|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những thủ đoạn rửa tiền tinh vi và xảo quyệt nhất

07:18 | 25/03/2019
Chia sẻ
Sau khi kiếm được hàng tỉ USD bằng các hoạt động phi pháp, bọn tội phạm không thể chỉ đơn giản chuyển khoản số tiền này hoặc mang cả bao tải tiền qua biên giới vì sẽ lập tức bị phát hiện và ngăn chặn. Số tiền "bẩn" này cần được rửa để có vẻ ngoài sạch sẽ.

Nói một cách đơn giản, rửa tiền là việc dùng các thủ thuật để làm cho số tiền có nguồn gốc phi pháp trở thành tiền có nguồn gốc hợp pháp. Sau đó, số tiền này có thể được công khai sử dụng ở khắp nơi trên thế giới như mua bất động sản, du thuyền sang trọng, … mà không lo bị ai tra hỏi. Đa phần các quốc gia và ngân hàng lớn trên thế giới đều có những cơ chế kiểm soát để ngăn chặn những dòng tiển khả nghi đi vào hệ thống tài chính. 

Tuy nhiên từ hàng loạt các vụ bê bối, gần đây nhất là vụ Troika Laundromat và việc nhiều ngân hàng Châu Âu bị điều tra, có thể thấy bọn tội phạm luôn có những phương thức rất sáng tạo để lọt qua tấm lưới luật pháp.  

Vậy hoạt động rửa tiền được thực hiện như thế nào?

Những thủ đoạn rửa tiền tinh vi và xảo quyệt nhất - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ẩn mình dưới các vỏ bọc

Các công ty vỏ bọc (shell company) có thể được thành lập một cách dễ dàng, nhanh chóng và không hề tốn kém. Đặc điểm của các công ty này là chỉ tồn tại trên giới tờ, không có hoạt động kinh doanh thực tế nào và lí lịch rất "mờ ám" - khó truy ra được chủ nhân thực sự.

Tiền bẩn được chuyển qua chuyển lại nhiều lần giữa các công ty vỏ bọc kiểu này sẽ khó bị theo dõi nguồn gốc hơn. Các công ty vỏ bọc thường được thành lập ở những thiên đường thuế nổi tiếng xưa nay như Thụy Sỹ, Cayman Islands, .... Tuy nhiên, một số bang của Mỹ như Delaware hay Nevada cũng cho phép thành lập doanh nghiệp một cách ẩn danh.

Tổ chức nhà báo quốc tế phanh phui ra vụ rửa tiền Troika Laundromat cho biết vụ này liên quan đến ít nhất 75 công ty vỏ bọc thực hiện các giao dịch có tổng giá trị 8,8 tỉ USD dựa trên các thỏa thuận làm ăn không có thật.

Đánh vào điểm yếu nhất

Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, những kẻ rửa tiền tìm kiếm các "điểm yếu" ở Châu Âu – những nơi mà cơ quan quản lí thiếu cảnh giác và kém về năng lực. Bọn chúng tìm những ngân hàng có cơ chế giám sát lỏng lẻo, hay thậm chí là sẵn sàng đồng lõa. 

Đó là lí do vì sao những dòng tiền chảy như thác vào các ngân hàng của Cyprus (Đảo Sip), Malta. Các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Lithuania và Latvia đóng vai trò quan trọng trong việc đưa dòng tiền bẩn từ Nga vào hệ thống tài chính phương Tây.

Ba nước cộng hòa Xô Viết cũ này còn có lợi thế ở chỗ tiếng Nga được người dân ở đây sử dụng rộng rãi, và các ngân hàng của bán đảo Scandanavi (Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, …) thèm khát được thâm nhập những thị trường tăng trưởng cao này.

Thông qua các ngân hàng đại lí (correspondent banks) ở Phương Tây, dòng tiền có thể tiếp tục được "rửa" và lưu thông mà ít bị giám sát hơn. Ngân hàng Đan Mạch Danske Bank A/S đã thừa nhận rằng phần lớn trong số 220 tỉ USD chảy qua chi nhánh tí hon của ngân hàng này ở Estonia có thể là tiền bẩn. 

Rửa tiền bằng giao thương quốc tế

Tội phạm có thể chuyển tiền xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các hoạt động giao thương quốc tế có vẻ hợp pháp và ngụy tạo hóa đơn để che giấu giá trị thực của giao dịch. Thủ đoạn sử dụng thương mại quốc tế này là một phần thiết yếu trong vụ án rửa tiền Troika Laundromat, trong đó các hóa đơn ma được dùng để giao dịch "hàng thực phẩm", "hàng kim loại" và "linh kiện ô tô".

