Cẩn trọng với cuộc “đua theo dòng tiền”
Yếu tố chính tạo ra những đợt tăng nóng của giá nhiều cổ phiếu do dòng tiền đầu cơ tham gia mạnh là từ ghi nhận lãi đột biến từ bán/chuyển nhượng tài sản, vốn góp tại các dự án đã đầu tư.
Tuy vậy, câu chuyện này thường chỉ có tác động trong ngắn hạn, trong khi xu thế giá cổ phiếu trong trung và dài hạn phụ thuộc nhiều vào kết quả thường xuyên và cốt lõi của các doanh nghiệp trên sàn.
Tiền đầu cơ chảy mạnh vào doanh nghiệp lãi đột biến
Gây chú ý trên thị trường là cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai với mức tăng từ đầu năm 2017 đến nay là hơn 233%, từ mức giá 3.500 đồng/cổ phiếu lên 11.650 đồng/cổ phiếu.
Từ tháng 3 trở lại đây, QCG có nhiều phiên tăng trần, gần đây nhất là từ 26/4-8/5, QCG tăng trần 7 phiên liên tiếp, tương ứng mức tăng gần 50%, khối lượng giao dịch bình quân hơn 296.000 đơn vị/phiên.
Đáng chú ý hơn, vào phiên 3/5, QCG bị khối ngoại bán ròng hơn 29,4 triệu đơn vị.
Đây cũng là khoảng thời gian mà QCG công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất, trong đó có thông tin QCG đang trong quá trình đàm phán chuyển nhượng toàn bộ dự án Phước Kiển cho CTCP Đầu tư Sunny Island (Sunny Island).
Đến cuối quý I/2017, QCG đã nhận tạm ứng tổng cộng 50 triệu USD từ Sunny Island để tất toán nợ vay với BIDV và số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng dự án Phước Kiển trong tương lai khi việc đàm phán hoàn tất.
Một doanh nghiệp khác, CTCP Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông (VID) công bố kết quả quý I với lãi đột biến 95 tỷ đồng, gần đạt kế hoạch 96 tỷ đồng cả năm 2017.
Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 127 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 2 tỷ đồng. Theo giải trình của VID, khoản lãi này đến từ việc thoái vốn tại Công ty TNHH Bao bì MM Vidon, thu về lợi nhuận 150 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong quý IV năm 2016, VID đã thực hiện tái cơ cấu lại các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tăng vốn đầu tư nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Giấy Toàn Lực lên 51,03%, trở thành công ty mẹ, nên báo cáo quý I năm nay “khác biệt” so cùng kỳ.
Trước sự đột biến về kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu VID đã tăng liên tục từ 14/4 đến nay với mức tăng 100%, có nhiều phiên tăng trần liên tiếp (từ 19/4-24/4 và 26/4-4/5).
Hai mã đáng chú ý khác là NBB và VPH cũng ghi nhận mức tăng giá đáng kể khi hai doanh nghiệp đại diện công bố thông tin về việc chuyển nhượng dự án.
Cụ thể, VPH chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một phần công trình xây dựng của dự án chung cư khối 3A-3B và 4A-4B thuộc dự án La Casa, ghi nhận lãi gộp dự kiến khoảng 165 tỷ đồng.
Tiếp một tuần sau, VPH công bố việc đã ký kết hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng thêm quyền sử dụng đất và một phần công trình xây dựng thuộc khối 6A-6B và khối hỗn hợp thương mại văn phòng có nhân viên lưu trú thuộc dự án La Casa.
Tổng giá trị ký kết khoảng 420 tỷ đồng, lãi gộp dự kiến khoảng 160 tỷ đồng.
Đối với NBB, Công ty cũng chuyển nhượng vốn tại CTCP Công nghiệp NBB, mang lại doanh thu tài chính hơn 57 tỷ đồng và lãi sau thuế cả quý hơn 47 tỷ đồng.
Việc ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng dự án trước mắt giúp doanh nghiệp cải thiện các chỉ số sinh lời, đáng kể hơn là doanh nghiệp có dòng tiền để thực hiện tiếp các kế hoạch đầu tư.
