Cảnh báo rủi ro vay vốn giá rẻ Trung Quốc
Tiếp nối bài viết “Vay vốn từ Trung Quốc lợi, hại gì?”, Dân Trí xin tiếp tục giới thiệu với độc giả góc nhìn của hai chuyên gia kinh tế: TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc – VEPR (VCES) và TS. Trần Toàn Thắng – Phó ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – CIEM về vấn đề vay vốn Trung Quốc, giữa bối cảnh có đề xuất cho rằng, cần tận dụng nguồn vốn giá rẻ này để thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư phát triển trong lúc ngân sách khó khăn.
Một công trình sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc
Các khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có thể bị định hướng bởi sáng kiến Một vành đai Một con đường (OBOR) của Trung Quốc.
Sau khi ông Tập Cận Bình nêu lên ý tưởng về việc thực hiện OBOR, các định chế tài chính Trung Quốc đã tăng cường và triển khai các khoản cho vay của mình tại nước ngoài tập trung vào các quốc gia nằm dọc theo sáng kiến OBOR.
Số liệu cho thấy, các khoản cho vay của Trung Quốc kể từ 2013 đối với các quốc gia đã có sự dịch chuyển rõ nét theo hướng 67% các khoản cho vay của hai định chế cho vay phát triển lớn nhất Trung Quốc là CDB và CHEXIM (với số tiền 49,4 tỉ đô la Mỹ) tập trung vào OBOR (với lãi suất từ 4-4,5%/năm).
|
Đối với Việt Nam, việc quyết định có tham gia OBOR hay không vẫn còn bỏ ngỏ, các tác động của dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) mà Trung Quốc đang triển khai tại Đông Nam Á có thể tạo ra một “bẫy đòn bẩy CSHT” đối với Việt Nam, nên việc xem xét vay vốn từ AIIB cần cân nhắc tác động của Trung Quốc trong việc thúc đẩy Việt Nam tham gia và vay vốn để triển khai sáng kiến này.
Các lo ngại về vấn đề môi trường
Nhiều dự án CSHT do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện khi vay vốn từ Trung Quốc làm dấy lên sự nghi ngờ về tính hiệu quả của đồng vốn “rẻ” này.
Có bốn nhóm lý do chính được Chính phủ các nước đưa ra bao gồm: (i) Mối lo ngại đầu tiên là các vấn đề môi trường; (ii) Mối lo ngại về các vấn đề xã hội; (iii) Các công ty Trung Quốc thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu; (iv) Sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những căng thẳng về chủ quyền các nước láng giềng khiến chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư CSHT sẽ được dùng làm vũ khí chính trị.
Tác động của việc môi trường bị hủy hoại không chỉ gây tổn thất trực tiếp để phục hồi môi trường nguyên trạng mà quan trọng hơn nó có thể ảnh hưởng thậm chí phá hủy sinh kế của người dân tại khu vực đó.
Trung Quốc dự định sẽ đầu tư 150 tỉ đô la Mỹ vào chiến lược OBOR thông qua các định chế tài chính song phương và đa phương mà quốc gia này làm chủ. Trong đó, đầu tư vào đường sắt 75 tỉ đô la Mỹ, đường bộ 18,4 tỉ đô la Mỹ, sân bay 17,5 tỉ đô la Mỹ, cảng biển và cảng sông 25,4 tỉ đô la Mỹ. Các dự án này đều chứa các rủi ro về môi trường.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực (CRSS) thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) năm 2016 cũng thừa nhận rằng “rất nhiều dự án OBOR có thể gây ra hàng loạt vấn đề an ninh môi trường”.
Các lo ngại về lao động và thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc
Nghiên cứu của Mathieu Duchâtel cho thấy Trung Quốc đã dần từ bỏ chủ trương “không can thiệp” (vào nội bộ các nước) khi các lợi ích của quốc gia này – gồm cả công dân và tài sản – tại hải ngoại ngày càng gia tăng.
Tháng 10-2016, để đảm bảo khoản đầu tư 45 tỉ đô la Mỹ “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” không bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi và căng thẳng nội bộ tại Pakistan, Trung Quốc đã có một hành động hiếm thấy là phát đi tuyên bố về việc ổn định tình hình nội bộ tại quốc gia Nam Á này.
Liên tiếp trong tháng 10-2016, đại sứ quán Trung Quốc đã hai lần phát đi thông cáo báo chí kêu gọi Pakistan nhanh chóng ổn định tình hình. Đại sứ Trung Quốc tại đây, Tôn Vệ Đông, thậm chí đã hội kiến với lãnh đạo phe đối lập Imran Khan để thuyết phục không để hoạt động biểu tình phản đối dự kiến diễn ra vào ngày 2-11 ảnh hưởng tới dự án hành lang kinh tế giữa hai nước, trong đó có việc đảm bảo an toàn cho công dân và tài sản đầu tư của Trung Quốc. Sau trường hợp Malaysia hồi tháng 10-2015, đây là lần thứ hai đại sứ quán Trung Quốc lên tiếng trực diện về tình hình nội bộ của một quốc gia khác.
Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam, số lượng lao động Trung Quốc đưa sang khá lớn, rất nhiều trong đó là lao động không phép. Ví dụ, số lượng lao động không phép tại các dự án trong ngành điện là 1.058 trong tổng số 1.719 người; than khoáng sản 769/1919 và dầu khí 513/1708. Những nơi tập trung nhiều lao động Trung Quốc là Hà Tĩnh và các khu công nghiệp phía Nam.
Vấn đề lớn nhất đối với nhóm lao động Trung Quốc là việc họ kết hôn với phụ nữ Việt Nam, tạo ra nhiều phức tạp và các nhạy cảm trong quản lý nhà nước đối với lợi ích của thế hệ con lai tiếp theo.
Đồng thời, những chỉ dấu về việc Trung Quốc có thể sử dụng “bảo vệ công dân Trung Quốc” như cái cớ để gây ảnh hưởng ngoại giao và can thiệp vào tình hình nội bộ cũng là một thách thức cần xem xét nghiêm túc từ bây giờ khi nhận vốn đầu tư từ AIIB.