Các tỉnh Tây Nguyên rà soát diện tích trồng cà phê theo quy hoạch
Các tỉnh Tây Nguyên rà soát diện tích trồng cà phê theo quy hoạch. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN |
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) đã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích nhằm phát triển cà phê theo quy hoạch để thích hợp với các điều kiện tự nhiên, nhất là chủ động nguồn nước tưới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo hiệu quả phát triển bền vững.
Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai được xác định là vùng trọng điểm cà phê của cả nước ổn định diện tích khoảng 530.000 ha; trong đó, Đắk Lắk ổn định diện tích 190.000 ha, Lâm Đồng 150.000 ha, Đắk Nông 115.000 ha, Gia Lai 75.000 ha. Đặc biệt, tuy diện tích giảm nhưng các tỉnh Tây Nguyên tập trung đầu tư trồng tái canh, ghép cải tạo bằng các giống cà phê mới, thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh để mỗi niên vụ vẫn đạt từ 1,2 đến 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên (như hiện nay).
Trên cơ sở đó, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh cà phê theo 3 cấp: tỉnh, huyện, xã và bắt đầu giảm dần diện tích cà phê ở ngoài vùng quy hoạch, nhất là những vùng cà phê không chủ động được nguồn nước, có độ dốc từ 15 độ trở lên, có vùng đất không thích hợp…
Tỉnh Đắk Lắk, là địa phương có nhiều diện tích cà phê nhất nước, chỉ cách đây hai năm, tỉnh có trên 204.500 ha nhưng nay đã giảm xuống còn 201.150 ha và đang tiếp tục giảm chuyển diện tích cà phê không chủ động được nguồn nước, có độ dốc lớn sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng cũng đã chuyển hàng nghìn héc ta cà phê kém hiệu quả kinh tế sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao….
Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tập trung nguồn lực, phương tiện, phấn đấu đến năm 2020 tiến hành trồng tái canh, ghép cải tạo cho trên 120.000 ha cà phê đã già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, cho năng suất thấp.
Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng tái canh và ghép cải tạo được hàng chục nghìn héc ta cà phê với giống mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12. Đặc biệt, có bộ giống cà phê chín muộn từ tháng 1 đến tháng 2 năm sau. Đây là các giống cà phê vối kháng cao với bệnh gỉ sắt, cho năng suất cao từ 4 tấn cà phê nhân trở lên/ha, đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu.
Đến nay, Lâm Đồng là địa phương có tiến độ trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê nhiều nhất với trên 40.000 ha, kế đến là tỉnh Đắk Lắk với trên 20.000 ha..
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 582.149 ha, vượt quy hoạch gần 53.000 ha; trong đó, tỉnh Đắk Lắk vượt nhiều nhất với trên 11.000 ha, kế đến là Lâm Đồng vượt kế hoạch 10.000 ha…