|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cẩn trọng rủi ro giá tiêu tăng ảo

17:57 | 11/03/2022
Chia sẻ
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định thực tế này có thể xảy ra nguy cơ tăng giá ảo như năm trước. Có thể nói rằng lượng tiêu trong dân từ các mùa trước vẫn còn tương đối, đó là chưa kể lượng dự trữ tại các đại lý, công ty lớn, có tiềm lực tài chính đã thu mua tích trữ từ các vụ trước.

Giá tiêu vẫn tăng mặc cho nguồn cung dồi dào từ đầu vụ

Giá tiêu những tháng đầu năm 2022 tiếp nối đà phục hồi từ năm ngoái. Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện Việt Nam đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính hạt tiêu. Tại một số nơi ở tỉnh Đắk Nông đã cơ bản thu hoạch gần xong nên nguồn cung khá dồi dào.

Tuy nhiên, giá bán tăng khá mạnh so với cuối tháng 1, bất chấp việc các đại lý hạn chế mua vào.

Cuối tháng 2, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng mạnh. Ngày 28/2, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng từ 500 – 1.500 đồng/kg so với ngày 28/1 lên khoảng 81.000 - 84.500 đồng/kg.

Cẩn trọng rủi ro giá tiêu tăng ảo - Ảnh 1.

Diễn biến giá tiêu từ năm 2021 đến tháng 2/2022. (Số liệu: Tổng hợp, Biểu đồ: H.Mĩ)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây nhận định giá tiêu đang bước vào chu kỳ hồi phục về giá, thị trường sẽ vẫn tăng đều trong năm 2022. Trên thực tế, sản lượng tiêu năm sau của Việt Nam dự đoán còn giảm hơn năm nay vì cảnh mất mùa. 

Nhiều vườn tiêu cho thu hoạch sớm, năng suất kém vì cây bị suy sau nhiều năm không được chăm sóc tốt do nông dân cạn vốn đầu tư khi mặt hàng này liên tục rớt giá. Nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến tiêu mất mùa là do ảnh hưởng của thời tiết. 

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA),  vụ mùa năm 2022 ở các tỉnh đang bước vào đợt thu rộ. Dự kiến cuối tháng 3 - đầu tháng 4 cơ bản sẽ kết thúc.

Do ảnh hưởng thời tiết, nhất là thời điểm mưa sát ngay sau khi thu hoạch, bà con cho rằng khả năng vụ tiêu năm tới sẽ mất mùa do mưa sớm khi tiêu ở hầu hết các khu vực đang vào chính vụ, khó có thể thúc cây ra bông cho mùa vụ năm sau.

Trong chuyển khảo sát mới đây, VPA nhận định, tính chung cả nước sản lượng có thể ghi nhận sụt giảm khoảng 10%.

Theo VPA, trong giai đoạn tới, khả năng diện tích trồng mới không nhiều do tâm lý sợ sau đợt khủng hoảng giá cùng với tác động do sâu bệnh và thời tiết trong khi đất trồng mới cũng không còn để mở rộng canh tác.

Các vườn tiêu chết hiện đã được trồng xen hoặc chuyển đổi sang cây ăn trái, phổ biến là sầu riêng, bơ, mít. Bên cạnh đó, diện tích các vườn tiêu già đang gia tăng đi kèm là cơn sốt bất động sản, dự án điện gió nên việc giảm diện tích vườn tiêu tại một số vùng là thực tế.

Tuy nhiên, trong tình hình vụ thu hoạch vẫn chưa kết thúc nên VPA sẽ cân nhắc thêm sau khi vụ 2022 chính thức kết thúc vào tháng 4.

Nguy cơ tiếp diễn tình trạng tăng giá ảo?

Một số đại lý cho biết hiện vẫn còn mua được tiêu cũ kể từ đầu năm nay 2022. Khảo sát cho thấy tồn kho của các năm trước hiện vẫn còn nhiều, tập trung ở các hộ và đại lý có tiềm lực kinh tế mạnh.

Lực lượng này có thể tăng cường lượng hàng trữ trong trong bối cảnh hồ tiêu đang trong chu kỳ tăng giá và hạn chế bán ra thị trường.

Phần lớn các hộ được khảo sát cho rằng sẽ trữ tiêu vụ mới, chỉ bán ra khi có nhu cầu chi tiêu và có kỳ vọng giá tăng.

"Thực tế này có thể xảy ra nguy cơ tăng giá ảo như năm trước. Có thể nói rằng lượng tiêu trong dân từ các mùa trước vẫn còn tương đối, đó là chưa kể lượng dự trữ tại các đại lý, công ty lớn, có tiềm lực tài chính đã thu mua tích trữ từ các vụ trước", VPA nhận định.

Tình trạng giá tiêu tăng ảo đã từng xảy ra hồi tháng 5/2020. Thời điểm đó, một số đại lí đang găm trữ hàng đẩy giá lên cao để kiếm lời bằng cách tung tin đồn rằng giá tiêu có thể tăng lên tới 70.000 - 80.000 đồng/kg do nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường đang tăng mạnh.

Điều này dẫn đến người nông dân không muốn bán ra do chờ giá cao hơn nữa, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc mua hàng.

Ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định giá tiêu Việt Nam tăng ảo tạo điều kiện cho các thị trường khác mở rộng thị phần. Còn ở Việt Nam hàng chỉ có truyền tay qua, truyền tay lại trong giới đầu cơ chứ không ra khỏi Việt Nam.

H.Mĩ