|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Các ông lớn sở hữu hàng nghìn ha đất KCN đang hoạt động ra sao?

08:25 | 08/05/2023
Chia sẻ
Nhiều ông lớn thuộc nhóm doanh nghiệp hoạt động trong mảng bất động sản khu công nghiệp báo lợi nhuận sụt giảm trong quý đầu năm 2023.

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng. (Ảnh: Viglacera).

Báo cáo tổng hợp mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2023, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng khi nguồn cung có thêm nhiều dự án đầu tư KCN được chấp thuận. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu đầu tư lớn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất tại Bắc Giang, Đồng Nai,…

Tuy nhiên, nguồn cung bất động sản công nghiệp, đặc biệt là KCN có diện tích lớn hiện vẫn còn hạn chế. Trong quý đầu năm, nguồn cung bổ sung nổi bật từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới tại các tỉnh như Bình Dương, Cần Thơ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.

Công suất thuê bất động sản công nghiệp trong quý có xu hướng tăng nhẹ so với quý IV/2022, trong đó tăng nhẹ tại các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng khi đây là các địa phương ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023.

Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp bình quân trên cả nước hiện nay vẫn duy trì ở mức trên 80%. Tại các địa phương như Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM diện tích cho thuê đất khu công nghiệp gần như được lấp đầy hoàn toàn khi công suất cho thuê luôn ở mức cao trên 95%.

Giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp trong quý I/2023 tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động của các chủ đầu tư, theo thống kê hiện có hơn 10 doanh nghiệp bất động sản hoạt động ở mảng này có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong đó, tại phía Bắc, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) đang là doanh nghiệp sở hữu nhiều quỹ đất công nghiệp nhất với hơn 6.386 ha, chiếm 5,19% quỹ đất KCN của cả nước, tăng 22% so với năm 2021. Mặc dù vậy, diện tích đất sẵn sàng cho thuê của Kinh Bắc dự báo sẽ bị giảm nhanh từ năm 2024 nếu quỹ đất không kịp phát triển trong năm nay.

Đứng thứ hai là Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) với hơn 4.000 ha. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sở hữu hơn 20 KCN với hơn 10 KCN mới, tổng diện tích tăng thêm 2.000 - 3.000 ha.

Tại khu vực phía Nam, quán quân gọi tên Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) với 6 KCN đang hoạt động trải rộng trên diện tích khoảng 4.000 ha.

Một ông lớn khác là Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC). Tính đến nay, IDICO đang đầu tư và quản lý 10 khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng diện tích gần 3.267 ha. Trong đó, có 7 khu công nghiệp ở phía Nam, 3 khu công nghiệp ở phía Bắc.

Tiếp theo phải kể đến Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (UPCoM: SNZ). Doanh nghiệp này đang trực tiếp đầu tư hoặc liên doanh, liên kết khai thác 9 khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, một KCN tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một KCN tại tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích hơn 4.644 ha.

(Nguồn: H.L tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp).

Về kết quả kinh doanh quý I/2023, thống kê sơ bộ từ BCTC hợp nhất của 7 doanh nghiệp, duy chỉ có Kinh Bắc báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh (gấp đôi so với cùng kỳ), Sonadezi và Long Hậu ghi nhận lợi nhuận đi ngang, trong khi các doanh nghiệp còn đều báo lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Becamex IDC lãi hơn 74 tỷ đồng (giảm 81%), Viglacera lãi gần 151 tỷ đồng (giảm 80%), IDICO lãi hơn 175 tỷ đồng (giảm 38%), Tân Tạo lãi hơn 15 tỷ đồng (giảm 8%).

Xét về hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp, quý đầu năm cũng chỉ có Kinh Bắc ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh với hơn 1.094 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái ghi nhận hơn 317 tỷ đồng). Viglacera cũng đem về hơn 1.094 tỷ đồng từ mảng này, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp còn lại, tùy theo diện tích đất thương phẩm và nhà xưởng cho thuê đem về trung bình từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng.

(Nguồn: H.L tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp).

Hà Lê