|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cao tốc Bắc Nam: Tính lại suất đầu tư 201 tỷ đồng/km, làm rõ cơ chế nhượng quyền thu phí khi đầu tư công

11:05 | 11/01/2022
Chia sẻ
Tại phiên thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ suất đầu tư tuyến đường, cân nhắc mở rộng làn đường, cơ chế nhượng quyền thu phí khi đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng,...
Cao tốc Bắc Nam: Tính lại suất đầu tư 201 tỷ đồng/km, làm rõ cơ chế nhượng quyền thu phí khi đầu tư công - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp ngày 10/1. (Ảnh: Quốc hội).

Cần tính toán lại suất đầu tư 201 tỷ đồng/km

Chiều 10/1, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Cho ý kiến về dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 147.000 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư 201 tỷ đồng/km tính cả giải phóng mặt bằng và không giải phóng mặt bằng là 175 tỷ đồng/km.

Theo ông Cường, trong khi đó, cùng là các tuyến cao tốc đã hoàn thành như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng; Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỷ đồng.

"Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng, nếu như chúng ta tính toán lại thì kinh phí chỉ khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng, chúng ta thấy rằng suất đầu tư và tổng mức đầu tư cần phải tính toán lại", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Về việc sử dụng nguồn vốn, theo vị đại biểu này, dự án dự kiến sử dụng 72.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, theo tiến độ giai đoạn 2022 - 2023, tổng giải ngân của dự án này chỉ được 31.000 tỷ đồng.

"Gói phục hồi kinh tế chúng ta nhằm giải ngân trong hai năm 2022-2023. Như vậy phân bổ 72.000 tỷ đồng vào dự án này sẽ còn ít nhất 40.000 tỷ đồng chưa được giải ngân đúng theo mục tiêu của phục hồi kinh tế. Như vậy, việc sử dụng tiền cho phục hồi kinh tế vào đầu tư dự án này cũng cần tính toán lại", đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Cân nhắc cơ chế nhượng quyền thu phí khi đầu tư công

Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ đầu tư công toàn bộ dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng vì dự án có mức đầu tư lớn 10 dự án trên 10.000 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn kéo dài, kinh tế - xã hội nước ta còn khó khăn, lượng xe lưu thông hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, khó hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.

"Việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi là ý tưởng hoàn toàn có thể được, mặc dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này." ông Hòa nêu ý kiến.

Đại biểu đề nghị Quốc hội đồng tình để Chính phủ triển khai thực hiện ngay từ lúc này, để các bộ, ngành chuyên môn có thời gian chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết khi dự án hoàn thành sẽ thực hiện ngay, với điều kiện các nhà đầu tư chuyển nhượng phải thu phí không dừng. 

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng hiện chưa có cơ chế về nhượng quyền, và kể cả có nhượng quyền thì cũng không bù lại tiền Nhà nước đã bỏ ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị là chúng ta cần phải cân nhắc lại về phương án huy động đầu tư PPP bằng cách là tách dự án giải phóng mặt bằng ra. Phần giải phóng mặt bằng không tính vào trong dự án đầu tư.

"Trong tờ trình nói rằng 12 dự án thu khoảng 10 năm cũng chỉ được 37.000 tỷ đồng. Điều đấy có nghĩa là 4 dự án này có thu trong 10 năm cũng chỉ được khoảng 30.000 tỷ đồng. Tức là chúng ta cũng chỉ được 10.000 tỷ đồng, chứ không thể nào có được tiền để chúng ta bù lại tiền nhà nước đã bỏ ra" ông Cường lý giải.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tiền mà ngân sách nhà nước dành để đầu tư cho dự án này nên chuyển cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cho các nhà đầu tư vay để họ có nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư PPP. Đại biểu nhấn mạnh, nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với Nhà nước đầu tư xong cho người khác vận hành vào thu phí trở lại.

"Một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ"

Cho ý kiến về dự án, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) kiến nghị quy hoạch kéo dài tuyến cao tốc Bắc – Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến mũi Cà Mau, thay vì chỉ đến TP Cà Mau.

"Không lý do gì mà mạch máu của nền kinh tế nhưng chỉ nối từ điểm đầu là cửa khẩu hữu nghị nhưng khi kết thúc thì lưng chừng lại là thành phố Cà Mau vì từ TP Cà Mau đến mũi Cà Mau còn đến hơn 100 km" đại biểu Cà Mau nêu ý kiến.

Cao tốc Bắc Nam: Tính lại suất đầu tư 201 tỷ đồng/km, làm rõ cơ chế nhượng quyền thu phí khi đầu tư công - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Quốc hội).

Ngoài ra, ông Hận đề xuất nâng đoạn Cần Thơ - Cà Mau từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Theo ông Hận tốc độ di chuyển của các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc khá cao, do đó thiết kế 4 làn xe sẽ khiến các phương tiện gặp khó khăn khi vượt tránh, xử lý tình huống rủi ro, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. 

"Ông ba ta có câu "Một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ", nên chúng ta tập trung đầu tư hoàn chỉnh một lần sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với sau này đầu tư mở rộng.

Đồng quan điểm về nâng quy mô làn xe, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tính phù hợp với thiết kế quy mô 6 làn xe, 8 đến 10 làn xe và 4 làn xe, vì giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần cho cả dự án. Cùng với đó, cần chính xác quy mô với các làn xe tối đa cho phép phù hợp với tiềm năng vận hành, khả năng trung chuyển của đường cao tốc gắn với hệ thống các cảng biển.

