|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các ông lớn kinh doanh xăng dầu đang kiếm tiền ra sao?

13:44 | 14/09/2020
Chia sẻ
Phát Petraco của đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát báo cáo kết quả kinh doanh bết bát trong những năm gần đây. Dù vậy, kết quả kinh doanh theo báo cáo của Phát Petraco cũng không nói lên nhiều điều, khi bản thân ông chủ DN này bị khởi tố về hành vi mua bán trái phép hóa đơn trị giá lên đến 5.000 tỉ đồng.
Từ thực trạng của Phát Petraco đến toàn cảnh kinh doanh của các ông lớn xăng dầu - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Phát, Chủ tịch HĐQT của hai doanh nghiệp CTCP Thương mại xăng dầu Phát (Phát Petraco) và CTCP Tập đoàn Phú Thành. Nguồn: Phú Thành

Theo số liệu người viết có được, doanh thu thuần của CTCP Thương mại xăng dầu Phát (Phát Petraco) giai đoạn năm 2016 - 2019 giảm mạnh từ 140 tỉ đồng về 26,3 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm từ 2,7 tỉ đồng còn 60 triệu đồng. Thậm chí trong năm 2018, công ty gần như không ghi nhận đồng lợi nhuận nào.

Đại gia xăng dầu đau đầu vì lỗ - Ảnh 1.

Hoạt động kinh doanh những năm gần đây của Phát Petraco liên tục đi xuống, thậm chí thua lỗ. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh phân phối, bán lẻ xăng dầu mặc dù có biên lợi nhuận thấp, nhưng với vòng quay vốn nhanh, doanh nghiệp có thể đạt doanh thu gấp nhiều lần nguồn vốn chủ sở hữu, qua đó thu được mức lợi nhuận lớn so với nguồn vốn tự có.

Đơn cử như trường hợp của CTCP Vật tư - Xăng dầu (Comeco - Mã: COM), chủ sở hữu 37 cửa hàng xăng dầu tại TP HCM đã đạt tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu quanh mức 20%, trước khi sụt giảm trong năm 2019 do diễn biến bất lợi của thị trường.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Comeco, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 1.411 tỉ đồng, giảm 30% so với cùng kì năm trước. Biên lãi gộp tương ứng đạt 5,2%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Comeco lao dốc 76% còn hơn 6,8 tỉ đồng. 

Tình hình của các đại gia xăng dầu cũng không khá khẩm hơn. Nhu cầu xuống thấp kỉ lục vì đại dịch COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội là một trong những lí do khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó khăn chưa từng có.

Sau nửa đầu năm 2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX), đơn vị chiếm 50% thị phần bán lẻ xăng dầu, ghi nhận 65.185 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 29%. Lỗ sau thuế hơn 693 tỉ đồng do quí I, Tập đoàn lỗ nặng tới 1.813 tỉ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày PLX thu về khoảng 362 tỉ đồng doanh thu nhưng lại lỗ gần 4 tỉ đồng/ngày.

Theo Petrolimex, nguồn cơn thua lỗ đến từ tác động kép từ giá dầu và dịch COVID-19. Giá dầu giảm từ trên 61 USD/thùng đầu năm xuống còn 20,48 USD/thùng cuối quí I đã ảnh hưởng đến giá vốn và phát sinh tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo qui định là 1.500 tỉ đồng.

Ngoài ra, sản lượng xăng dầu bán ra giảm 10% do ảnh hưởng của dịch bệnh và lợi nhuận một số đơn vị thành viên giảm so với cùng kì.

So với mục tiêu cả năm, PLX mới thực hiện được 53% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi do lỗ trước thuế tới 920 tỉ đồng.

Bên cạnh kết quả kinh doanh kém sắc, dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Petrolimex tăng từ 56 tỉ đầu năm lên 148 tỉ đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho tính tới cuối quí II đạt 8.898 tỉ đồng, chiếm 15% qui mô tài sản.

Từ thực trạng của Phát Petraco đến toàn cảnh kinh doanh của các ông lớn xăng dầu - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC của Petrolimex

Báo cáo tài chính bán niên của Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL – Mã: OIL), nhà bán lẻ lớn thứ hai thị trường cho thấy khoản lỗ hơn 350 tỉ đồng sau nửa đầu năm, trong khi cùng kì năm trước doanh nghiệp vẫn lãi 271 tỉ đồng. Trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 241 tỉ đồng.

Doanh thu thuần trong kì giảm 24% so với nửa đầu năm 2019, còn 29.338 tỉ đồng. PVOIL lí giải, dưới tác động kép của giá dầu và dịch bệnh, sản lượng kinh doanh của tổng công ty cùng các đơn vị thành viên giảm sút tại tất cả các kênh bán hàng.

"Có thời điểm sản lượng kinh doanh giảm khoảng 20% so với cùng kì năm trước. Đây là mức giảm chưa từng xảy ra và dự kiến sẽ kéo dài", ban lãnh đạo công ty cho biết.

