Cách một đế chế xe điện tại Trung Quốc dần hình thành
Lotus là thương hiệu xe thể thao nổi tiếng của Anh do Tập đoàn Zhejiang Geely Holding của Trung Quốc sở hữu phần lớn, đang thảo luận về việc niêm yết trên thị trường chứng khoán với ý tưởng huy động vốn mới để mở rộng hoạt động sản xuất và phát triển xe điện của Geely trên toàn cầu.
Có thể thấy, Geely không chỉ muốn khẳng định vị thế tại thị trường Trung Quốc mà tập đoàn còn đang thúc đẩy đa dạng hóa chiến lược để tạo sức ảnh hưởng trên thị trường xe điện thế giới.
Công ty con lên sàn để công ty mẹ thêm vốn làm xe điện
Nhà sản xuất ô tô hy vọng sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng hai năm tới đây. Tờ Financial Times dẫn lời ông Matt Windle, Giám Đốc điều hành bộ phận xe thể thao của Lotus cho biết, họ có tham vọng bán 100.000 xe trên toàn cầu vào năm 2028, con số này sẽ tăng gấp khoảng 60 lần so với năm ngoái.
Hồi năm 2017, Geely cũng đã đồng ý mua 49,9% cổ phần của nhà sản xuất ô tô Malaysia đang gặp khó khăn - Proton, công ty cũng đã trao quyền kiểm soát cho Lotus. Vào năm 2021, thương hiệu xe của Anh quốc đã tách hoạt động kinh doanh của mình thành hai bộ phận: Một bộ phận có trụ sở tại Norfolk sản xuất ô tô thể thao và bộ phận công nghệ khác là Lotus Technology chuyên sản xuất xe điện thể thao đa dụng (SUV) ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc miền Trung Trung Quốc.
Lotus Technology có kế hoạch tung ra 4 xe điện thông minh trong 5 năm tới. Năm nay, hãng sẽ tung ra một mẫu SUV chạy điện có tên mã là Type 132. Vào năm 2023, hãng có kế hoạch ra mắt Type 133, một chiếc coupe 4 cửa chạy bằng điện.
Chiến lược đa thuơng hiệu
Ông Chen Jinzhu, Giám đốc điều hành của Shanghai Mingliang Auto Service, cho biết: "Geely kiên quyết trong việc thực thi chiến lược đa thương hiệu của mình. "Tại thị trường Trung Quốc, người mua xe hơi muốn biết thông tin chi tiết về những chiếc xe chạy điện hoàn toàn mới của hãng".
Lotus sẽ tiếp bước Polestar, thương hiệu xe điện hiệu suất cao Thụy Điển thuộc sở hữu của Volvo Cars, được Geely mua lại vào năm 2010. Polestar trước đó cho biết hãng sẽ lên sàn vào nửa đầu năm nay.
Geely là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang phía Đông đất nước tỷ dân, do tỷ phú Trung Quốc Li Shufu sở hữu. Công ty cũng đồng thời sở hữu cổ phần tại công ty sản xuất ô tô Daimler của Đức (1 trong 13 hãng xe lớn nhất thế giới).
Thực tế, Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Ước tính của Thư ký Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc Cui Dongshu chỉ ra rằng có thể có tới 5,5 triệu xe sử dụng năng lượng mới - bao gồm xe chạy điện thuần túy, plug-in hybrid và xe chạy pin nhiên liệu trong năm 2022 này, tăng 84% so với năm 2021.
Ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng dự báo vào năm ngoái rằng cứ 5 chiếc ô tô mới đến các tuyến đường của Trung Quốc vào năm 2030 sẽ có ba chiếc chạy bằng pin.
Geely đã tích cực để vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện vài năm qua. Vào tháng 11/2021, Geely Automobile Group, đơn vị niêm yết tại Hồng Kông của công ty mẹ Geely cho biết họ đã dành 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 23,7 tỷ USD) để nghiên cứu và phát triển trong vài năm tới, với mục tiêu cuối cùng là phát triển xe tự hành L5.
Cứ 10 chiếc xe thì có 4 chiếc - tức là 1,55 triệu trong số 3,65 triệu xe dự kiến tung ra khỏi dây chuyền lắp ráp Geely sẽ là xe hybrid chạy xăng-điện hoặc xe điện hoàn toàn vào năm 2025, Giám đốc điều hành Tập đoàn ô tô Geely Gan Jiayue cho biết vào tháng 10 năm ngoái.