|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kéo doanh nghiệp xích gần nông dân

12:39 | 26/11/2018
Chia sẻ
Nhằm tháo gỡ khó khăn đầu ra cho nông sản, hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá”, Hội Nông dân TP và Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp đẩy mạnh chương trình kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn.
keo doanh nghiep xich gan nong dan
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Phiên giao dịch nông sản an toàn. Ảnh: Ánh Ngọc.

Duy trì 80 chuỗi liên kết

Xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chương trình kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn. Thời gian qua, Hội Nông dân xã Thụy Hương đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất rau an toàn. Nhờ vậy, giá trị kinh tế ở địa phương này đã đạt 275 triệu đồng/ha/năm. Đáng nói, thông qua chương trình kết nối, trên địa bàn xã Thụy Hương đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ và 40 hộ gia đình tham gia mô hình nuôi lợn sinh học.

Hội Nông dân TP sẽ tiếp tục phối hợp với các DN và chính quyền địa phương mở các cuộc xúc tiến thương mại theo từng vùng và từng ngành hàng cụ thể làm cầu nối giúp nông dân và DN xích lại gần nhau hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện chương trình kết nối, đến nay, trên địa bàn TP đã xây dựng, duy trì 80 chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Đáng chú ý, giá tiêu thụ nông sản an toàn, hữu cơ trong chương trình kết nối cao hơn so với giá bán nông sản đại trà khác từ 10 - 30% tùy loại. Tuy nhiên, khâu kết nối tiêu thụ vẫn gặp khó khăn, lượng nông sản an toàn tiêu thụ thông qua chuỗi của Hà Nội dù cao hơn mức trung bình của cả nước, song chỉ đạt 15%.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành chia sẻ, chăn nuôi an toàn sinh học đòi hỏi nông dân không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, mà thời gian cũng thường kéo dài hơn chăn nuôi truyền thống từ 2 - 3 tháng. Trong khi đó, có thời điểm giá sản phẩm chăn nuôi thấp, các hộ chăn nuôi an toàn sinh học cũng phải hạ giá sâu mới bán được hàng. Ngoài ra nông sản an toàn của địa phương bị cạnh tranh khốc liệt với nhiều sản phẩm chăn nuôi đại trà khác.

Doanh nghiệp, hợp tác xã làm đầu tàu

Nhằm khắc phục những điểm yếu của khâu kết nối tiêu thụ nông sản, từ năm 2015, Hội Nông dân TP đã duy trì việc tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu sản phẩm an toàn tại điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội, số 33 Nguyễn Chí Thanh. Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội Tô Hải Long cho biết: “Phiên giao dịch được tổ chức với tần suất trung bình 8 phiên/năm, với sự tham gia luân phiên của Hội Nông dân các huyện trên địa bàn. Sau mỗi phiên giao dịch, có khoảng hơn 20 tấn nông sản có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được tiêu thụ thông qua hình thức Hội Nông dân trực tiếp ký kết hợp đồng với các DN, đơn vị, nhà hàng”.

Để chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa người sản xuất và đơn vị tiêu thụ nông sản an toàn, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê khẳng định, thời gian tới, Hội sẽ thường xuyên tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm trong quá trình vận động nông dân tham gia sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cho Hội Nông dân các cấp. Mặt khác, các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, DN và hợp tác xã đóng vai trò then chốt trong khâu tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân. Do đó, Sở tiếp tục tham mưu TP có cơ chế hỗ trợ các thành phần kinh tế này đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, chú trọng việc kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Ngoài ra, Sở tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Xem thêm

Ngọc Ánh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.