|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Rối như tơ sở hữu và người đại diện pháp luật công ty của 'đại gia xăng dầu' Ngô Văn Phát

16:34 | 09/09/2020
Chia sẻ
"Đại gia xăng dầu" Ngô Văn Phát được biết đến là Chủ tịch HĐQT của cả hai doanh nghiệp Phát Petraco và Tập đoàn Phú Thành với tổng vốn điều lệ hàng trăm tỉ đồng.

Cuối giờ chiều ngày 8/9 vừa qua, Công an TP Hải Phòng đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Ngô Văn Phát về hành vi mua bán trái phép hóa đơn với trị giá lên đến hơn 5.000 tỉ đồng.

Ông Ngô Văn Phát (56 tuổi) là đại gia chuyên kinh doanh xăng dầu có tiếng tại đất cảng và sở hữu những biệt thự nguy nga tại Hải Phòng và Thái Bình trị giá hàng trăm tỉ đồng.

Được biết, ông Phát đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của hai doanh nghiệp là CTCP Thương mại xăng dầu Phát (Phát Petraco) và CTCP Tập đoàn Phú Thành. 

Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này hiện nay đều không do ông Phát làm đại diện theo pháp luật. Thay vào đó, người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc của công ty được chuyển cho ông Vũ Xuân Bảy.

Ông Bảy Vũ Xuân Bảy cùng 5 bị can khác là nhân viên của Ngô Văn Phát cũng vừa bị khởi tố bao gồm bà Nguyễn Thị Loan, ông Vũ Xuân Bảy, bà Trần Thị Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy, bà Mai Thị Nhài và ông Lương Văn Giao. 

Phát Petraco thành lập 4 năm, đổi người đại diện pháp luật 6 lần

Ma trận doanh nghiệp của đại gia đất cảng Ngô Văn Phát vừa bị khởi tố - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Phát, Chủ tịch HĐQT của hai doanh nghiệp là CTCP Thương mại xăng dầu Phát (Phát Petraco) và CTCP Tập đoàn Phú Thành. Nguồn: Phú Thành

Theo Cổng thông tin quốc gia về Đăng kí doanh nghiệp, Phát Petraco thành lập ngày 9/3/2012 với vốn điều lệ 15 tỉ đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là buôn bán xăng dầu và các sản phẩm liên quan do ông Phan Văn Hoan làm người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc.

Trong thời gian kể từ khi thành lập đến trước tháng 3/2014, công ty đã tăng vốn lên 63 tỉ đồng. Đồng thời, ông Ngô Văn Phát thay thế ông Phan Văn Hoan làm người đại diện pháp luật của Phát Petraco kiêm Chủ tịch HĐQT.

Không dừng lại ở đó, đầu tháng 3/2014, công ty tiếp tục có sự thay đổi chức danh người đại diện theo pháp luật và Tổng Giám đốc. Ông Nguyễn Tiến Miên thế chỗ ông Phát trở thành Giám đốc mới và là người đại diện pháp luật cho Phát Petraco.

Trước thời điểm cuối năm 2015, công ty tiếp tục được giao cho một cá nhân khác quản lí là ông Vũ Tiến Dũng. Tiếp đó, theo giấy đăng kí doanh nghiệp thay đổi ngày 18/12/2015, Phát Petraco do ông Lê Tất Hồng quản lí và là người đại diện theo pháp luật.

Nhưng chỉ hai tháng sau, ông Vũ Xuân Bảy (vừa bị khởi tố) tiếp tục thay thế vị trí của ông Lê Tất Hồng. Theo đó, ông Bảy đã trở thành người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của Phát Petraco từ tháng 2/2016 đến nay.

Mặc dù không còn là người đại diện pháp luật của Phát Petraco, chi nhánh của công ty tại Đà Nẵng vẫn do ông Ngô Văn Phát phụ trách. Ngoài ra, chi nhánh tại Ninh Bình do ông Ngô Văn Chương phụ trách.

Chuyển nhượng vốn tại Phát Petraco rối như tơ vò

Được biết vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 15 tỉ đồng do ba cổ đông sáng lập góp vốn. Trong đó, ông Phan Văn Hoan góp 5 tỉ đồng (33,33%), bà Nguyễn Thị Đào góp 2 tỉ đồng (13,33%). Riêng ông Ngô Văn Phát góp nhiều nhất 8 tỉ đồng, nắm giữ 53,34% vốn điều lệ.

