|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cầm đồ lấn sân cho vay tiêu dùng

07:03 | 03/03/2017
Chia sẻ
Lần đầu tiên, một quỹ đầu tư ngoại nổi tiếng đã rót tiền vào hệ thống cầm đồ VN để khai thác thị trường cho vay tiêu dùng đầy tiềm năng.
cam do lan san cho vay tieu dung
Cửa hàng cầm đồ tại TP.HCM. (Ảnh: Ngọc Dương)

Theo thống kê, hiện có đến 47 triệu người chưa tiếp cận dịch vụ vay vốn ngân hàng. Giả định mỗi năm, mỗi cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng khoảng 10 triệu đồng thì quy mô thị trường vốn lên tới 470.000 tỉ đồng (tương đương 23,5 tỉ USD). Đó là lý do những năm gần đây rất nhiều công ty tài chính (CTTC) trong và ngoài nước đẩy mạnh khai thác thị trường này. Nhiều ngân hàng (NH) bỏ quên thị trường cho vay tiêu dùng cũng đang tìm mọi cách kiếm thị phần.

Quỹ ngoại rót vốn vào cầm đồ

Thế nhưng, cuộc chiến này sẽ càng trở nên khốc liệt khi hệ thống các tiệm cầm đồ chính thức tham gia vào sân chơi này với việc Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III, thuộc Công ty quản lý quỹ Mekong Capital) vừa hoàn thành gói đầu tư vào hệ thống cầm đồ thuộc Công ty cổ phần đầu tư F88. Dù không tiết lộ khoản đầu tư này bao nhiêu, nhưng trước nay Quỹ MEF III thường đầu tư vào những công ty chưa niêm yết với số vốn từ 6 - 15 triệu USD.

cam do lan san cho vay tieu dung

Trước giờ tôi hay nhận được lời mời chào mở thẻ tín dụng ngân hàng, mua bảo hiểm hay vay tiêu dùng ở một công ty nào đó, nay đến cả công ty cầm đồ điện thoại mời chào sử dụng vay tiền qua dịch vụ cầm đồ, tôi cảm thấy khá lạ

cam do lan san cho vay tieu dung

Thanh Lan (Q.1, TP.HCM)

Đại diện Công ty quản lý quỹ Mekong Capital nhận xét thị trường cầm đồ VN vốn được “thống trị” bởi các tiệm cầm đồ truyền thống với 30.000 cửa hàng, chứng tỏ tiềm năng rất lớn và là một cơ hội để đầu tư. Tuy nhiên theo vị này, một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân để họ chuyển sang sử dụng dịch vụ ở các cửa hàng cầm đồ hiện đại hơn là những cửa hàng theo kiểu truyền thống. Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng giám đốc F88, cho hay công ty sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư của Quỹ MEF III vào việc mở rộng mạng lưới hệ thống các cửa hàng cầm đồ trên toàn quốc. Ngoài hỗ trợ vốn, phía Mekong Capital còn hỗ trợ tư vấn cho F88 trong nhiều lĩnh vực như xây dựng chiến lược, điều hành và quản trị, tái cấu trúc công ty, xây dựng nguồn nhân lực lãnh đạo...

Nếu được đầu tư bài bản, theo các chuyên gia, hệ thống cầm đồ có thể làm “bá chủ” thị trường cho vay tiêu dùng. Đầu tiên là về lãi suất. Mức lãi suất cho vay trung bình của các công ty cầm đồ hiện nay dao động từ 13,5 - 35%/năm, trong khi lãi suất của các CTTC từ 40 - 66%/năm và các NH từ 20 - 24%/năm. Nhìn trên tổng quan này, lãi suất của các nhà băng thấp nhất, nhưng bất lợi của họ là vấn đề yêu cầu, thủ tục. Các NH thường từ chối các khoản vay từ 5 - 10 triệu đồng của người dân khi không đủ điều kiện mở thẻ tín dụng. Đó là chưa kể, các tiệm cầm đồ hiện không chỉ thụ động ngồi chờ khách tới, họ cũng chủ động tiếp cận, tiếp thị, quảng cáo tới khách hàng.

Bà Thanh Lan (Q.1, TP.HCM) kể bà đang họp thì nhận được cuộc điện thoại từ một công ty cầm đồ giới thiệu có trụ sở ở Q.1 (TP.HCM) mời chào sử dụng dịch vụ cầm đồ. Theo lời giới thiệu, công ty nhận cầm cố cà vẹt xe máy và cho vay từ 5 - 20 triệu đồng tùy theo xe đối với những khách hàng vay mới, số tiền cho vay sẽ tăng lên đối với những lần vay tiếp theo nếu khách hàng trả nợ đúng hạn. Lãi suất cho vay cố định 1,125%/tháng. Thời gian cho vay tối đa là 3 năm nhưng nhân viên này tư vấn bà không nên vay lâu, vì lãi tính trên số tiền nợ ban đầu, vay càng lâu càng cao. Cụ thể nếu vay 10 triệu đồng trong 12 tháng, mỗi tháng sẽ trả khoảng 950.000 đồng (840.000 đồng tiền gốc và 112.500 đồng tiền lãi), nên tổng tiền lãi là 1,35 triệu đồng. Còn nếu vay 36 tháng, số lãi sẽ lên hơn 4 triệu đồng.

