|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các quỹ ngoại tranh thủ xả cổ phiếu chứng khoán trên vùng đỉnh lịch sử

06:56 | 16/01/2021
Chia sẻ
Trước sự thăng hoa của thị trường, các công ty chứng khoán cũng hưởng lợi không nhỏ, theo đó hàng loạt cổ phiếu cũng tăng bằng lần so với thời điểm đầu năm. Trong bối cảnh đó, các quỹ ngoại có động thái bán chốt lời sau nhiều năm nắm giữ.

Cổ phiếu chứng khoán thăng hoa 

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng giá mạnh và thu hút dòng tiền trên thị trường. Sự khởi sắc của nhóm chứng khoán nhờ sự kỳ vọng hưởng lợi của thanh khoản lớn trên thị trường và hoạt động tự doanh.

Về tình hình chung, dòng tiền đổ vào thị trường chưa bao giờ mạnh mẽ như thời điểm hiện tại, đặc biệt sự tham gia ồ ạt của lớp nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhà đầu tư F0. 

Theo số liệu từ Trung Tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), trong tháng 12, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới đạt kỷ lục kể từ khi thị trường hoạt động với 63.629 tài khoản, tăng 53,3% so với tháng 11. 

Tại ngày 31/12/2020, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam là hơn 2,77 triệu, tăng 396.515 tài khoản so với cuối năm 2019.

Điều này đã giúp thị trường có thêm dòng tiền mới cân bằng lại lực bán ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài. 

Với vai trò là các tổ chức cung cấp dịch vụ, những công ty chứng khoán hưởng lợi từ các  nguồn phí giao dịch, lãi cho vay ký quỹ (margin). Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đem lại khoản lãi không nhỏ trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc như hiện tại. 

Do vậy, nhóm cổ phiếu chứng khoán thu hút dòng tiền lớn từ nhà đầu tư và ghi nhận mức tăng ấn tượng so với thời điểm đầu năm, bao gồm cả những mã vốn hoá lớn như SSI, VCI, SHS, MBS. Đợt tăng giá của các mã nhóm chứng khoán lại là cơ hội để các quỹ đầu tư nước ngoài chốt lời sau nhiều năm nắm giữ.

Các quỹ ngoại tranh thủ chốt lời khi ngành chứng khoán 'ăn nên làm ra' - Ảnh 1.

Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán tăng trần khi chốt phiên hôm nay (15/1). (Nguồn: Tradingview).

Quỹ ngoại xả cổ phiếu chứng khoán khi giá tăng mạnh

Giao dịch gần đây nhất, ngày 7/1, quỹ ngoại Pyn Elite Fund đến từ Phần Lan công bố thông tin đã bán 4 triệu cổ phiếu BSI của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Chứng khoán BSC - Mã: BSI). 

Sau giao dịch, Pyn Elite Fund giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 2,5 triệu cổ phiếu BSI, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,06% và không còn là cổ đông lớn của Chứng khoán BSC.

Theo ghi nhận, từ ngày 12/11/2020 đến ngày 30/12/2020, Pyn Elite Fund cũng đã bán ra tới 2,1 triệu cổ phiếu BSI.

Pyn Elite Fund bắt đầu gom mua cổ phiếu BSI và chính thức trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán BSC kể tháng 8/2016. Thời điểm đó, giá cổ phiếu BSI chỉ dao động quanh mức 7.000 - 8.000 đồng/cp (đã điều chỉnh).

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BSI duy trì được nhịp tăng mạnh và liên tục lập đỉnh mới từ cuối tháng 12. Sau nhịp điều chỉnh nhẹ trong những phiên gần đây, mã này đã tăng 3,9% lên 17.400 đồng/cp trong phiên 15/1, mức đỉnh lịch sử kể từ khi niêm yết trên HOSE. 

Các quỹ ngoại tranh thủ chốt lời khi ngành chứng khoán 'ăn nên làm ra' - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu BSI trong vài tháng trở lại đây. (Nguồn: Tradingview).

Cuối tháng 12, Pyn Elite Fund cũng bắt đầu thoái vốn khỏi CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND). Trong phiên 30/12/2020, quỹ này đã bán 698.090 cổ phiếu VND, giảm số cổ phần sở hữu  còn 18,2 triệu cổ phiếu VND, tương đương 8,73% vốn điều lệ.

Ghi nhận tại thời điểm đầu năm 2019, quỹ này nắm giữ gần 20,6 triệu cổ phiếu VND (tỷ lệ sở hữu 9,87%). Như vậy, quỹ đã bán 2,4 triệu cổ phiếu VND trong hai năm qua.

Trong tháng 10, Pyn đã bán ra 500.000 cổ phiếu VCI của CTCP Chứng khoán Bản Việt, hạ tỷ lệ sở hữu xuống 6,9%. Chốt phiên 15/1, mã này dừng tại 62.300 đồng/cp, tăng gấp hai lần so với hồi đầu năm.

Một quỹ ngoại khác là Yurie Vietnam Securities Investment Trust (Stock) mới đây cũng thông báo không còn là cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Mã: CTS) sau khi bán ra 29.000 cổ phiếu trong phiên 21/12. 

Theo thống kê, từ ngày 18/9/2020 đến ngày 20/12/2020, quỹ này cũng bán hơn 1,1 triệu cổ phiếu CTS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,997% xuống 5%. Vì tỷ lệ sở hữu không thay đổi vượt qua các ngưỡng 1% nên Yurie Vietnam Securities Investment Trust không phải công bố thông tin giao dịch.

Hiện Yurie Vietnam Securities Investment Trust vẫn là cổ đông lớn của Chứng khoán VNDirect khi sở hữu 5,21% vốn điều lệ tại đây. 

Bên cạnh đó, Asean Deep Value Fund đến từ Cayman Islands cũng liên tiếp giảm tỷ lệ sở hữu tại Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương. 

Từ ngày 21/12/2020 đến ngày 6/1, quỹ này đã bán hơn 1,2 triệu cổ phiếu APS, hiện chỉ còn nắm giữ hơn 6,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 15,74%).

Asean Deep Value Fund trở thành cổ đông lớn APS từ năm 2013 và liên tiếp mua thêm cổ phần để nắm giữ trên 19% vốn tại thời điểm tháng 7/2018. 

Hoạt động thoái vốn của quỹ ngoại diễn ra trong giai đoạn cổ phiếu APS tăng dựng đứng và lập đỉnh 6 năm tại mức giá trần 7.100 đồng/cp trong phiên 15/1. So với thời điểm đầu năm, giá mã này đã tăng tới 4.600 đồng/cp, tăng gần 275%.

Linh Giang