|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các quốc gia theo đuổi chính sách Zero-COVID khiến đế chế du thuyền của tỷ phú Malaysia phá sản

16:17 | 25/01/2022
Chia sẻ
Đế chế du thuyền Genting Hong Kong của tỷ phú người Malaysia đã đệ đơn chấm dứt các hoạt động kinh doanh và thanh lý tài sản vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Lim Kok Thay bắt đầu kinh doanh lĩnh vực du thuyền vào những năm 1990 tại Hong Kong và dần đưa công ty của mình thành một trong những nhà khai thác du thuyền lớn nhất châu Á, theo Bloomberg.

Đây là một nỗ lực dựa nhiều vào sự đam mê, cũng như một cách để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sòng bạc do cha ông, Lim Goh Tong, thành lập tại Malaysia. Dưới thời Lim Kok Thay, người năm nay đã 70 tuổi, tập đoàn Genting Hong Kong Ltd. đã mở rộng đội tàu của mình, mua các tuyến du lịch khác và thậm chí bổ sung thêm một chuỗi nhà máy đóng tàu tại Đức.

Giờ đây, sau hơn hai chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, công ty của tỷ phú Lim Kok Thay đang chuẩn bị thanh lý các du thuyền. Genting Hong Kong đã đệ đơn vào tuần trước nhằm đóng các hoạt động kinh doanh du thuyền. 

Đây là một trong những vấp ngã lớn nhất của một nhà điều hành du lịch kể từ khi đại dịch ảnh hưởng đến ngành công nghiệp này. Đó là một ví dụ điển hình về cách mà COVID-19 khiến cả những ông lớn đầu ngành cũng phải đứng bên bờ vực sụp đổ.

Chloe Then Sheau Nyuk, người từng trải nghiệm dịch vụ của công ty ở Penang, Malaysia và đi Phuket, Thái Lan cho biết: "Tôi cảm thấy rất buồn khi biết tin này. Một trong những điều tôi thích nhất là thức dậy cùng chồng từ 6 giờ sáng để đón bình minh trên boong tàu".

Ông Lim Kok Thay đã từ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành Genting Hong Kong. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 21/1, công ty cho biết trong một hồ sơ đăng ký trên sàn chứng khoán Hong Kong. Một phát ngôn viên của Genting đã từ chối yêu cầu phỏng vấn ông Lim Kok Thay và không đưa ra bình luận về vấn đề này.

Tỷ phú người Malaysia thành lập tiền thân của Genting Hong Kong vào năm 1993, mua phà từ một công ty du lịch đã phá sản để vận hành chúng với thương hiệu Star Cruises. Những con tàu đầu tiên của hãng đều là đồ cũ, và chỉ trong cuộc Khủng hoảng Tài chính Châu Á vào cuối những năm 1990, hãng mới bắt đầu mua những chiếc mới.

Trong những năm qua, Genting Hong Kong đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra ngoài Star Cruises, một phần bằng cách mua lại các hãng du thuyền khác. Công ty đã mua thương hiệu Crystal Cruises ở Mỹ và thành lập Dream Cruises cao cấp ở châu Á.

Đó là thời điểm mà những gã khổng lồ của thế giới du thuyền, chẳng hạn như Carnival Corp., đang thịnh vượng khi lĩnh vực này tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới trong ngành du lịch. Công ty của tỷ phú người Malaysia cũng đã thành lập một số nhà máy đóng tàu ở Đức bắt đầu từ năm 2015 để đóng tàu của riêng mình.

Sai lầm khi tập trung vào các nước theo đuổi chính sách 'Zero-Covid', đế chế du thuyền số một Đông Nam Á của tỷ phú Malaysia sụp đổ - Ảnh 1.

Ông Lim Kok Thay, người sở hữu đế chế du thuyền Genting Hong Kong. (Ảnh: Bloomberg).

Đại dịch COVID-19 bùng phát buộc các công ty du lịch phải tạm dừng hoạt động, Kok Thay vẫn đặt cược dài hạn vào ngành du lịch. Mặc dù công ty cung cấp các dịch vụ tàu biển như một phần của xu hướng mở rộng các mảng kinh doanh, song Genting Hong Kong vẫn báo cáo khoản lỗ kỷ lục lên tới 1,7 tỷ USD trong tháng 5/2021.

Đầu tháng này, công ty con chuyên phụ trách mảng đóng tàu thuộc sở hữu hoàn toàn của Genting Hong Kong là MV Werosystem cũng đã đệ đơn xin phá sản lên một tòa án địa phương ở Đức.

