|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia quốc tế: 'Đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa kết thúc, còn nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ'

17:03 | 12/12/2022
Chia sẻ
Theo ông Andreas Stoffer, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann for Freedom, có hai quốc gia trên thế giới có mức độ tăng trưởng nhanh trong vòng 20 – 30 năm qua là Ba Lan và Việt Nam. Đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa kết thúc bởi còn rất nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ bên lề Hội thảo Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường, GS. Andreas Stoffer, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann for Freedom, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang là 43,7%, mức này hiện đang khá tốt và môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư.

"Có hai quốc gia trên thế giới có mức độ tăng trưởng nhanh trong vòng 20 – 30 năm qua là Ba Lan và Việt Nam. Tôi lạc quan với tương lai tươi sáng của Việt Nam", ông Andreas Stoffer nói. 

 GS. Andreas Stoffer, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann for Freedom. (Ảnh: Baoquocte). 

GS. Andreas Stoffer cho rằng, đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa kết thúc bởi còn rất nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam, đi kèm với đó là quá trình cải cách và thúc đẩy tự do kinh doanh.

Phân tích kỹ hơn về nhận định này, ông Andreas Stoffer cho biết, trong năm nay, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng từ 3,2 đến 3,6% còn CPI tăng từ 3,3 đến 3,5%, tuy nhiên chuyên gia cũng lưu ý cần rất thận trọng khi tính toán các chỉ số ví như lạm phát. Dù vậy, điểm tích cực là tỷ giá hối đoái hiện nay đã tương đối ổn định, có thể coi như khía cạnh rất tích cực kinh tế Việt Nam.

Từ đầu năm đến cuối tháng 10, Việt Nam vẫn đạt được sản xuất và kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức cao, thành công này có được cũng phần nào nhờ vào các yếu tố từ bên ngoài. Thương mại của Việt Nam hiện vẫn tương đối tốt khi ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng sang các thị trường lớn như Mỹ, mặc dù có khủng hoảng nhưng thương mại có dấu hiệu rất tích cực.

Tuy nhiên, các cuộc xung đột địa chính trị hay việc lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ, EU cũng sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam khi đây là thị trường quan trọng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu. 

Đồng quan điểm, ông Fred McMahon, đại diện Viện Fraser, Canada cũng cho rằng, Việt Nam hiện có động lực tăng trưởng kinh tế rất mạnh, bao gồm lực lượng lao động có trình độ, kỷ luật tốt, có tiềm lực kinh tế và chính sách kinh tế mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên các chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn ở mức rất hấp dẫn. 

"Lương thấp sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn lực đầu tư và chi phí thấp thì giúp thu hút được nguồn lực đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng,nền kinh tế cũng có động lực phát triển, thu nhập bình quân đầu người và năng suất lao động tăng lên giúp tăng trưởng kinh tế.

Ông Fred McMahon cũng chỉ ra rằng, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tự do hoá là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế. Ông dẫn chứng, các quốc gia ở Bắc Âu có sự tự do môi trường kinh doanh rất cao, đây cũng là những quốc gia phát triển. 

"Môi trường kinh doanh càng tự do thì quốc gia càng phát triển", ông Fred McMahon đánh giá. 

Hạ An