Các yếu tố địa chính trị đang tạo ra làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc
Các yếu tố địa chính trị đang tạo ra làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong vòng một tháng tính đến ngày 14/8, giới đầu tư đã rút ra tổng cộng 2,9 tỷ USD từ các quỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc.
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu EPFR Global, luồng vốn đầu tư chảy ra khỏi các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục của những loại cổ phiếu thuộc nhóm A tại Trung Quốc là mạnh nhất kể từ đầu năm 2017 và nếu tính từ đầu năm 2019 đến nay, con số này tổng cộng là 5,9 tỷ USD.
Dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số dòng tiền đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và tạo tác động lan tỏa, bởi thị trường Trung Quốc càng dễ tổn thương thì mối lo ngại về các thị trường mới nổi sẽ càng lớn và vì đa phần các thị trường mới nổi xuất khẩu lượng lớn hàng hóa tới Trung Quốc.
Michael Kelly, Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng đa tài sản của hãng đầu tư PineBridge Investments, cho rằng các thị trường đã có nhiều xáo trộn mạnh trong tháng Tám, với tâm lý bất ổn đã gây ra sự náo loạn và “nạn nhân” có thể nhìn thấy rõ nhất chính là nhóm cổ phiếu A của Trung Quốc chứng kiến đà thoái vốn mạnh.
“Bóng ma” thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, các dữ liệu kinh tế không mấy khả quan và việc đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời làm dấy lên quan ngại về đà suy giảm kinh tế toàn cầu, từ đó tạo ra tâm lý muốn hướng đến những lựa chọn an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Theo số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tuần trước, các ngành công nghiệp của nước này đã ghi nhận đà tăng trưởng chậm nhất trong 17 năm qua, đồng NDT cũng suy yếu và phá ngưỡng 7 NDT đổi lấy 1 USD. Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo dữ liệu từ hãng tin Bloombeg, giá trị tài sản của quỹ giao dịch theo chỉ số (ETF) lớn nhất trong ngành là iShare Core Emerging Markets của tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu của Mỹ BlackRock, có giá trị vốn hóa lên tới 52,4 tỷ USD, đã giảm đến 2,6 tỷ USD chỉ trong 4 tuần qua.
Ngoài ra, các quỹ ETF lớn nhất đầu tư vào khu vực thị trường mới nổi là VWO, và EEM cũng chứng kiến lượng tiền đổ vào giảm kể từ tháng 2/2019 cho tới nay.
Đánh giá về diễn biến này, Dave Chapman, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư đa tài sản của Legal & General Investment Management America, cho biết sự thoái vốn trong các nhóm cổ phiếu Trung Quốc là vấn đề đáng quan tâm.
Cùng với đó, việc đồng nội tệ mất giá mạnh trong khi các hoạt động liên quan đến kiểm soát vốn và tác động của hoạt động này đối với lợi nhuận của các công ty Trung Quốc cũng sẽ là những vấn đề có liên quan đến nhau và có thể trở thành rủi ro thật sự.
Trong khi đó, Joseph Quinlan, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường của Bank of America Private Wealth Management, cho biết trong ngắn tới trung hạn, bất kỳ nhà đầu tư nào rót tiền vào các thị trường mới nổi đều phải cẩn trọng. Ðây rõ ràng là một môi trường đầu tư với rủi ro cao”.