|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cái giá của tiền bẩn

11:56 | 25/03/2019
Chia sẻ
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, hàng chục cuộc trấn áp đã được thực hiện nhắm vào những kẻ rửa tiền, vốn phụ thuộc nhiều vào các ngân hàng, công ty vỏ bọc và các cơ chế khác để che dấu hành động của mình.
Cái giá của tiền bẩn - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng trên thế giới đã bị phạt nặng vì tiếp tay cho hoạt động rửa tiền.

Bloomberg đưa tin, số tiền mà các ngân hàng đóng phạt đã tăng lên hàng tỉ USD, tuy nhiên, không rõ liệu những nỗ lực hành pháp này - với một số cái tên tiêu biểu dưới đây - có đẩy lùi được nạn rửa tiền hay không.

Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm, qui mô các giao dịch mờ ám vẫn lên tới 2.000 tỉ USD mỗi năm.

Citigroup

• Tiền phạt: 237 triệu USD

• Trong giai đoạn 2007 - 2012, Banamex USA, một công ty con của Citi, đã giao dịch hơn 8,8 tỉ USD mà hầu như không có sự giám sát. Citi đã bị Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ và Cơ quan Giám sát Kinh doanh California phạt vào năm 2015. Hai năm sau, Citi phải kí một thỏa thuận không truy tố với Bộ Tư pháp Mỹ.

JPMorgan Chase

• Tiền phạt: 2,05 tỉ USD

• Trong khoảng 15 năm, theo một dàn xếp của tòa án Mỹ vào năm 2014, JPMorgan đã phớt lờ những cảnh báo liên quan đến các giao dịch của nhà tài chính Phố Wall - ông Bernard Madoff - người đã sử dụng tài khoản tại ngân hàng này để thực hiện mô hình lừa đảo kiểu Ponzi trị giá 65 tỉ USD. Đây là mô hình Ponzi lớn nhất từng được phát hiện tại Mỹ.

Wachovia

• Tiền phạt: 160 triệu USD

• Các băng đảng ma túy Mexico đã sử dụng các tài khoản tại Wachovia để tài trợ cho hoạt động buôn bán ma túy và rửa tiền. Từ năm 2004 đến 2007, ngân hàng này (sau khi được mua lại bởi Wells Fargo) đã xử lí ít nhất 373 tỉ USD tiền chuyển khoản từ các công ty kinh doanh ngoại hối Mexico, theo một thỏa thuận hoãn truy tố vào năm 2010 với chính quyền Mỹ.

Liberty Reserve

Nền tảng kĩ thuật số này là trung tâm của một chiến dịch rửa tiền, được cho là trị giá 6 tỉ USD. Năm 2016, chính quyền Mỹ đã kết án người sáng lập của Liberty Reserve, ông Arthur Budovsky, 20 năm tù vì điều hành một doanh nghiệp rửa tiền thông qua nền tảng có trụ sở tại Costa Rica này.

PDVSA

Cựu nhân viên ngân hàng Julius Baer, ông Mathias Krull, đã bị tòa án Mỹ kết án 10 năm tù vào tháng 8/2018 vì vai trò của ông này trong việc giúp rửa 1,2 tỉ USD từ Petróleos de Venezuela SA, một công ty thuộc sở hữu của nhà nước. Ngân hàng Julius Baer không bị cáo buộc nào.

Standard Chartered

• Tiền phạt: 967 triệu USD

• Năm 2012, ngân hàng này đã nộp 667 triệu USD tiền phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ trong việc hợp tác kinh doanh với Iran. Năm 2014, bang New York đã phạt Standard Chartered thêm 300 triệu USD vì yếu kém trong kiểm soát chống rửa tiền.

HSBC

• Tiền phạt: 1,9 tỉ USD

• Ngân hàng này đã thất bại trong việc giám sát hơn 670 tỉ USD tiền chuyển khoản từ Mexico và hơn 9,4 tỉ USD mua tiền tệ Mỹ, theo một thỏa thuận hoãn truy tố với chính quyền Mỹ. Một hệ thống tiền gửi và chuyển khoản công phu đã cho phép các băng đảng ma túy Mexico và Columbia rửa số tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp của chúng.