Còn đại biểu Hoàng Ngọc Định (tỉnh Hà Giang) cho rằng nên chia làm các dự án thành phần với quy mô là 6 làn xe, song trước mắt nên đầu tư 4 làn.

Ông Định cũng đề nghị xem xét quy hoạch tổng thể, đồng bộ, bảo đảm tính lâu dài, bền vững cho việc quy hoạch 6 hay 8 làn xe, tiếp đó cắm mốc để bảo vệ lộ giới và giải phóng mắt bằng, phương án tốt nhất là nghiên cứu thu hồi luôn và đưa diện tích được thu hồi vào trong dải phân cách thì sau này mở rộng sẽ dễ dàng hơn.

Cũng về nội dung này, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) cho biết theo quy hoạch tuyến Cần Thơ - Cà Mau có quy mô bề rộng mặt đường chỉ có 4 làn xe. 

Theo báo cáo giải trình đã nêu rõ lý do tại sao trong giai đoạn đầu chỉ đầu tư 4 làn xe hạn chế với mặt đường 17 m. Giai đoạn sau đầu tư theo quy mô quy hoạch 4 làn xe hoàn chỉnh với mặt đường 24,75m. 

"Thay vì theo quy hoạch đầu tư đoạn Cần Thơ - Cà Mau phải chia làm hai giai đoạn, tôi kiến nghị Chính phủ có thể đầu tư ngay trong giai đoạn này với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và hai làn dừng xe khẩn cấp với mặt đường 24,75 m góp phần kết nối hoạt động kinh tế xã hội, nhất là tại các tỉnh thuộc ĐBSCL", bà Linh kiến nghị.

"Nút thắt" giải phóng mặt bằng

Trong khi đó liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh đây là yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo tiến độ dự án. Gần như hiện nay các dự án chậm tiến độ đều xuất phát từ việc giải phóng mặt bằng. Do đó cần hết sức quan tâm đến công tác này. 

Đại biểu bày tỏ đồng tình cao với phương án là bàn giao cho các tỉnh thực hiện dự án giải phóng mặt bằng tách ra thành một dự án độc lập. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng cần phải bố trí ngân sách trung ương đảm bảo để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng; cần có cơ chế đặc thù trong các dự án giải phóng mặt bằng như là các công trình tái định cư.

Liên quan đến tiến độ của dự án, đại biểu Trần Đình Gia cho biết ông rất "hoài nghi" về việc từ 2022 - 2025 có thể thực hiện được dự án này. Ông Gia dẫn chứng thực tế giai đoạn 1 cao tốc Bắc - Nam đến 2021, có những dự án mới hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và thi công được khoảng 5-10%. Mà theo dự kiến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2025 là cơ bản hoàn thành.

"Để đảm bảo được tiến độ tôi nghĩ cần phải cơ chế đặc thù trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật… Tôi nghĩ cần phải có cơ chế đủ mạnh như là Chính phủ trình, Quốc hội tạo điều kiện để có những cơ chế đặc thù trong việc triển khai dự án", đại biểu Gia đề xuất.

Cùng quan điểm với đại biểu Trần Đình Gia, đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư của toàn dự án là 5.481 ha, số hộ bị ảnh hưởng là 14.893, số hộ tái định cư là 11.905. Nội dung này ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân và hoàn thành đúng tiến độ. Cho nên ông Hòa đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo địa phương trong dự án đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế thấp nhất việc khiếu kiện kéo dài. 

"Cần phải có khu tái định cư trước công tác giải toả để người dân bị di dời có nơi ở ổn định", ông Hoà đề xuất.

Cũng về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho biết mức độ tác động lớn trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố cần có giải pháp chủ động, phù hợp với giải phóng mặt bằng, cân nhắc dự kiến nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng trong dự án

Cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu

Tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng mức đầu tư dự án được tính toán trên căn cứ cơ sở khảo sát thực tiễn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện Bộ sẽ hết sức thận trọng, bảo đảm đúng quy định và tiết kiệm nhất.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt; trong đó thu hồi đất một lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất được quy hoạch; tính toán tái định cư phù hợp với thực tiễn, tránh trình trạng lãng phí gây tăng tổng mức đầu tư của dự án. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ cố gắng giải phóng mặt bằng trong 1,5 năm, đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng rất cần thiết có cơ chế đặc thù trong thực hiện dự án. "Nếu không có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp sẽ rất mất rất nhiều thời gian. Nếu có cơ chế đặc thù sẽ rút ngắn mỗi bước đấu thầu khoảng hai tháng, tổng thời gian tiết kiệm được 6-9 tháng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Về tiến độ giải ngân, người đứng đầu ngành giao thông cho đang rất tập trung, sẽ ban hành một quy chế quy định trách nhiệm của địa phương, của Bộ Giao thông, của các bộ, ngành, đặc biệt là liên quan đến từng hạng mục công việc, trong đó có giải phóng mặt bằng, thời điểm nào phải xong dự án, thời điểm nào xong thiết kế, thời điểm nào phải có nhà thầu, thời điểm nào khởi công.

"Chính phủ đang chỉ đạo là dành ba năm tập trung thi công để cuối năm 2025 chúng ta phải xong. Có nghĩa là cố gắng cuối năm 2022 này chúng ta phải khởi công đồng loạt các gói thầu" ông Thể nhấn mạnh.

Chiều nay (11/1), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Huy Hoàng