Tuy vậy, cũng có nhiều doanh nghiệp, sau khi chuyển nhượng dự án thì “tương lai” khá mờ mịt, không còn gì để chờ đợi hoặc nhà đầu tư không có đủ thông tin để đánh giá.
Do vậy, việc đua mua cổ phiếu chỉ vì doanh nghiệp có khoản lãi đột biến, được nhiều chuyên gia cho rằng, hàm chứa rủi ro rất cao.
Đua như thế nào để không bị “hốt vỏ”?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, trước hiện tượng cổ phiếu nóng vì kết quả quý I, nhà đầu tư cần xem xét khoản lợi nhuận đột biến đến từ đâu, liệu có thể duy trì trong thời gian tới không. Cũng như chuyện mua xổ số, người có tiền cũng nên đầu tư, nhưng chỉ là ngắn hạn vì trúng số thì không ai trúng hàng ngày.
Theo ông Khánh, đầu tư đuổi giá hay còn gọi là theo dòng tiền áp dụng cho nhiều trường hợp, nhưng cái khó của nó là nhà đầu tư cần phải có cách để phân biệt được dòng tiền đầu tư hay dòng tiền đầu cơ.
Trong trường hợp đầu cơ, cổ phiếu tăng giá sẽ không bền. Những cổ phiếu có diễn biến giá và khối lượng giao dịch tăng nhanh trong khoảng thời gian doanh nghiệp “ra tin” thường là dòng tiền ngắn hạn.
Còn với dòng tiền đầu tư thì từ từ hơn, sẽ có giao dịch trong một khoảng thời gian và khả năng có cả giao dịch thỏa thuận, trong khi dòng tiền ngắn hạn thường không áp dụng vì mất thời gian đàm phán.
Với người theo trường phái lướt sóng, cần có “linh cảm” tốt và phản ứng kịp thời để “rút chân” ra để trước thời điểm cả thị trường cùng bán. Tham gia cuộc đua giá, nhiều người đã không kịp bán ra khi cổ phiếu rớt giá liên tiếp.
Cuộc đua này chỉ nên ở lại nếu nhà đầu tư nhận thấy, ngoài cơ hội kiếm tiền chóng vánh, tiềm năng của doanh nghiệp khá ổn, sau khi chuyển nhượng tài sản thì trong trường hợp xấu nhất, cổ phiếu rớt giá, việc nắm giữ “hàng” vẫn không đến nỗi quá lo.
Tuy vậy, để có thể làm được điều này, đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm bắt tốt thông tin, có kiến thức tốt để đủ sức đánh giá về tương lai của doanh nghiệp.
Nếu xác định được yếu tố có “dòng tiền đầu tư” thật vào cổ phiếu doanh nghiệp thì mức độ rủi ro khi đua giá cổ phiếu có kết quả đột biến sẽ không lớn.
Theo tư vấn của một số chuyên gia, “hàng nóng” ai cũng muốn tận dụng cơ hội kiếm lời, nhưng để quyết định có tham gia vào các cơ hội này hay không, nhà đầu tư cần đánh giá rõ hơn về triển vọng dài hạn của doanh nghiệp, hoặc phải xác định rõ là đầu cơ ngắn hạn theo xu thế dòng tiền. Khi đó, phải đặt ra những nguyên tắc nhất định trong việc chốt lời hoặc cắt lỗ nếu quyết định sai.
Thường thì các doanh nghiệp bán đi các tài sản đầu tư tốt nhất của mình sẽ đem lại lợi nhuận đột biến, nhưng về dài hạn thì khả năng duy trì lợi nhuận là khó, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ trở lại với tình trạng kinh doanh yếu kém các quý sau đó.
Rủi ro cho các hiện tượng tăng nóng ngắn hạn, sau đó quay đầu giảm giá ngay khi dòng tiền đầu cơ rút ra khi câu chuyện đã hết sức… “đời thường”. Vì vậy, quan trọng là nguyên tắc cắt lỗ, nếu không may mua sai vùng giá và xu thế giá bắt đầu bước vào chu kỳ giảm.
Một lời khuyên khác là cần “chia tiền” ở mức vừa phải cho việc đánh đu với cổ phiếu nóng. Mức các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên dùng là 10 - 20% tài sản mà thôi.