Bà Thanh Lan cho hay: “Trước giờ tôi hay nhận được lời mời chào mở thẻ tín dụng NH, mua bảo hiểm hay vay tiêu dùng ở một công ty nào đó, nay đến cả công ty cầm đồ điện thoại mời chào sử dụng vay tiền qua dịch vụ cầm đồ, tôi cảm thấy khá lạ. Nhưng cũng có thêm nhiều lựa chọn”.

Đối thủ đáng gờm

“Trong trường hợp các hệ thống cửa hàng cầm đồ được quản lý bài bản, có nguồn tiền lành mạnh, họ hoàn toàn có thể cạnh tranh với hệ thống các CTTC hay NH, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa khi các tổ chức tín dụng chưa phát triển đến. Chi phí cho một cửa hàng cầm đồ là thấp nên mô hình hoạt động này sẽ thành công”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Là người từng trải nghiệm dịch vụ cầm đồ khi còn là sinh viên, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích dịch vụ cầm đồ có nhiều lợi thế hơn các mô hình khác. Khách hàng vay tiền nhanh mà không quá nhiều thủ tục như các NH, CTTC. Đó là chưa kể khách hàng có thể “cắm” bất cứ thứ hàng hóa gì có giá trị tại tiệm cầm đồ như xe, máy tính, vàng, điện thoại... để lấy tiền mặt sử dụng ngay. Rồi “bước ra cửa” là gặp ngay cửa hàng cầm đồ. Không những ở VN mà các nước như Mỹ, Đức, Úc, Singapore... đều có các cửa hàng cầm đồ.

cam do lan san cho vay tieu dung
Thị trường cho vay tiêu dùng được cho là còn đầy tiềm năng. (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)

Theo ông Phùng Anh Tuấn, cửa hàng cầm đồ nhắm đến phân khúc khách hàng cần vay những khoản vay nhỏ, trong thời gian ngắn dưới 30 ngày và quan trọng thời gian giải ngân ngay lập tức. Đây là đối tượng mà NH và các CTTC chưa “sờ” đến. Thực tế, cầm đồ lại cho chỉ số an toàn cao vì cho vay dựa trên tài sản thế chấp, không cung cấp các khoản vay tín chấp. Lợi thế của các công ty cầm đồ đó là điều kiện vay đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng.

Ông cho biết thêm rằng cho vay cầm đồ khả năng mất vốn gần như bằng không, vì hạn mức mà công ty cho khách hàng vay thường nhỏ hơn giá trị tài sản được công ty thẩm định. Công ty cầm đồ chỉ mất vốn khi thẩm định sai giá trị tài sản và cho vay vượt quá mức an toàn dẫn đến khi khách hàng không có khả năng trả nợ thì việc thanh lý tài sản bị lỗ. Tỷ lệ nợ xấu phải thanh lý tài sản đối với các mô hình cầm đồ chuyên nghiệp ở mỗi quốc gia khác nhau. Như mô hình chuỗi cầm đồ First Cash ở Mỹ có tỷ lệ hợp đồng phải thanh lý tài sản chiếm đến 40 - 50%, còn đối với F88 tỷ lệ hiện giờ chỉ chiếm 5%.

Một chuyên gia bán lẻ nhận định, sắp tới đây, các CTTC chỉ có thể cho vay tối đa 100 triệu đồng nhưng đến một số tiệm cầm đồ có tiềm lực tài chính mạnh có thể cho vay số tiền nhiều. Vị chuyên gia này nhận xét dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực cầm đồ là một tín hiệu tốt, tạo nên một xu hướng mới giúp thị trường cầm đồ hạn chế những tiếng xấu từ trước đến nay là hoạt động cho vay nặng lãi, hay nơi tiêu thụ những tài sản không rõ nguồn gốc.

Bẫy rủi ro cho người vay

Dù đánh giá cao hệ thống cầm đồ nhưng ông Nguyễn Trí Hiếu lưu ý bẫy rủi ro khá lớn đối với người đi vay. Đã tìm đến đây là những trường hợp cần tiền cấp bách nên tiệm cầm đồ thường ép định giá chỉ bằng 30 - 50% giá trị tài sản cầm. Với thời gian vay ngắn, nhiều người không trả được nợ thì tiệm cầm đồ phát mãi nên kiếm được lời khủng. Chẳng hạn một chiếc điện thoại có giá thị trường 6 triệu đồng, tiệm cầm đồ chỉ cho vay 1 - 2 triệu đồng. Trường hợp khách hàng tới hẹn không có tiền chuộc, tiệm bán với giá 3 - 4 triệu đồng, bỏ túi 1 - 2 triệu đồng. Nói chung, họ nắm đằng chuôi.

Thanh Xuân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.