|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các vụ điều tra tự vệ đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam tính đến cuối 2019

16:25 | 01/03/2020
Chia sẻ
Hội đồng tư vấn về Phòng vệ thương mại - VCCI công bố số liệu thống kê các vụ điều tra tự vệ do Việt Nam tiến hành, đối với hàng nhập khẩu tính đến ngày 31/12/2019.

Số liệu thống kê các vụ điều tra tự vệ do Việt Nam tiến hành, đối với hàng nhập khẩu tính đến ngày 31/12/2019, bao gồm những mặt hàng sau: 

1. Phân bón

Ngày 12/5/ 2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng phân bón.

Ngày 2/3/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương kí Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung.

2. Tôn màu

Ngày 24/5/2016, Cục Quản lí cạnh tranh nhận được Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu của Công ty luật hợp danh Nghiêm và Chính, đại diện cho nhóm các công ty sau đây: CTCP Đại Thiên Lộc, CTCP Thép Nam Kim và CTCP Tôn Đông Á. Ngày 6/7/2016, chính thức khởi xướng điều tra.

Ngày 31/5/2017, Bộ Công thương ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

3. Thép dây, thép cuộn

Ngày 26/7/2018, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đối với sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Đây là vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đầu tiên mà Việt Nam tiến hành. 

Vụ kiện này dựa trên nghi ngờ có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, sau khi Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam

Kết luận cuối cùng

Ngày 13/5/2019, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam.

Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung với mức thuế là 10,9% kể từ ngày 28/5/2019 đến hết ngày 21/3/2020 (nếu biện pháp tự vệ ban đầu không gia hạn).

4. Phôi thép và thép dài

Ngày 25/12/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kí Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức. Theo Quyết định này, mức thuế tự vệ chính thức đối với phôi thép được giữ nguyên ở mức 23,3%, trong khi mức thuế đối với thép dài tăng nhẹ từ 14,2% lên 15,4%.

Theo qui định của Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên, Bộ Công Thương cũng đã quyết định lộ trình áp thuế tự vệ theo hướng giảm dần đối với các mặt hàng phôi thép và thép dài.

5. Bột ngọt

Ngày 1/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Kết luận cuối cùng: Ngày 10/03/2016, Bộ Công thương ra Quyết định số 920/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam. 

Theo đó Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa nói trên.

6. Dầu thực vật 

Đây là vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ do Việt Nam tiến hành khởi xướng điều tra ngày 26/12/2012, căn cứ trên đơn kiện nhận được từ Tổng Công ty Dầu Thực vật (Vocarimex) đệ đơn ngày 30/11/2012.

Ngày 23/8/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kí Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với dầu thực vật, cụ thể là dầu nành tinh luyện, dầu cọ tinh luyện.

Chi tiết về các vụ điều tra tự vệ đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam

Phùng Nguyệt