Tuần trước, Genting Hong Kong, do tỷ phú Lin Kok Thay sở hữu 76%, đã đệ đơn lên Bermuda yêu cầu hủy bỏ niêm yết và chỉ định người thanh lý tạm thời. Công ty cho biết tiền mặt của họ dự kiến sẽ cạn kiệt vào khoảng cuối tháng 1 và không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới.

Công ty đã nỗ lực hết sức để đàm phán với các chủ nợ và các bên liên quan, theo một thông báo được đưa ra trước đó. Giá cổ phiếu của Genting Hong Kong đã giảm hơn 60% so với mức cao nhất trong tháng 11/2021 trước khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 18/1.

Peninsula Petroleum Far East Pte đã đệ đơn kiện ở Mỹ nhằm tìm cách đòi lại 4,6 triệu USD tổng số phí chưa thanh toán cho nhiên liệu boongke mà Genting Hong Kong đã giao cho ba trong số các tàu của mình kể từ năm 2017. 

Crystal Symphony, một con tàu du lịch sang trọng do Genting Hong Kong điều hành, sẽ bị thu giữ nếu nó cập cảng Miami theo lịch trình, theo J. Stephen Simms, luật sư chính đại diện cho Peninsula Petroleum Far East. Dữ liệu theo dõi con tàu cho thấy con tàu đã cập cảng Bahamas vào tối thứ Bảy, nơi lệnh bắt giữ của Mỹ không thể được thực hiện.

Phần đặt chỗ vẫn có sẵn trên trang web của Genting Hong Kong cho các chuyến du lịch từ Hong Kong và Singapore. Theo một đại diện của công ty, các chuyến đi của Dream Cruises đã được lên kế hoạch sẽ tiếp tục.

Những khó khăn của Genting Hong Kong phản ánh sự tập trung của họ vào châu Á, nơi các thị trường lớn như Trung Quốc và Hong Kong vẫn đang đóng cửa và theo đuổi chiến lược Zero-COVID. Các nhà khai thác du thuyền khác, chẳng hạn như Carnival và Royal Caribbean Cruises Ltd., đang phục hồi khi các thị trường như Mỹ và Châu Âu hiện đang "sống chung với virus".

Mặc dù ông Lim Kok Thay đã bị giáng một đòn mạnh trong lĩnh vực kinh doanh du thuyền, nhưng đó chỉ là một phần trong tập đoàn lớn mạnh mà cha ông đã bắt đầu xây dựng với khu nghỉ dưỡng sòng bạc trên đỉnh đồi hiện có tên là Resorts World Genting, cách Kuala Lumpur hơn một giờ chạy xe. Đây là khu nghỉ mát sòng bạc được cấp phép duy nhất ở một quốc gia theo đạo Hồi.

Kok Thay và cha đã làm việc để mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bên ngoài Malaysia, xây dựng nó thành một trong những tập đoàn giải trí và trò chơi lớn nhất trên thế giới. Ngày nay, Genting cũng điều hành các khu nghỉ dưỡng có sòng bạc ở Anh, Singapore và Mỹ, sở hữ Resorts World Las Vegas trị giá 4,3 tỷ USD đã khai trương vào tháng 6/2021.

Cha ông, người sinh ra ở Trung Quốc và chuyển đến Malaysia khi nước này vẫn còn là thuộc địa của Anh, đã qua đời vào năm 2007. Chỉ chưa đầy bốn năm trước đó, Kok Thay đã nắm quyền lãnh đạo tập đoàn.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu ông Kok Thay có thể cố gắng bảo lãnh cho Genting Hong Kong với sự giúp đỡ từ các tập đoàn khác hay không. Công ty Genting Malaysia Bhd., đơn vị đang điều hành khu nghỉ mát sòng bạc của đất nước, đã đầu tư vào Genting Hong Kong trước đây. Dù vậy, họ đã bán 17% cổ phần của mình với giá 415 triệu USD vào năm 2016.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những tai ương của Genting Hong Kong sẽ không làm ảnh hưởng đến tham vọng của ông Kok Thay đối với tập đoàn Genting. 

Genting Malaysia, công ty đã mua siêu du thuyền Equanimity mà chính phủ Malaysia thu giữ từ nhà tài phiệt Jho Low với giá 126 triệu USD vào năm 2019, đang chuẩn bị mở một công viên giải trí ngoài trời trị giá 800 triệu USD mới ở nước này. 

Genting Singapore Ltd. đang tiến hành mở rộng khu nghỉ dưỡng Resorts World Sentosa trị giá 3,3 tỷ USD một trong những khu nghỉ dưỡng có sòng bạc lớn nhất ở Đông Nam Á.

Quốc Anh