Trước tháng 3/2014, sau khi tăng vốn điều lệ lên 63 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông của Phát Petraco hoàn toàn thay đổi. Cụ thể, ông Ngô Văn Phát giảm sở hữu tại công ty còn 39,68%. Hai cổ đông mới là ông Vũ Xuân Bảy nắm 31,75% và bà Ngô Thị Tuyến nắm 28,57% còn lại.

Thời điểm ông Nguyễn Tiến Miên trở thành Giám đốc mới, ông này đồng thời thay thế ông Ngô Văn Phát nắm 39,68% vốn cổ phần của công ty.

Đến tháng 6/2014, ông Vũ Xuân Bảy đã nâng tỉ lệ sở hữu tại Phát Petraco lên tới 90% vốn điều lệ. Số vốn còn lại do ông Nguyễn Tiến Miên và bà Vũ Thị Trang Anh (một cổ đông mới khác) mỗi người nắm giữ 5%.

Tuy nhiên, theo biên bản họp ĐHĐCĐ của Petraco vào tháng 12 cùng năm 2014 về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn, ông Ngô Văn Phát đã trở lại làm cổ đông lớn nhất tại công ty. Theo đó, ông Phát sở hữu 71,71% vốn điều lệ Petraco; theo sau là ông Vũ Xuân Bảy – Chủ tịch HĐQT (23,29%) và bà Ngô Thị Tuyến (5%)

Ma trận doanh nghiệp của đại gia đất cảng Ngô Văn Phát vừa bị khởi tố - Ảnh 2.

Nguồn: Biên bản họp ĐHĐCĐ của Petraco

Tại cuộc hợp này, các cổ đông của Phát Petraco đã thống nhất tăng vốn điều lệ thêm 10 tỉ đồng, tuy nhiên không thấy đề cập lại việc tăng vốn trong các công bố thay đổi đăng kí sau đó.

Phú Thành tăng vốn lên 500 tỉ đồng ngay trước khi Chủ tịch bị khởi tố

Thành lập cùng năm với Phát Petraco, CTCP Tập đoàn Phú Thành hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và thi công xây dựng, vận tải hàng hóa, khai thác khoáng sản do ông Ngô Văn Phát làm Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật.

Thời điểm tháng 9/2019, ông Phát bất ngờ bàn giao lại cho một cá nhân khác là ông Hoàng Quốc Việt làm người đại diện theo pháp luật, đồng thời giữ vị trí Giám đốc của Phú Thành.

Được biết, doanh nghiệp này đã và đang thi công một số dự án tại tỉnh Thái Bình như Tuyến đường đê số 5 từ xã Nam Hưng đến đê biển xã Nam Hồng huyện Tiền Hải với tổng mức đầu tư 10,5 tỉ đồng; Đầu tư xây dựng công trình đường 221A; Dự án thủy lợi huyện Vân Đồn.

Động thái gần đây từ Phú Thành cho thấy doanh nghiệp này có ý định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Công ty đã có báo cáo gửi UBND huyện Tiền Hải, Thái Bình về phương án quy hoạch dự án phân khu xây dựng khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng tại Cồn Vành, Cồn Thủ và khu cảng Ba Lạt

Công ty cũng cho biết đã tiến hành xong công tác khảo sát địa hình tỷ lệ 1/2.000 cho toàn bộ diện tích 3.499 ha và đang tiến hành khảo sát địa chất, đo sâu tại khu vực cảng Ba Lạt.

Diễn biến gần đây, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ từ 163 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng vào ngày 12/6/2020. Chỉ sau 3 tháng kể từ lần tăng vốn trên, Chủ tịch Phú Thành Ngô Văn Phát nhận quyết định khởi tố, bắt tạm giam của công an thành phố.

Tương tự Phát Petraco, ông Ngô Văn Phát hiện vẫn là người đứng đầu chi nhánh Phú Thành tại Hà Nội, ông Ngô Quang Huy phụ trách chi nhánh Thái Bình và ông Ngô Văn Chương phụ trách thêm chi nhánh Phú Thành tại Ninh Bình.

Thu Thủy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.