|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Cần thêm thời gian để giảm giá thịt lợn tương ứng với giảm giá lợn hơi

02:06 | 11/09/2020
Chia sẻ
Thời gian qua, mặc dù dịch COVID-19 kéo dài khiến kinh tế trở nên khó khăn hơn nhưng người tiêu dùng lại liên tục phải chứng kiến cảnh thịt lợn bán ra tại các hệ thống phân phối, siêu thị và chợ truyền thống với giá cao. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập và chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng thịt lợn.
Cần thêm thời gian để giảm giá thịt lợn tương ứng với giảm giá lợn hơi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Luật Việt Nam)

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Mới đây, Sở Công Thương các tỉnh cũng như hệ thống siêu thị đã có báo cáo về Bộ Công Thương là giá mặt hàng thịt lợn tại các chợ truyền thống và siêu thị đã giảm hơn trước.

Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Đông cần phải có thêm thời gian để giá thịt lợn giảm tương ứng với giá lợn hơi và hơn nữa giá lợn hơi có giảm đồng loạt, liên tục hay không vẫn cần chờ kết quả kiểm tra.

Đối tượng kiểm tra là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu khác nhau trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng lợn giống, lợn hơi (lợn thịt) và các sản phẩm thịt lợn.

Phương thức kiểm tra bao gồm kiểm tra tại chỗ như kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, đối tượng kiểm tra hoặc yêu cầu có văn bản báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ đoàn kiểm tra.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ có thông báo đề nghị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chuẩn bị báo cáo bằng văn bản, cung cấp các thông tin, tài liệu theo yêu cầu.

Liên quan đến khâu trung gian, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại vẫn chưa có kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành về mặt hàng thịt lợn nên sau này Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ là đầu mối cung cấp kết quả kèm theo một số khuyến nghị của Đoàn kiểm tra.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng việc xây dựng cơ chế để công bố minh bạch các thông tin về thị trường thịt lợn là cần thiết.

Chính vì vậy, các Bộ, ngành cần phối hợp, xây dựng trang thông tin điện tử, đường dây nóng, buộc kê khai hoặc quản lý giá đối với mặt hàng thịt lợn.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra đảm bảo minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá...

Riêng các doanh nghiệp nên tích cực hợp tác với cơ quan quản lý để xây dựng một thị trường thịt lợn phát triển, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh.

Đặc biệt, người tiêu dùng cũng chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan và cân đối tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong bữa ăn để vừa bảo đảm dinh dưỡng và tránh áp lực chi phí cao.

Hơn nữa, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, chủ động tố cáo tới các cơ quan quản lý về các hành vi vi phạm.

Uyên Hương