 năm thu phí, lưu lượng xe trên tuyến 6.000 - 10.000 xe/ngày đêm trong giai đoạn 2023 - 2032.

Trong 10 năm đầu ngân sách địa phương phải bù lỗ cho nhà đầu tư khoảng 300 tỉ đồng/năm khi nguồn thu dự án chưa bảo đảm trả lãi và gốc vốn vay tổ chức tín dụng.

Xem thêm

Đặng Tuân