Căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá nguyên liệu thép nhảy múa
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), căng thẳng Nga – Ukraine và biến động giá xăng dầu là yếu tố chính khiến giá nguyên liệu thép nhảy múa trong thời gian vừa qua.
Giá phôi thép trong nước tăng khoảng 1.000 - 1.300 đồng/kg, lên mức 17.100 - 17.300 đồng/kg cuối tháng 3. Trước đó, giá phôi nội địa tháng 2 cũng tăng khoảng 400 - 500 đồng/kg, lên mức 16.100 - 16.300 đồng/kg.
Còn giá phôi thép nhập khẩu giao dịch cảng Đông Nam Á tăng 108 USD/tấn lên mức 823 USD/tấn ngày 8/4 so với mức giá đầu tháng 3.
Giá thép phế nội địa tăng 1.000 - 1.400 đồng/kg, lên mức13.100 - 14.000 đồng/kg. Còn giá thép phế liệu loại HMS 1⁄2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 624 USD/tấn CFR Đông Á ngày 8/4 tăng 44 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3.
Ngoài ra, giá than mỡ luyện cốc (hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/4 giao dịch ở mức 359,5 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với đầu tháng 3. Trong khi, giá than cốc lại có xu hướng tăng liên tục kể từ quý III/2021 và điều chỉnh mạnh trong tháng 3.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt lại có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 8/4 giao dịch ở mức 155 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc) giảm khoảng 1,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3.
Mức giá này giảm khoảng 55-57 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (210 - 212 USD/tấn).
VSA nhận định trong tháng 3, thị trường nguyên liệu thép toàn cầu tiếp nối xu hướng tăng giá kim loại chung của thế giới.
Điều này khiến các mặt hàng thép đều có xu hướng tăng giá. Điển hình như giá bán thép xây dựng trong tháng 3 đã tăng 800 - 1.000 đồng/kg kể từ cuối tháng 2, hiện ở mức bình quân khoảng 18.550-18.750 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp và vùng miền cụ thể.
Trước những diễn biến phức tạp của giá nguyên liệu sản xuất thép trong quý I, ngành sản xuất thép trong nước đối mặt với những khó khăn khi giá thép tăng nhanh ở mức cao khiến người sử dụng trong dân dụng và công trình phải cân nhắc tính toán nên có ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, VSA cho rằng trong quý I, kinh tế Việt Nam phục hồi ngày càng rõ nét hơn, tâm lý nhà phân phối tranh thủ đầu cơ hàng hóa trước khi giá lên nhằm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.