|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nước xuất khẩu khí đốt sẽ nỗ lực duy trì sự ổn định của thị trường toàn cầu

02:22 | 23/02/2022
Chia sẻ
Phát biểu khi chủ trì Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt ngày 22/2, Quốc vương Qatar (Ca-ta) Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani cho biết các nước xuất khẩu khí đốt chủ chốt đang tìm cách đảm bảo nguồn cung "đáng tin cậy và chắc chắn".
Các nước xuất khẩu khí đốt sẽ nỗ lực duy trì sự ổn định của thị trường toàn cầu - Ảnh 1.

Một cơ sở khai thác dầu ở bán đảo Yamal thuộc vùng Tây Bắc Siberia của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Quốc vương Al-Thani, diễn đàn này đang nỗ lực duy trì sự ổn định trên các thị trường thế giới, vốn đang bị chao đảo do lo ngại ngày càng tăng về khả năng xảy ra một cuộc xung đột.

Tuy nhiên, nhóm các nước xuất khẩu khí đốt chủ chốt gồm 11 nước, trong đó có Nga, hiện không đưa ra cam kết gì về việc bổ sung nguồn cung cho khu vực Tây Âu, nơi đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nguồn khí đốt của Nga giữa lúc cuộc khủng hoảng Ukraine (U-crai-na) làm tăng giá khí đốt và đe dọa các nguồn cung.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov đã không đề cập đến căng thẳng nêu trên, nhưng ông nhấn mạnh tại diễn đàn này rằng "các công ty Nga hoàn toàn cam kết thực hiện các hợp đồng hiện có" về nguồn cung cấp khí đốt.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây dự báo nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ giảm mạnh ở châu Âu và chậm lại ở châu Á năm nay do giá khí đốt đã tăng tới mức cao kỷ lục. Ngoài ra, căng thẳng giữa Nga và phương Tây có thể tiếp tục đẩy giá năng lượng lên cao ở châu Âu.

Báo cáo của IEA cho biết do cung không theo kịp cầu, cộng thêm tình trạng thiếu hụt bất ngờ đã khiến khí đốt trên thị trường khan hiếm và giá tăng mạnh. Giá tăng khiến nhu cầu khí đốt trong nửa cuối năm 2021 bị kìm hãm.

Số liệu của IEA cho thấy tiêu thụ khí đốt đã tăng 4,6% trong năm 2021, hơn gấp đôi mức giảm do dịch COVID-19 năm 2020. Theo báo cáo, nhu cầu khí đốt tăng trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào thời tiết trong mùa Hè ở Bắc Bán cầu. IEA cho rằng với giả định nhiệt độ bình thường, tăng trưởng của thị trường khí đốt tự nhiên sẽ chậm lại do giá khí đốt cao. Hệ quả là nền kinh tế cũng sẽ mở cửa ở mức vừa phải. Trong khi đó, căng thẳng về nguồn cung có thể sẽ giảm bớt.

Nhu cầu toàn cầu với khí đốt dự kiến sẽ tăng ở mức khiêm tốn là 0,9% trong năm 2022, đạt 4,1 nghìn tỷ m3 khí đốt sau khi tăng 4,6% trong năm 2021. Sản lượng khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,6% lên 4,2 nghìn tỷ m3. Nhu cầu dự kiến sẽ giảm hơn 4% ở châu Âu và chậm lại ở châu Á, từ mức 7% năm 2021 xuống còn 5% trong năm 2022.

Lê Minh