|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cách mạng số ngành du lịch - Bài 1: Những vấn đề đặt ra của chuyển đổi số

16:15 | 01/02/2022
Chia sẻ
Du lịch là ngành có tính liên ngành rất cao, nên thúc đẩy công nghệ số trong hoạt động du lịch đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ban ngành, doanh nghiệp và cộng đồng.
Cách mạng số ngành du lịch - Bài 1: Những vấn đề đặt ra của chuyển đổi số - Ảnh 1.

TP HCM đón khách du lịch nội địa đầu năm 2022. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN).

Đại dịch COVID-19 đã gây cho hầu hết ngành nghề, lĩnh vực nói chung nhiều thách thức không nhỏ, riêng ngành du lịch chịu tổn thất rất nặng nề. Đồng thời, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nhất là sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành du lịch toàn cầu.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề "Cách mạng số ngành du lịch" nhằm cập nhật thông tin từ các báo cáo chuyên ngành, ghi nhận ý kiến chuyên gia, mở ra bức tranh ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu cần những hướng đi và chiến lược trong thời gian tới.

Quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là vẫn còn nhiều rào cản do nền tảng chất lượng người hành nghề du lịch không đồng đều, trình độ quản lý tương đối thấp, công nghệ số cung cấp chưa đầy đủ, dịch vụ du lịch tương đối tụt hậu...

Trong thời gian tới, muốn giải quyết những rào cản này, đòi hỏi ngành du lịch phải có giải pháp mạnh mẽ, vượt qua những hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực, chính sách, công nghệ thông tin, tổ chức và quản lý, cơ chế hợp tác trong ngành.

Đòi hỏi nguồn lực đầu tư

Ghi nhận thực tế trên thị trường du lịch Việt Nam cho thấy, chuyển đổi số là một thử thách lớn của doanh nghiệp, nhất là doanh nhỏ và vừa. Bởi chuyển đổi số không chỉ đòi hỏi sự cố gắng từ Ban quản trị đến toàn bộ đội ngũ nhân viên, mà cần có một chiến lược rõ ràng, kiên định dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu. 

Chuyển đổi số đặt ra yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp và quy trình kinh doanh, đây là sự thay đổi mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng thực hiện.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Ái Nhân, Chuyên gia khoa học xã hội, yêu cầu hàng đầu của chuyển đổi số và phát triển ngành du lịch là phải có nguồn nhân lực, cũng như một số lượng lớn chuyên gia du lịch toàn diện và nhân tài ưu tú về công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, hiện tại hệ thống đào tạo tại Việt Nam còn khá bất cập trong việc bắt kịp xu hướng ươm mầm nhân tài, phát triển nguồn nhân lực du lịch kỹ thuật số, nhất là cung cấp chưa đa dạng chương trình nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và ứng dụng thực tế.

Trong khi đó, ở hầu hết hệ thống nhà hàng, khách sạn, đại lý du lịch, cửa hàng du lịch, điểm đến danh lam thắng cảnh... tại Việt Nam chưa được trang bị nguồn nhân lực công nghệ số du lịch chuyên nghiệp, thậm chí chưa hình thành được những vị trí công nghệ số phục vụ cho yêu cầu chuyển đổi số và đáp ứng nhu cầu du khách.

Những vấn đề này cho thấy, sự thiếu hụt nhân tài kỹ thuật số ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình số hóa của ngành du lịch Việt Nam lên một cấp độ cao hơn.

Đồng quan điểm, đại diện các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, hạn chế và ảnh hưởng của công nghệ số cốt lõi đối với quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch chủ yếu là do nền tảng số hóa còn yếu, mức độ số hóa thấp, thiếu dịch vụ du lịch trực tuyến (online) được cá nhân hóa...

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch bắt buộc ứng dụng nhiều công nghệ thông tin như điện toán đám mây, công nghệ thiết bị đầu cuối thông minh, Internet vạn vật (IoT), hệ thống thông tin địa lý, công nghệ thực tế ảo (VR), hệ thống định vị toàn cầu, công nghệ 5G,...

Mặt khác, ngành du lịch Việt Nam chưa có nhiều nhà cung cấp dịch vụ có khả năng đảm nhận tư vấn chiến lược, thiết kế tổ chức, tiếp thị du lịch và hoạt động dữ liệu. Một vấn đề tồn tại trong ngành du lịch nữa, là có sự khác biệt giữa các khu vực trên cả nước về mức độ công nghệ số.

Khi xét về tổng thể tình hình phủ sóng mạng số du lịch, tỷ lệ thâm nhập thông tin di động, yếu tố phát triển vùng,... những khu vực có điều kiện chuyển đổi số trong ngành du lịch hầu hết tập trung ở thành phố lớn và tỉnh, thành phát triển kinh tế sôi động.

Chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự phân chia, phối hợp và chia sẻ tài nguyên du lịch giữa các ngành, doanh nghiệp, đối tác... có tỷ lệ tương đối thấp.

Đồng thời, ngành du lịch vốn hạn chế về nguồn nhân lực, dẫn đến khoảng cách số hóa trong phát triển chuyển đổi số của ngành ở vùng, miền khác nhau mất cân đối ở nhiều lĩnh vực với chất lượng số hóa thấp.

Nhiều đơn vị hoạt động trong ngành du lịch thiếu cơ sở dữ liệu thông tin số được kết nối với nhau đã khiến mỗi điểm cung cấp dịch vụ trở thành một hòn đảo kỹ thuật số, hiệu suất sử dụng tài nguyên dữ liệu rất thấp. Còn đối với nhiều cá nhân hành nghề và đơn vị du lịch nhỏ, ngay cả khi họ tham gia hợp tác kỹ thuật số vẫn có nhiều quan ngại về bảo mật dữ liệu.

Tiếp cận kinh nghiệm quốc tế

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, hiệu quả rất lớn của truyền thông quảng bá thông qua điện thoại thông minh, nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và từ mạng xã hội trong phát triển du lịch. Bên cạnh mạng xã hội, doanh nghiệp du lịch quốc tế còn tập trung phát triển những trang website thông tin du lịch tích hợp với ẩm thực, văn hóa địa phương...

Đây là những nơi cập nhật thông tin về du lịch với thiết kế hiện đại, đa ngôn ngữ... hướng đến tiếp cận với du khách nước ngoài. Thông qua đó, tối ưu hóa công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường du lịch dựa trên tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và nền tảng internet.

Ngoài ra, để bắt kịp với xu hướng quốc tế, một số quốc gia tập trung nghiên cứu phát triển du lịch điện tử qua đa dạng như trang website, dịch vụ mạng xã hội và ứng dụng điện thoại thông minh với việc áp dụng các công nghệ số như Internet, số hóa 3D, VR, công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR)...

Đồng thời, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chatbot và IoT vào du lịch, cải thiện được trải nghiệm của khách du lịch thông qua tương tác thực tế ảo và trực quan.

Tại ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều rất chú trọng đầu từ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng chuyển đổi số, nhằm đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số thành công trong ngành du lịch.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước này, từng bước xây dựng quy hoạch, phát triển đồng bộ hạ tầng thông tin, công nghệ 4.0, IoT, cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), AI... theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, Việt Nam nên tập trung phát triển những thành phố thông minh gắn với hạ tầng chuyển đổi số du lịch, kết nối du khách với hệ thống tài nguyên của thành phố để có được sự trải nghiệm thuận tiện, thú vị và khó quên.

Hiện nay, Việt Nam có năng lực tiếp nhận và sử dụng công nghệ còn nhiều hạn chế, đội ngũ thực thi, triển khai dịch vụ còn nhiều yếu kém, nhất là mức hiểu biết của nguồn nhân lực về chuyển đổi số còn chưa cao và đồng đều.

Vì vậy, chương trình đào tạo phải được thiết kế phù hợp, bài bản mới có thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ... đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngành du lịch.

Còn phân tích của ông Nguyễn Thế Kiên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, mặc dù trước đây vấn đề chuyển đổi số đã được đề cập đến tại Việt Nam nhưng không tập trung, chưa mạnh mẽ và thiếu quyết liệt.

Trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 ngày càng rõ nét và để lại những hậu quả nặng nề thì chuyển đổi số ngày càng trở thành xu thế tất yếu. Hoặc có thể nói, dịch COVID-19 đã trở thành một "cú hích" thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam và đòi hỏi toàn ngành phải ứng dụng công nghệ như yếu tố sống còn.

Tuy vậy, muốn chuyển đổi số bắt kịp sự phát triển của thị trường cần có cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chiến lược chuyển đổi số du lịch. Cụ thể, về phía Chính phủ cần hoạch định những chiến lược và tầm nhìn trong quá trình chuyển đổi số ngành du lịch.

Du lịch là ngành có tính liên ngành rất cao, nên thúc đẩy công nghệ số trong hoạt động du lịch đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ban ngành, doanh nghiệp và cộng đồng.

Sản phẩm du lịch phải được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng... cho tới khu vui chơi giải trí, điểm tham quan... Do đó, việc số hóa dữ liệu du lịch yêu cầu tính đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ mạnh, cũng như thống nhất.

Bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ, cần những giải pháp xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và hợp tác quốc tế đầu tư phát triển công nghệ số cho ngành du lịch.

Mỹ Phương