Phương thức này được sử dụng rộng rãi để đưa tiền ra khỏi các quốc gia đang phát triển. Tổ chức Trung thực Tài chính Toàn cầu tại Washnton ước tính khai khống giá trị hóa đơn chiếm khoảng 18% giá trị thương mại giữa các quốc gia đang phát triển và đã phát triển.

Giao dịch phản chiếu (Mirror trade)

Giao dịch phản chiếu bao gồm hai giao dịch cổ phiếu ở hai nơi khác nhau và có tác dụng ngược chiều nhau, nhưng lại có thể chuyển một số tiền lớn từ nơi này đến nơi kia.

Giao dịch phản chiếu có nhiều ứng dụng hợp pháp và được các quĩ đầu tư sử dụng khi gặp phải giới hạn về số lượng chứng khoán được nắm giữ tại mỗi địa điểm nhất định.

Tuy nhiên giao dịch này có thể dùng để rửa tiền. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là việc Deutsche Bank AG (ngân hàng Đức) giúp khách hàng của mình chuyển khoảng 10 tỉ USD trong vòng 4 năm từ 2011 đến 2015. Ngân hàng này sau đó đã bị các nhà chức trách Anh và Mỹ phạt tổng cộng 629 triệu USD. Một cuộc điều tra hình sự do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành vẫn đang diễn ra.

Nguyên lí của cách rửa tiền này khá đơn giản: Khách hàng (người muốn rửa tiền) đến Deutsche Bank mở tài khoản, chuyển tiền vào và mua chứng khoán trên sàn giao dịch Moscow, rồi ngay lập tức bán số chứng khoán này trên sàn chứng khoán London. Hai giao dịch diễn ra gần như đồng thời. Vậy là khách hàng đã chuyển tiền thành công từ Moscow đến London và chịu phí giao dịch chứng khoán.

Một kiểu rửa tiền khác là thông qua các giao dịch liền kề (back to back). Cụ thể, khách hàng đến ngân hàng vay tiền và dùng tài khoản tiền gửi ở một nước khác làm vật thế chấp. Sau đó khách hàng này không trả nợ, ngân hàng siết tài khoản thế chấp và dòng tiền lại trông sạch sẽ như mới.

Cả hai loại giao dịch này đều hợp pháp ở nhiều nước và do vậy rất khó để phát hiện và ngăn chặn khi được dùng để rửa tiền.

Trộn lẫn tiền sạch và tiền bẩn

Rất khó phân biệt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hợp pháp và hoạt động tội phạm.

Bọn rửa tiền đôi khi mở các công ty làm ăn thật và tạo ra nhiều tiền mặt rồi trộn lẫn số tiền sạch này với tiền bẩn sau đó chuyển vào ngân hàng.

Sòng bạc, nhà hàng và những mô hình kinh doanh sử dụng tiền mặt khác là các mục tiêu hấp dẫn.

Một kiểu rửa tiền là giả vờ vào sòng bạc để chơi rồi tuyên bố mình có nhiều tiền là do may mắn thắng bạc. Một kiểu khác là sở hữu luôn cả sòng bạc và trộn lẫn tiền từ kinh doanh sòng bạc và tiền làm ăn phi pháp.

Trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới Macau từ lâu đã là tụ điểm rửa tiền nổi tiếng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng chấn chỉnh.

Sự phát triển của trò chơi trực tuyến, cá cược thể thao và tiền mã hóa cũng tạo ra các cơ hội rửa tiền mới, hấp dẫn do khó xác định danh tính người tham gia.

Chia để rửa

Để tránh bị nghi ngờ, những kẻ rửa tiền thường chia một khối tiền lớn thành các món tiền nhỏ và thuê nhiều người làm tay chân đi gửi từng món tiền vào các tài khoản khác nhau tại ngân hàng.

Các ngân hàng của Mỹ có nghĩa vụ báo cáo mọi giao dịch có giá trị trên 10.000 USD nên những kẻ rửa tiền thường thực hiện giao dịch dưới ngưỡng này.

(Tại Việt Nam, theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg các giao dịch có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên phải được báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước).

Các ngân hàng cũng phải thường xuyên theo dõi giao dịch của khách hàng để phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ và nếu có lí do thuyết phục để cho rằng khách hàng đang rửa tiền hay làm ăn phi pháp, ngân hàng phải báo cáo cho cơ quan quản lí. Nếu không, có thể bị phạt nặng.

Các ngân hàng cũng thường phàn nàn rằng các qui định pháp luật là gánh nặng quá lớn và các biện pháp kiểm soát nhằm "hiểu rõ khách hàng" là rất tốn kém. Sau vụ bê bối rửa tiền lớn bị phát hiện, Danske Bank đã tăng số nhân viên tuân thủ (compliance) lên hơn 1.000 để theo dõi và ngăn chặn tội phạm về tài chính.

Đức Quyền & Song Ngọc