Danske Bank

Vào tháng 9/2018, Danske Bank cho biết khoảng 200 tỉ euro (tương đương 230 tỉ USD) tiền (có khả năng) bất hợp pháp đã tràn vào các chi nhánh nhỏ của ngân hàng này tại Estonia trong 9 năm qua, bất chấp cảnh báo từ người tố giác và cơ quan quản lí. Các cuộc điều tra đang được tiến hành ở Đan Mạch, Estonia và Mỹ.

ING

• Tiền phạt: 900 triệu USD

• Trong một thỏa thuận năm 2018 với các nhà chức trách Hàn Lan, ngân hàng này đã thừa nhận "những thiếu sót nghiêm trọng" trong việc không ngăn chặn các khoản thanh toán bất hợp pháp của VimpelCom đến một công ty thuộc sở hữu của một quan chức Uzbekistan. VimpelCom, ban đầu là một công ty viễn thông của Nga, hiện được gọi là VEON.

Deutsche Bank

• Tiền phạt: 670 triệu USD

• Năm 2017, chính phủ Anh và Mỹ đã phạt Deutsche Bank vì một loạt các giao dịch phản chiếu (mirror trade) được thực hiện thông qua văn phòng tại Moscow. Các giao dịch cho phép người Nga chuyển hàng tỉ USD bằng cách mua cổ phiếu bằng đồng rúp tại Nga và bán chúng tại London để đổi lấy đồng USD hoặc euro.

Commerzbank

• Tiền phạt: 1,45 tỉ USD

• Trong giai đoạn 2002 - 2008, ngân hàng này đã giao dịch hơn 250 tỉ USD thay mặt cho các công ty Iran và Sudan. Do các biện pháp kiểm soát tuân thủ không chặt chẽ, theo một lệnh chấp thuận với Cơ quan Dịch vụ Tài chính New York vào năm 2015, Commerzbank đã không chia sẻ các thông tin liên quan về các khách hàng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ với chính quyền.

Teodoro Nguema Obiang Mangue

Con trai của chủ tịch Equatorial Guinea (hiện là Phó Tổng thống của New Guinea) đã kiếm được hơn 300 triệu USD từ nước này trong giai đoạn 2004 - 2011 thông qua hối lộ, đút lót và rửa tiền, theo một thỏa thuận mà ông này kí vào năm 2014 với Mỹ. Mỹ đã tịch thu khoảng 30 triệu USD tài sản, bao gồm cả kỉ vật của Michael Jackson và khu biệt thự ở Malibu được mua thông qua một công ty vỏ bọc.

Tin tặc tại Bangladesh

Tin tặc đã đánh cắp 81 triệu USD từ ngân hàng trung ương Bangledesh vào năm 2016. Những tên trộm đã sử dụng Swift, hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu, để đưa ra các hướng dẫn không có thật nhằm rút tiền của Ngân hàng Bangledesh từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và sau đó rửa tiền tại các casino ở châu Á.

1MDB

Từ năm 2009 đến 2015, hơn 4,5 tỉ USD đã chảy từ quĩ chính phủ vào tay các quan chức và cộng sự bị cáo buộc tham nhũng, theo đơn kiện năm 2017 của Bộ Tư pháp Mỹ. Malaysia đã buộc tội Goldman Sachs, nơi sắp xếp việc bán trái phiếu cho 1MDB; Goldman Sachs cho hay họ sẽ "cực lực phản đối" các cáo buộc này của Malaysia.

Commonwealth Bank of Australia

• Tiền phạt: 700 triệu đô la Úc

• Vào tháng 6/2018, ngân hàng này đã phải chịu hình phạt dân sự lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Australia sau khi thừa nhận hơn 53.000 hành vi vi phạm luật rửa tiền. Việc rửa tiền trên cho phép các tập đoàn buôn bán ma túy tuồn hàng triệu USD ra nước ngoài.

Những thủ đoạn rửa tiền tinh vi và xảo quyệt nhấtNhững thủ đoạn rửa tiền tinh vi và xảo quyệt nhất EU quan ngại nguy cơ rửa tiền từ tiền gửi nước ngoàiEU quan ngại nguy cơ rửa tiền từ tiền gửi nước ngoài Deutsche Bank và Wells Fargo dính dáng đến bê bối rửa tiền tại EstoniaDeutsche Bank và Wells Fargo dính dáng đến bê bối rửa tiền tại Estonia

Trần Nam Thi