Cảng dầu lớn của Arab Saudi bị tấn công, giá dầu tăng vọt lên hơn 70 USD/thùng
Giá dầu tăng vọt sau cuộc tấn công nhắm vào cảng dầu của Arab Saudi
Bloomberg đưa tin, hôm 7/3, Bộ Năng lượng Arab Saudi cho biết một bể chứa tại cảng dầu Ras Tanura ở bờ biển vùng Vịnh của nước này đã bị một máy bay không người lái tấn công từ biển.
Ngoài ra, mảnh đạn từ tên lửa cũng xuất hiện gần khu dân cư dành cho nhân viên của công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco ở thành phố Dhahran. Nhân chứng cho biết một vụ nổ đã làm rung chuyển thành phố và cửa sổ nhà họ.
Thông báo của Arab Saudi cho biết, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa trên đã bị chặn lại và các cơ sở khai thác dầu của ông lớn ngành dầu mỏ dường như không bị ảnh hưởng.
Phát ngôn viên Bộ Năng lượng Arab Saudi khẳng định: "Hai vụ tấn công này không gây thiệt hại về người hay tài sản". Nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết sản lượng dầu cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hai vụ tấn công được cho là do phiến quân Houthi thực hiện đã khiến giá dầu Brent nhảy vọt lên hơn 70 USD/thùng.
Theo nhận định của Bloomberg, vụ việc vừa qua là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào các cơ sở khai thác dầu của Arab Saudi kể từ khi một cơ sở chế biến dầu quan trọng và hai mỏ dầu bị cháy vào tháng 9/2019.
Sự việc cách đây hai năm khiến sản lượng của Arab Saudi giảm trong nhiều ngày liền và bộc lộ lỗ hổng của ngành dầu khí Arab Saudi. Phiến quân Houthi ở Yemen được cho là tổ chức đứng sau vụ tấn công này, dù Riyadh chĩa mũi dùi vào đối thủ không đội trời chung là Iran.
Cảng dầu lớn nhất thế giới Ras Tanura
Ras Tanura là cảng dầu lớn nhất thế giới, có thể xuất khẩu khoảng 6,5 triệu thùng/ngày - tương đương gần 7% nhu cầu dầu toàn cầu. Cảng này là một trong các cơ sở ngành dầu mỏ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới. Cảng Ras Tanura có số lượng bồn chứa lớn để trữ dầu trước khi dầu được bơm vào các tàu chở dầu siêu lớn.
Theo Bloomberg, phiến quân Houthi bắt đầu gây hấn với chính phủ do Liên Hợp Quốc công nhận của Yemen từ năm 2014. Một năm sau, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu can thiệp để ủng hộ chính phủ Yemen. Liên Hợp Quốc gọi cuộc nội chiến Yemen là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, đến nay đã có hàng nghìn người thiệt mạng.
Hôm 7/3, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu đã thực hiện không kích trả đũa tại thủ đô Sana'a của Yemen. Liên quân này cho biết họ đã đánh chặn các tên lửa và máy bay không người lái phóng từ nước láng giềng Yemen tới Arab Saudi, ngay khi phiến quân Houthi tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công, bao gồm vụ việc ở cảng Ras Tanura.
Qua kênh truyền hình Al Masirah, phát ngôn viên Yahya Saree của phiến quân Houthi cho biết lực lượng này đã phóng 8 tên lửa đạn đạo và 14 máy bay không người lái chở bom nhắm vào Arab Saudi.
Gần đây, phiến quân Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công vào Arab Saudi và tuần trước khẳng định họ đã tấn công một kho nhiên liệu của Saudi Aramco ở thành phố Jeddah bằng tên lửa hành trình. Hiện không rõ thiệt hại của vụ tấn công.
Dù các cuộc tấn công như trên ít khi gây ra tổn thất trên diện rộng, song tần suất của chúng đã gây ra tâm lý bất an ở vùng Vịnh, Bloomberg lưu ý.
Tại khu vực Trung Đông cuối tuần qua còn xảy ra các vụ tấn công bằng tên lửa khác nhắm vào các nhà máy lọc dầu ở Syria.
Tờ The Straits Times dẫn tuyên bố của Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết vào đêm 5/3, các nhà máy lọc dầu tạm thời ở tỉnh Aleppo đã hứng chịu nhiều đợt tấn công bằng tên lửa từ tàu chiến của Nga và các lực lượng đồng minh của chính phủ Syria. Cuộc tấn công gây ra một vụ hỏa họa lớn khi hàng chục tàu chở dầu bốc cháy.