|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cần xây dựng chợ nông sản điện tử

22:19 | 15/02/2019
Chia sẻ
Hướng đi của nông nghiệp thành phố hiện nay là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra được những sản phẩm chất lượng, tăng hiệu quả sử dụng đất đai, tăng thu nhập cho người nông dân và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Báo Đà Nẵng điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Đà Nẵng
can xay dung cho nong san dien tu

Chợ nông sản điện tử của Hà Nội đang dần hoàn thiện. Ảnh: Internet

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 70 chợ, 8 trung tâm thương mại cùng hệ thống 71 siêu thị lớn, nhỏ nằm rải rác khắp địa bàn thành phố. Hệ thống thương mại truyền thống chiếm số lượng lớn, nhưng hiện tại hình thức mua bán qua mạng internet đang có xu hướng tăng mạnh, bởi sự tiện lợi cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay thành phố chưa có chợ nông sản điện tử, chỉ có sàn thương mại điện tử giao dịch tất cả các mặt hàng, đó là danangtrade.com.vn (đưa vào hoạt động tháng 5-2018). Lý do chưa có chợ nông sản điện tử vì sản xuất nông nghiệp của thành phố còn chiếm tỷ trọng thấp (dưới 5%).

Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của thương mại điện tử, dù nông nghiệp thành phố không phải trọng yếu, nhưng nhu cầu về một chợ nông sản điện tử không phải chỉ xuất phát từ người bán mà đó còn là tiện ích cho người mua.

Theo ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang, Đà Nẵng chưa có một chợ điện tử nông sản chính thức, vì vậy, việc đưa nông sản lên trang mạng xã hội cá nhân hay website với nhiều hộ nông dân còn hạn chế. Đa phần các sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng đưa lên mạng internet là tự phát, không mang tính tập trung.

Người mua qua mạng không có nhiều sự chọn lựa về hàng hóa nông sản, chủ yếu dựa vào người quen giới thiệu mà chưa tìm hiểu kỹ về chất lượng sản phẩm. Việc chưa có một chợ nông sản điện tử cho hàng hóa nông sản của Đà Nẵng là một hạn chế trong xu hướng phát triển mạnh của thương mại điện tử hiện nay.

Ông Hồ Nguyên Khoa, chủ trang trại thủy canh Sasu (xã Hòa Ninh), chia sẻ: “Từ trước đến nay, ngoài biện pháp quảng cáo truyền thống thì tôi sử dụng thêm các mạng xã hội như facebook, zalo để quảng cáo. Tôi cũng có website riêng của trang trại, nhưng sơ sài vì chưa suy nghĩ đến việc quảng bá nhiều trên trang điện tử; chủ yếu vẫn là các mối quan hệ cung ứng sẵn có”. Ông Khoa cho rằng, nếu có một chợ nông sản điện tử để người bán đưa lên sản phẩm của mình và người mua có thể tham khảo tất cả mặt hàng trên cùng một website thì sẽ rất tiện lợi.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Lê Thị Xuân (trú quận Thanh Khê) bày tỏ: “Hiện nay tôi mua nông sản qua mạng bằng sự tin tưởng với người bán còn nguồn gốc thì “nói sao nghe vậy”. Nếu có một chợ nông sản trên mạng với sự quản lý của cơ quan chức năng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì sẽ rất tiện lợi vì có nhiều lựa chọn và yên tâm về chất lượng cho người mua”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vân, nếu có một chợ nông sản điện tử cho người dân thì vô cùng thuận tiện, bởi lẽ đây là kênh thông tin giúp các hộ nông dân nhỏ lẻ đến doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình một cách dễ dàng… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng từng bước kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường. còn người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sản phẩm an toàn, tươi ngon.

“Tôi cũng có nghe qua một số tỉnh, thành phố khác đã thí điểm mô hình này. Hy vọng, sắp tới Đà Nẵng cũng triển khai xây dựng chợ nông sản điện tử. Nếu được, tôi sẽ có ý kiến trao đổi với Hội Nông dân thành phố và các ngành chức năng để thúc đẩy việc xây dựng mô hình chợ nông sản điện tử. Rất mong sự ủng hộ của các cấp, ngành liên quan để người nông dân có thêm một kênh tiêu thụ sản phẩm hữu hiệu”, ông Vân cho biết.

Xem thêm

Mai Quế