Theo tìm hiểu, trong cơ cấu doanh thu của PVOIL, kinh doanh bán lẻ chiếm hơn 25%, bán cho khách hàng công nghiệp 20 - 30%, còn lại bán cho các đại lí. Theo đó, việc chạy đua chiết khấu là một trong những nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận và đẩy doanh nghiệp vào cảnh thua lỗ.

Dù vừa mới lên sàn hồi cuối tháng 6 vừa qua, nhưng quí II/2020, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH) đã báo lỗ hơn 14 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước vẫn có lãi gần 51 tỉ đồng.

Tính chung 6 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 3.368 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 4,3 tỉ đồng, lần lượt giảm 14% và 94% so với nửa đầu năm 2019. Biên lãi ròng tương ứng giảm từ gần 2% xuống còn 0,12%.

Dầu khí Nam Sông Hậu hiện sở hữu khoảng 67 cửa hàng và 550 đại lí xăng dầu tại khu vực Đồng bằng Sông Cứu Long. Giá trị tổng tài sản tính tới cuối quí II/2020 là 9.144 tỉ đồng, chiếm chủ yếu là hàng tồn kho với 4.877 tỉ đồng (53%).

Tại phía nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 3.063 tỉ đồng, chiếm 33% tổng nguồn vốn và tăng 667 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.

Từ thực trạng của Phát Petraco đến toàn cảnh kinh doanh của các ông lớn xăng dầu - Ảnh 4.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC của PSH

Mới đây, ông lớn xăng dầu Thanh Lễ cũng gây bất ngờ với khoản lỗ sau nửa đầu năm. Biên lãi ròng vốn mỏng manh đã xuống mức âm 2,2% kì này.

Khép lại 6 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (Thalexim - Mã: TLP) ghi nhận doanh thu thuần 5.078 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp chưa đầy 3%.

Sau khi trừ các loại chi phí, Thalexim lỗ sau thuế 144 tỉ đồng, cách xa mục tiêu 150 tỉ đồng lãi ròng cả năm 2020. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 119 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước vẫn có lãi hơn 30 tỉ đồng.

Thực tế, biên lợi nhuận của doanh nghiệp đã liên tục sụt giảm trong giai đoạn 2016 - 2019. Thậm chí, năm 2019, 1 đồng doanh thu thuần chỉ tạo ra 0,7 đồng lợi nhuận cho Thanh Lễ.

Là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn tại Bình Dương, tổng tài sản của TLP tính đến 30/6 là 7.394 tỉ đồng. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho, đều giảm 9% so với hồi đầu năm, còn 1.890 tỉ đồng và 1.595 tỉ đồng.

Mặt khác, nợ ngắn hạn của công ty cũng giảm 10%, xuống còn 4.406 tỉ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ này đã vượt tài sản ngắn hạn (tài sản ngắn hạn tại ngày 30/6 là 3.970 tỉ đồng).

Đại gia xăng dầu đau đầu vì lỗ - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC của Thalexim

Nhà nước đảm bảo lợi nhuận 300 đồng/lít, do đâu doanh nghiệp xăng dầu vẫn lỗ đậm?

Theo nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở (giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu) bao gồm giá CIF tính thuế (giá xăng nhập + chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn có chi phí định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức và khoản trích quĩ bình ổn.

Với khoản lợi nhuận định mức được Nhà nước qui định là 300 đồng/lít, doanh nghiệp xăng dầu luôn được đảm bảo mức lãi này. Nói cách khác, với cơ chế điều hành hiện nay, doanh nghiệp bán 1 lít xăng dầu đương nhiên thu lời 300 đồng. Lãi cao hay thấp còn phụ thuộc vào cách thức vận hành và chi phí hoạt động của mỗi doanh nghiệp. 

Vậy, do đâu doanh nghiệp vẫn báo lỗ? Liên quan đến vấn đề trên, Vietnamnet dẫn lời lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở miền Trung cho biết "Nhà nước cho tổng chi phí và lợi nhuận định mức là 1.300 đồng/lít, song với thời điểm hiện nay để đẩy hàng tồn kho có lúc chúng tôi phải tăng chiết khấu cao hơn nhiều lần.

Dù vậy, cũng có lúc không có tổng đại lí nào mua vì nếu họ biết kì điều hành tới giá xăng dầu sẽ giảm, không thể mua để rồi chịu lỗ."

Thực tế cho thấy, để đẩy được hàng tồn kho, trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải chiết khấu cho tổng đại lí khoảng 1.000 đồng/lít. Thậm chí mức chiết khấu còn cao hơn khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp do áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp đầu mối khác.

Trong khi đó, Nhà nước chỉ cho chi phí định mức là hơn 1.000 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lâm vào cảnh thua lỗ.

Thu Thảo