Cao su Phước Hoà (PHR) đề xuất đầu tư hai khu công nghiệp tại Bắc Giang và Bình Dương
CTCP Cao su Phước Hoà (Mã: PHR) vừa công bố nghị quyết HĐQT của phiên họp lần 2 năm 2023. Nghị quyết đã tổng kết lại kết quả kinh doanh quý I, nêu lên kế hoạch kinh doanh quý II và một số nội dung dự kiến sẽ trình cổ đông tại ĐHĐCĐ ngày 28/6 tới.
Theo đó, quý I, Cao su Phước Hoà có tổng doanh thu công ty mẹ đạt 419 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 215 tỷ đồng, cùng giảm 29% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết việc sụt giảm của kết quả kinh doanh đến từ việc ghi nhận tiền đền bù từ dự án Khu công nghiệp (KCN) VSIP III thấp hơn so với quý I/2022.
Bước sang quý II, Cao su Phước Hoà đặt ra mục tiêu sản lượng cao su khai thác đạt 2.094 tấn mủ quy khô; sản lượng cao su thu mua 1.800 tấn mủ quy khô; sản lượng cao su chế biến 3.894 tấn mủ quy khô và sản lượng cao su tiêu thụ đạt 3.187 tấn mủ quy khô với giá bán bình quân 36 triệu đồng/tấn.
Công ty dự kiến tổng doanh thu công ty mẹ sẽ đạt 195 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu cao su gần 115 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt hơn 75 tỷ đồng, gấp 6 lần quý I năm ngoái.
Năm 2023, doanh nghiệp này đặt kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 1.813 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 549 tỷ đồng. Song, HĐQT nhận định tình hình thực hiện kế hoạch này gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, bất ổn làm cho giá bán mủ cao su liên tục sụt giảm và không ổn định. Giá bán bình quân trong quý I đã thấp hơn kế hoạch gần 4 triệu đồng/tấn (kế hoạch 38 triệu đồng/tấn).
Giá cả hàng hoá, nguyên - nhiên liệu đầu vào trong nước tăng cao và tình trạng thiếu lao động khai thác mủ cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, công ty dự kiến tổng nhu cầu đầu tư trong năm sẽ ở mức 355 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ sắp tới công ty sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 202 bằng tiền mặt với tỷ lệ 59,5%, tức cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 5.950 đồng. Với kế hoạch này, công ty dự kiến sẽ chi hơn 806 tỷ đồng để trả cổ tức, trong đó, công ty đã chi gần 542 tỷ đồng thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 (tỷ lệ 40%).
Về kế hoạch chia cổ tức năm 2023, doanh nghiệp dự kiến chi trả với tỷ lệ tối thiểu 30% bằng tiền.
Hiện tại, Cao su Phước Hoà đang có vốn điều lệ 1.355 tỷ đồng, tương ứng với hơn 135 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Kết phiên ngày 19/5, thị giá PHR đóng cửa ở mức 43.200 đồng/cổ phiếu.
Muốn đầu tư hai KCN ở Bình Dương và Bắc Giang
Trong nghị quyết, HĐQT Cao su Phước Hoà cũng đã thống nhất sẽ trình Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR, công ty mẹ năm 67% vốn điều lệ của Cao su Phước Hoà) về chủ trương hợp tác đầu tư KCN Tân Hưng (Bắc Giang) và KCN Bàu Bàng 4 (Bình Dương).
Theo báo cáo hồi tháng 3 của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), Cao su Phước Hoà đang có những lợi thế tương đối rõ ràng trong tiến trình chuyển đổi từ lĩnh vực cao su sang KCN mặc dù tiến độ chuyển đổi quỹ đất vẫn còn chậm trong giai đoạn ngắn hạn.
Doanh nghiệp này đặt mục tiêu phát triển 5 KCN với tổng diện tích hơn 2.700 ha trong giai đoạn 2026 - 2030. Hiện nay, Cao su Phước Hoà đang nắm 80% vốn điều lệ tại CTCP KCN Tân Bình và gần 33% vốn điều lệ của CTCP KCN Nam Tân Uyên (Mã: NTC).
TPS cũng cho biết tiến độ KCN Nam Tân Uyên 3, đang được chủ đầu tư Nam Tân Uyên làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc và đưa KCN đi vào hoạt động trong 2023.
Dự án KCN VSIP III sau một thời gian dài trì hoãn, hiện đã xong công tác giải phóng mặt bằng và dự kiến cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Với việc VSIP III đã cho thuê được khoảng 60 ha với Lego và Pandora trước đó, dự án có thể đóng góp lợi nhuận cho Cao su Phước Hoà trong năm nay theo tỷ lệ lợi ích 20% của hợp đồng hợp tác đầu tư.
Các dự án KCN Tân Bình - Giai đoạn 2 và KCN Tân Lập I cũng đã được đưa vào kế hoạch phát triển giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi các dự án KCN Đô thị - Dịch vụ Hội Nghĩa (715 ha), KCN Đô thị - Dịch vụ Tân Thành (625.23 ha) và KCN Đô thị - Dịch vụ Bình Mỹ (920.47) ha.
Do đó, TPS kỳ vọng mảng KCN của Cao su Phước Hoà sẽ khởi sắc từ năm 2024 và 2025, khi KCN Tân Lập và Tân Bình - Giai đoạn 2 đi vào hoạt động. Còn năm 2023, công ty dự kiến sẽ thực hiện ghi nhận một lần đối với 5 ha đất KCN đã được cho thuê vào 12/2022.
Theo một báo cáo khác hồi đầu năm của SSI Research, nhu cầu thuê đất KCN dự kiến sẽ tiếp tục ổn định vào năm 2023 và lợi nhuận ròng của các công ty phát triển KCN niêm yết dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 12% so với cùng kỳ.
Song, đơn vị phân tích này cũng cảnh báo một số rủi ro mà ngành bất động sản KCN có thể sẽ phải đối mặt, trong đó, dòng vốn FDI có thể chậm lại do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chế tạo vốn chiếm hơn 65% tổng vốn FDI.
Tỷ lệ lấp đầy các trung tâm KCN trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh đều đã ở mức trên 85%. Việc tiến độ giải phóng mặt bằng bị kéo dài có thể dẫn đến nguồn cung đất tại các khu công nghiệp còn lại bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc cho thuê diện tích lớn và pháp lý các khu công nghiệp mới có thể bị chậm.