Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 9,5 - 10%
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023 như tiếp tục quán triệt và thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; khẩn trương hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai quy hoạch thành phố như quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố; kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025…
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố; tiếp tục thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án mới, đặc biệt là các dự án tái định cư; khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng ngành, từng cấp để thực hiện.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đổi mới phương thức tiếp cận và hoạt động thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp thật sự có năng lực, có tính dẫn dắt tham gia các dự án trên địa bàn; tiếp tục kiểm tra, rà soát để đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không đảm bảo năng lực trước tình hình mới; tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước, các viện, trường có uy tín nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của vùng….
Năm 2023, thành phố Cần Thơ đề ra 17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; trong đó, có tăng trưởng kinh tế đạt từ 9,5 đến 10%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2023 đạt từ 95 đến 98 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế/tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm xấp xỉ 9%, công nghiệp- xây dựng chiếm từ hơn 31%, dịch vụ chiếm trên 53%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm hơn 6,8% trong cơ cấu GRDP.
Tổng vốn đầu tư và phát triển toàn xã hội dự kiến đạt 43.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao; năng suất lao động theo giá hiện hành đạt xấp xỉ 220 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động từ 11,5 đến 15,2%...
Để thực hiện các chỉ tiêu nói trên, UBND thành phố Cần Thơ đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp, gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục tập trung quán triệt, thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương về kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi - phát triển kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung huy động các nguồn lực vốn, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội đồng bộ, hiện đại; thực hiện tốt việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, đất đai, đảm bảo trật tự kỷ cương đô thị; đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác với các tỉnh, thành…
Năm 2022, UBND thành phố cùng với các ngành, các cấp và địa phương đã triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả phục hồi tích cực, khá toàn diện.
Tổng số 17/17 chỉ tiêu chủ yếu của thành phố đều đạt và vượt theo kế hoạch; trong đó, có 10 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,64% so năm 2021, đứng thứ 6 trên cả nước, xếp thứ 2 so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và cũng đứng thứ 2 so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, xuất khẩu, du lịch và chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều có tốc độ tăng trưởng cao và vượt kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay tăng khá cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Cần Thơ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như phục hồi tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực chưa đồng đều; ngân sách bị tác động mạnh bởi việc giảm thu từ các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế của Trung ương; nguồn thu từ thuế, hải quan và các nguồn thu từ đất đạt thấp; thu hút vốn đầu tư các dự án lớn có sức lan tỏa, động lực còn hạn chế, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều dự án trọng điểm còn chậm tiến độ hoặc mới chỉ bắt đầu giai đoạn triển khai; công tác lập, trình quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm.