|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Caixin: Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong 23 tháng

21:16 | 30/01/2022
Chia sẻ
Kết quả khảo sát của Caixin/Markit công bố ngày 30/1 cho thấy lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 1/2022 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 23 tháng, cho thấy chi phí kinh tế khổng lồ từ chính sách zero-COVID (COVID bằng 0) của nước này, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng và các biện pháp hạn chế đã gây sức ép lên sản lượng và nhu cầu.
Caixin: Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong 23 tháng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Caixin/Markit đã giảm xuống 49,1 trong tháng 1/2022, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi nền kinh tế vẫn đang phải áp dụng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Con số trên thấp hơn so với ước tính giảm từ 50,9 trong tháng 12/2021 xuống 50,4 mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra.

Chỉ số PMI yếu kém trên có khả năng củng cố đồn đoán của thị trường về việc các nhà hoạch định chính sách cần triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ để ổn định nền kinh tế đang suy yếu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC, ngân hàng trung ương nước này) đã bắt đầu cắt giảm lãi suất và bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính để giảm chi phí đi vay, đồng thời các biện pháp nới lỏng dần dần sẽ được triển khai trong những tuần tới.

Một chỉ số phụ đo lường sản lượng công nghiệp tháng 1/2022 đứng ở mức 48,4, giảm so với mức 52,7 trong tháng 12/2021, trong đó các công ty được khảo sát báo cáo số lượng doanh nghiệp mới "gia nhập" giảm và do số ca mắc COVID-19 gia tăng và các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan đã làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Nhu cầu cũng giảm mạnh trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2021 và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Xuất khẩu là một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2021. Điều này dẫn đến áp lực mới đối với thị trường việc làm, với chỉ số việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm.

Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group cho biết từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 ở một số khu vực bao gồm Tây An và Bắc Kinh đã buộc chính quyền địa phương thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, vốn làm hạn chế sản xuất, vận chuyển và bán hàng hóa sản xuất. Rõ ràng là nền kinh tế Trung Quốc đang bị "kìm kẹp" bởi ba yếu tố nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và các đồn đoán suy yếu.

Trong khi đó, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của nước này cũng đã tăng với tốc độ chậm nhất trong tháng 1/2022, khi dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc cho thấy chỉ số PMI trong lĩnh vực phi chế tạo tháng 1/2022 ở mức 51,1 so với mức 52,7 của tháng 12/2021.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/1 đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ mức 5,6% trước đó xuống 4,8%, cho thấy tài sản sụt giảm và tác động của các biện pháp hạn chế dịch bệnh lên hoạt động tiêu dùng.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4% trong quý IV/2021 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng yếu nhất trong một năm rưỡi.

Minh Hằng (Theo Reuters)